Đồng chí Nguyễn Hữu Luật, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước:

Nỗ lực giảm nghèo, nâng cao dân trí

Nỗ lực giảm nghèo, nâng cao dân trí

Bình Phước - quê hương của “Phú Riềng Đỏ”, cái nôi của phong trào công nhân Việt Nam, nơi gắn liền với những địa danh lừng lẫy trong thời kháng chiến chống Mỹ như Lộc Ninh, Đồng Xoài, là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng vào mùa xuân năm 1975 với chiến thắng Phước Long (ngày 6-1). Nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Phước Long, SGGP đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Luật, Uûy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước.

-PV:
Thưa đồng chí, đã 30 năm đất nước thống nhất, 8 năm ngày tỉnh Bình Phước được tái lập. Đồng chí đánh giá như thế nào về sự phát triển của vùng đất này?

-Đồng chí NGUYỄN HỮU LUẬT:
Phải tự hào là vùng đất gắn liền với lịch sử hào hùng này đã có rất nhiều đổi khác.

Nỗ lực giảm nghèo, nâng cao dân trí ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Hữu Luật tặng quà bà con dân tộc thiểu số. Ảnh: THANH LIÊM

-Những đổi khác đó có thể “gọi tên” bằng gì, thưa đồng chí?

-Lúc mới tái lập (1-1-1997), tỉnh biên giới, miền núi có đến 41 dân tộc anh em sinh sống này, khó khăn mọi thứ. Tài sản chẳng có gì ngoài mỗi một thứ là… 6.800km2 đất.

Vì vậy, chúng tôi xác định ngay là phải tập trung làm thế nào khai thác được tiềm năng đất đai của tỉnh để thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược: phát triển kinh tế, đưa đời sống nhân dân đi lên đồng thời xây dựng lực lượng quốc phòng an ninh vững mạnh. Chúng tôi đã tập trung phát triển thế mạnh về cây công nghiệp xuất khẩu của vùng đất này.

Đến nay, có thể nói cây cao su, điều phát triển rất tốt, mỗi loại trên 100 ngàn ha. Chúng tôi cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng nhiều nhà máy chế biến hạt điều, cao su, bột sắn… gắn liền với quy hoạch lại chăn nuôi để khép kín hai ngành này. Ngoài ra, quy hoạch phát triển một số khu công nghiệp như Nam Chơn Thành, Nam Đồng Phú và khai thác tiềm năng du lịch (núi Bà Rá), xây dựng 3 nhà máy thủy điện (hiện nay 2 nhà máy là Thác Mơ và Cần Đơn đã hoạt động)...

Nhờ vậy, đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục cao, bình quân trong giai đoạn 1997-2000 là 9,1%/năm và giai đoạn 2001-2004 là 13%/năm. Đặc biệt, năm 2004, tốc độ tăng trưởng lên đến 14,97%. Thu ngân sách cũng vậy, từ 116 tỉ đồng năm 1997 lên trên 600 tỉ đồng vào năm 2004.

-Còn đời sống người dân? 

Một vài số liệu về kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước
 
* Tổng GDP: Năm 1997: 1.010,6 tỉ đồng, năm 2004: 2.193 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng hàng năm: 11,38%. GDP bình quân đầu người: năm 1997: 2.198.000đ; năm 2004: đạt 4.328.000đ/người.
 * Giáo dục: đến 2004 toàn tỉnh có 247 trường phổ thông, 7.853 giáo viên và 187.821 học sinh. So với năm 1996 tăng 99 trường; 4.433 giáo viên; 62.273 học sinh.
 * Y tế: tăng từ 73 cơ sở khám chữa bệnh năm 1996 lên 99 cơ sở năm 2004. số giường bệnh tăng từ 544 giường năm 1996 lên 1.054 giường năm 2004. Số cán bộ y tế tăng từ 645 người năm 1996 lên 1.362 người năm 2004.
 * Xóa đói giảm nghèo: đã xây dựng 446 căn nhà tình nghĩa, trên 4.131 căn nhà tình thương. Năm 1997 còn 18% hộ đói nghèo; đến nay không còn hộ đói, chỉ còn 7% hộ nghèo.

                      P.V. (Nguồn: Tỉnh ủy Bình Phước)

-Đặc điểm của tỉnh là có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (hiện chiếm 20% trong tổng số 800 ngàn dân toàn tỉnh), dân trí thấp nên đời sống bà con cũng rất khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay cũng đã khác nhiều! Nhờ tập trung vào công tác nâng cao dân trí, xây dựng mạng lưới y tế, giáo dục bên cạnh công tác xóa đói giảm nghèo… nên so với lúc tách tỉnh, số hộ nghèo đã giảm từ 19% xuống còn 7%, mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 4,3 triệu đồng/năm. Nhiều công trình giáo dục, y tế, văn hóa đã được xây dựng, mỗi năm 10 ngàn lao động được giải quyết việc làm…

Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo soát xét lại quy hoạch, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tăng tỉ trọng dịch vụ để vừa phát triển kinh tế vừa phấn đấu giảm số hộ nghèo xuống dưới 5%.

-Thưa đồng chí, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm phát triển, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, không ít nơi cuộc sống đồng bào vẫn còn rất khó khăn do chưa dứt bỏ được tập quán du canh du cư, chưa có ý thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất…?

-Do tập quán du canh du cư, đồng bào thường ở sát biên giới, vùng sâu vùng xa, dân trí lại thấp, nhiều người không có ý thức tích trữ đất đai, áp dụng khoa học để chăm lo sản xuất, nên một số người lâm vào tình trạng không có đất sản xuất.

Trước tình trạng này, tỉnh vừa tập trung xóa đói giảm nghèo vừa chú trọng nâng cao dân trí cho đồng bào. Ngoài việc cấp đất cho bà con thiếu đất sản xuất, đưa bà con ở vùng sâu vùng xa ra ngoài, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan tập trung hướng dẫn khoa học kỹ thuật, giúp bà con biết cách sản xuất. Mặt khác, tỉnh cũng tạo điều kiện đưa con em đồng bào dân tộc vào làm công nhân các nông lâm trường cùng người Kinh để vừa nâng cao kiến thức cho các em, vừa làm nơi nương tựa cho gia đình.

Trong năm 2000-2001 tỉnh đã đầu tư 24 tỉ đồng xây dựng 4.000 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2004 đầu tư xây dựng thêm 243 nhà văn hóa cộng đồng để làm nơi hội họp, sinh hoạt cho đồng bào. Hiện tại 4 trường dân tộc nội trú huyện (cấp 2) và một trường cấp tỉnh (cấp 2-3) cũng đã được xây dựng để chăm lo cho 30 ngàn học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước hiện nay đang được thực hiện tốt, số hộ nghèo dân tộc thiểu số đã giảm còn 17%-18%.

-Nhiều tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng dân di dân tự do. Những năm qua, Bình Phước đã làm được nhiều điều đáng khâm phục khi phải khởi đầu gần như từ con số không. Phải chăng “vấn nạn” di dân tự do đã không ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh?

-Sau 8 năm tái lập, tỉnh đã đi vào ổn định để phát triển. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Bình Phước hiện cũng là nạn di dân tự do. Với lượng người nhập cư bất hợp pháp vào tỉnh lên đến 25-30 ngàn người mỗi năm đã khiến số hộ nghèo đói cũ của tỉnh vừa giải quyết xong thì số mới lại phát sinh từ đây. Cũng vì vậy, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh khiến kẻ xấu lợi dụng để phá hoại…

Tôi cho rằng, muốn phát triển kinh tế thì xã hội phải ổn định. Đối với vấn đề dân di cư tự do, cũng như ở tỉnh khác, tôi mong muốn Chính phủ có biện pháp chỉ đạo để cả địa phương nơi có dân di cư đi và cả địa phương nơi có dân di cư đến cùng có trách nhiệm phối hợp giải quyết mới có thể khắc phục được tình trạng này…

-Xin cảm ơn đồng chí!

PHẠM TRƯỜNG thực hiện

 

Tin cùng chuyên mục