Nỗ lực giữ nghề

Ấp 4, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) từ lâu luôn được nhiều người biết đến là nơi đang giữ gìn nghề đan mê bồ truyền thống. Những ngày đầu năm mới, có dịp ghé qua mới cảm nhận được hết không khí xôm tụ của những gia đình chuyên gắn bó với nghề.
Người dân Long Trị (Long Mỹ, Hậu Giang) quyết giữ nghề đan mê bồ truyền thống. Ảnh: MỸ XUYÊN
Người dân Long Trị (Long Mỹ, Hậu Giang) quyết giữ nghề đan mê bồ truyền thống. Ảnh: MỸ XUYÊN

Theo người dân ở ấp, nghề đan mê bồ không biết có tự bao giờ, cứ đời ông truyền cho cha, cho con rồi đến cả cháu và kéo dài đến nay. Bà Quách Thị Hiệp, người có hơn 30 năm gắn bó với nghề đan mê bồ, tâm sự: “Đó giờ gia đình đâu có ruộng đất gì, tôi sống chủ yếu dựa vào nghề đan mê bồ này thôi. Do hiện nay, người ta phá trúc để chuyển sang trồng cam và cây ăn trái các loại hết rồi, bởi vậy nguồn nguyên liệu khan hiếm lắm. Nghề này, dù không còn sức hút như trước đây, nhưng giờ cũng còn sống được. Trung bình tôi cũng kiếm được 80.000 đồng/ngày”.

Mê bồ được đan chủ yếu bằng nguyên liệu là trúc. Trúc chẻ thành từng sợi nan, phải khéo léo chẻ sao cho có thể sử dụng được cả phần vỏ và phần ruột trúc. Nan chẻ từ phần vỏ bên ngoài được dùng đan thành mê bồ da, bán với giá từ 140.000 - 150.000 đồng/tấm. Phần ruột trúc khi chẻ thành nan sẽ đan thành mê bồ ruột. Do phần này có độ bền kém, nên giá bán cũng thấp hơn, chỉ 50.000 - 60.000 đồng/tấm tùy loại. 

Nếu trước đây trúc được bán với giá 400 - 500 đồng/cây, thì nay đã tăng lên gấp 7 lần, mức giá dao động từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Do giá trúc tăng, nguồn nguyên liệu cũng dần khan hiếm nên nghề đan mê bồ không còn được làm quanh năm như trước. 

Anh Đỗ Hoài Thanh, người có hơn chục năm gắn bó với nghề đan mê bồ ở ấp 4, nói: “Hồi trước, trúc còn mua ở địa phương, bây giờ phải lên tận Cây Dương, Kinh Cùng của huyện Phụng Hiệp mua mới có. Thông thường, để tiết kiệm chi phí, khi nào hết nguyên liệu, mấy hộ đan mê bồ chúng tôi sẽ xúm lại hùn thuê ghe đi mua. Khi mua có nguyên liệu thì đan, còn lúc nào mua không có trúc cũng nghỉ ít bữa, có khi vài tháng luôn. Bởi vậy, ngoài đan mê bồ, mấy bữa gần hết nguyên liệu, tôi để cho vợ ở nhà đan, còn tôi thì tranh thủ đi làm mướn thêm, như vậy mới đủ sống”.

Trước đây, nghề đan mê bồ đã giúp nhiều gia đình trở nên khấm khá. Sản phẩm của bà con làm ra được tiêu thụ khá mạnh, chủ yếu dùng để làm bồ chứa lúa, làm vách, cửa nhà. Theo những người vẫn bám trụ với nghề đến nay, hiện mê bồ đang được thị trường ưa chuộng trở lại, chủ yếu phục vụ công trình tấn mé, dùng để phơi khô, phơi mứt mùa tết… 

Chị Đỗ Thị Lẹ, ở ấp 4, chia sẻ: “Thông thường gần tết, mấy chủ lò mứt, cơ sở làm khô hay xuống đặt mê bồ để phơi mứt, phơi khô. Còn qua mấy tháng tết, cũng có chủ công trình tìm đặt mua mê bồ ruột để tấn mé công trình. Có lúc gom một lần hết cả xóm mà cũng không đủ sản phẩm cung cấp”.

Tất cả các công đoạn như chuốt nan, đan mê bồ đều được bà con thực hiện thủ công. Thông thường, một tấm mê bồ có chiều dài 6,8m, chiều ngang phụ thuộc vào nhu cầu người sử dụng. Bà Lê Hồng Biết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Để giúp chị em ở xóm đan mê bồ giữ nghề truyền thống, chúng tôi cũng xem xét hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Song song đó, hội vận động thành lập tổ tiết kiệm để chị em mượn vốn xoay vòng cải thiện kinh tế gia đình. Chúng tôi cũng chủ động giới thiệu sản phẩm mê bồ đến những địa phương đang có nhu cầu, để giúp tìm thị trường tiêu thụ ổn định”.

Tin cùng chuyên mục