Nỗ lực loại bỏ ô nhiễm từ rác thải nhựa

Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại hải sản. Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm từ rác thải nhựa. 
Nhiều siêu thị trên địa bàn TPHCM đã thực hiện cam kết hạn chế dùng túi ni lông sử dụng một lần
Nhiều siêu thị trên địa bàn TPHCM đã thực hiện cam kết hạn chế dùng túi ni lông sử dụng một lần

Dùng một lần, hệ lụy ngàn năm

Theo Tổng cục Môi trường, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia xả rác nhiều nhất ra đại dương, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Trong khi vấn đề quản lý và xử lý chất thải nhựa tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, công nghệ xử lý tái chế lạc hậu, việc thu gom, phân loại rác cũng còn nhiều khó khăn. Một thống kê của Liên hiệp quốc cũng cho thấy, chất thải nhựa với nhiều hình thức đa dạng và tồn tại ít nhất 100 năm mới được phân hủy. Trên thế giới, mỗi năm, hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ về đại dương. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, đến năm 2050 đại dương của chúng ta sẽ có nhiều nhựa hơn cá. Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Đáng lo ngại, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi ni lông, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất, song để phân hủy thì cần từ 500 - 1.000 năm. 

Bà Đỗ Thị Diệu Thúy, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết các hoạt động tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông đã được thành phố khởi xướng từ năm 2010, với sự hưởng ứng của nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn. Trải qua nhiều năm thực hiện, chương trình đã có những tác động tích cực đến nhận thức, thái độ và hành vi sử dụng túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng. Tại các hệ thống siêu thị, việc thực hiện giảm túi ni lông chuyển sang dùng các loại túi thân thiện với môi trường đạt hiệu quả đáng chú ý, với mức giảm gần 80% (lượng túi ni lông khó phân hủy giảm từ 371 tấn/năm năm 2010 xuống còn 80 tấn/năm hiện nay); 100% siêu thị trên địa bàn thành phố đã chuyển sang dùng túi ni lông thân thiện với môi trường. Chỉ còn lại chợ truyền thống và một số trung tâm thương mại vẫn chưa giảm theo chỉ tiêu đề ra. Trong khi đó, tỷ lệ, khối lượng nhựa, túi ni lông phát tán từ hộ gia đình, hộ kinh doanh được thu gom, tái chế đạt 50,4%. Để hoạt động này được duy trì và tăng dần việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, TPHCM rất cần những chia sẻ, ý kiến, giải pháp góp ý từ các chuyên gia, bạn bè quốc tế.  

Hợp tác công - tư: Xu hướng tất yếu

Nhiều ý kiến cho rằng, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong lĩnh vực môi trường sẽ tạo ra những cơ hội mới, giải pháp mới trong việc xử lý ô nhiễm rác, đặc biệt là rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy. Chia sẻ về lĩnh vực này, ông Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cho biết ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề lớn tại châu Á. Trên thực tế, 60% rác thải nhựa thải ra đại dương đến từ 6 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. 

Trong khi đó, việc quản lý rác thải, các cơ sở tái chế và các chính sách chưa theo kịp nhu cầu. Theo ông Albert T. Lieberg, cả Chính phủ, người dân và các doanh nghiệp tư nhân cần chung tay để hành động. Chính phủ cần có các chính sách tái chế rác thải nhựa và giảm việc sử dụng các đồ nhựa dùng một lần không cần thiết. Doanh nghiệp tư nhân cần có những sáng kiến, chọn mô hình kinh doanh giảm việc tạo ra chất thải nhựa vào môi trường. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về ô nhiễm mà sản phẩm của họ tạo ra và đầu tư thiết kế các sản phẩm bền vững với môi trường. Người dân cần đóng vai trò trên phương diện là người tiêu dùng và công dân thông thái, sử dụng các sản phẩm phát triển bền vững, nói không với các sản phẩm sử dụng một lần. 

Theo ông Nguyễn Thành Phương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, gắn liền phát triển kinh tế - xã hội với công tác bảo vệ môi trường. Thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án và hoạt động bảo vệ môi trường thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường; khuyến khích các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, sản xuất năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường là những biện pháp cụ thể đang được quan tâm thực hiện. Để thực thi hiệu quả các chính sách trên, sự bắt tay giữa khu vực công và tư đóng vai trò quyết định. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong việc xử lý rác thải nhựa sẽ góp phần tạo ra những cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp đối thoại và tiếp cận các thông tin mới nhất về thực trạng sản xuất kinh doanh ngành nhựa; các giải pháp, công nghệ đang áp dụng hiện nay; cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, tái chế rác thải nhựa và tiếp cận các nguồn lực trong đầu tư xử lý chất thải nhựa.

Đại diện Công ty TNHH BASF (CHLB Đức, hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, sản xuất nguyên liệu nhựa) nhìn nhận, nhựa được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như bảo quản thực phẩm an toàn trong suốt quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở hạ tầng cũng như cách thức quản lý, phân loại, xử lý rác thải nhựa đã tạo ra nhiều thách thức. Đây là vấn đề chung của toàn xã hội và đòi hỏi các giải pháp mang tính hệ thống. BASF mong muốn chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước và đối tác trong suốt chuỗi giá trị ngành nhựa nhằm giải quyết thách thức này. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. 

Tin cùng chuyên mục