Nỗ lực làm mới nhạc xưa

Đức Tuấn “Mỹ hóa” âm nhạc Trần Thiện Thanh, rapper Hà Lê thực hiện dự án nhạc Trịnh đương đại, hay những giọng ca được yêu mến với dòng nhạc đỏ như Trọng Tấn, Anh Thơ, Lê Anh Dũng quyết định “lấn sân” thể hiện những ca khúc bolero… đã góp thêm những chấm phá thú vị cho thị trường âm nhạc thời gian gần đây.
Ca sĩ Đức Tuấn với nỗ lực làm mới nhạc xưa
Ca sĩ Đức Tuấn với nỗ lực làm mới nhạc xưa

Làm mới âm nhạc

Xuất phát điểm là rapper, theo đuổi dòng nhạc hiphop, việc Hà Lê lựa chọn nhạc Trịnh Công Sơn để thực hiện dự án Trịnh Contemporary (nhạc Trịnh đương đại) là một quyết định bất ngờ và có phần khó hiểu đối với fan của anh nói riêng và khán giả nói chung. Càng mạo hiểm hơn nữa khi Hà Lê xác định, Trịnh Contemporary sẽ là dự án cá nhân để định hình phong cách cũng như chân dung âm nhạc của mình ở thời điểm hiện tại.

Theo chia sẻ của Hà Lê, Trịnh Contemporary không chỉ dừng lại ở việc hát (cover) nhạc Trịnh, mà sẽ thêm vào đó các yếu tố đương đại để tạo sự mới mẻ. Hà Lê cho biết, anh muốn kết nối nhiều hình thức nghệ thuật khác để tìm tòi, thử nghiệm nhạc Trịnh Công Sơn như: âm nhạc, điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh... Dự án bao gồm Hạ trắng, Diễm xưa và Mưa hồng - kết hợp với Bùi Lan Hương. Ngoài ra, sẽ thực hiện một album phòng thu Trịnh Contemporary, dự kiến được trình làng vào tháng 9-2019. 

Trong khi đó, ca sĩ Đức Tuấn cũng vừa cho ra mắt album độc đáo với 9 ca khúc đều của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Nam ca sĩ đã tìm một cách tiếp cận hiếm ai nghĩ tới, đó là pha trộn khéo léo giữa pop truyền thống, soul và jazz. Những bài hát của Trần Thiện Thanh, dù được viết bằng tiết điệu nào, kể cả bài hát đậm đà âm hưởng dân ca Nam bộ như Chiếc áo bà ba, đã được đặt trong một không gian âm nhạc hoàn toàn mới lạ. 

 Ca sĩ Hà Lê cũng đang nỗ lực làm mới nhạc xưa

Nhạc sĩ Thanh Tâm, người sản xuất âm nhạc cho album này, đã cùng Đức Tuấn đưa âm hưởng soul/jazz hòa cùng những chất liệu âm nhạc đã rất quen thuộc. Người nghe sẽ thấy lạ khi mới bắt đầu nghe, nhưng ngay sau đó sẽ lại thấy những gì mình đã quen thấp thoáng trong những bản hòa âm được soạn cầu kỳ theo các phong cách orchestral, soul, acoustic, jazz, world... Tất nhiên nó sẽ làm cho các bài hát này đều lạ hơn hẳn so với tất cả các phiên bản trước đây, nhưng lại không khó nghe, thậm chí có những bài rất “nịnh tai” với phần dàn dây (String Section) được soạn rất đẹp, du dương, gợi nhớ tới những album Easy listening/Jazzy kết hợp dàn nhạc giao hưởng kinh điển của Natalie Cole hay Diana Krall.

Làm mới chính mình!

Không chỉ làm mới âm nhạc, không ít ca sĩ chọn làm mới… chính mình. Họ không phải là thiểu số, bởi danh sách những giọng ca đẳng cấp chọn thử sức với dòng nhạc này thời gian gần đây khá dài. Như Thủy Tiên với album bolero mang tên Đôi mắt người xưa, Hồ Quỳnh Hương ấp ủ tới 4 năm để cho ra đời Hương xưa 1 - album với phần lớn ca khúc bolero, diva Hà Trần cũng tung ra album Vol 2 Tình ca qua thế kỷ, trong khi Tùng Dương sau những album “độc, lạ, quái” được tung hô như Li ti, Những ô màu khối lập phương, Độc đạo, vẫn cho ra mắt album mềm mại mang tên Tùng Dương hát tình ca...

Giải nhất dòng nhạc thính phòng Sao Mai 2003 Hoàng Tùng cũng gây bất ngờ cho khán giả khi góp thêm album Khúc xưa với 10 bản tình ca nổi tiếng. Thậm chí, một tên tuổi như NSƯT Khánh Hòa - giọng ca thính phòng từng “đóng đinh” trong trí nhớ khán giả bằng những ca khúc về biển đảo, biên cương, người lính, đầu năm 2018 đã ra mắt đĩa nhạc Vol 5 Trả lại thời gian...

Tình ca qua thế kỷ là album mà Hà Trần hát bolero nhưng những ca khúc quen thuộc đã được làm mới nhờ những bản phối được pha trộn nhiều phong cách hiện đại (từ jazz đến latin, từ semi classic đến acoustic...). Hay như Đàm Vĩnh Hưng đưa cả dàn nhạc giao hưởng lên sân khấu trong liveshow quy mô hoành tráng mang tên Saigon Bolero và Hưng, cũng như Dương Triệu Vũ thử kết hợp jazz với bolero trong album Yêu cô đơn như tình nhân...

Dòng nhạc bolero, nhạc xưa đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả nên mọi nỗ lực thay đổi, làm mới đều nhận được nhiều luồng ý kiến đa chiều. Tuy nhiên, nghệ thuật cũng như cuộc sống, không thể mãi bất biến. Nó phải luôn được sáng tạo, làm mới và trên hành trình đó, những gì không phù hợp tất yếu sẽ bị đào thải.

Ở góc nhìn này, Hà Lê bày tỏ quan điểm: “Nếu nói những bản phối của hơn 50 năm trước, của những ca sĩ như Khánh Ly đã cũ kỹ thì chỉ đơn giản là họ đã đi qua một thời gian rất dài. Bản thân âm nhạc của Trịnh Công Sơn cũng mang tính đương đại rất rõ rệt, nên sau vài thập kỷ, nó vẫn có sức sống mạnh mẽ. Việc làm của những nghệ sĩ trẻ bây giờ là phải tư duy nhiều hơn, làm đương đại thêm cho tinh thần đã đương đại của Trịnh Công Sơn”.

Tin cùng chuyên mục