"Địa hạt" của đổi mới sáng tạo: vượt ngoài giới startup

Không chỉ đến giới startup, cuộc cách mạng 4.0 đưa không gian sáng tạo đến quận huyện và trong cả công tác quản lý.
Không gian đổi mới sáng tạo thực sự cần thiết cho các nhóm khởi nghiệp
Không gian đổi mới sáng tạo thực sự cần thiết cho các nhóm khởi nghiệp
Trong những hoạt động hưởng ứng “Ngày Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Việt Nam”, có thể thấy các sự kiện liên quan đến đổi mới sáng tạo được triển khai nhiều nhất nhằm nâng cao năng suất lao động, phát huy tiềm năng.
Đưa không gian sáng tạo đến quận, huyện
Nhằm thúc đẩy ứng dụng thành tựu KH-CN cũng như tăng cường trao đổi thông tin để xây dựng mô hình không gian đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại cơ sở, Sở KH-CN TPHCM đã tổ chức chương trình “Không gian đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại quận, huyện”, thu nhận được nhiều ý kiến thiết thực. 
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho rằng: Trong bối cảnh đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như hiện nay, không chỉ trong giới startup mà ngay cả trong khu vực doanh nghiệp hiện hữu cũng phải đổi mới sáng tạo để phát triển. “Tôi không nghĩ chúng ta làm phong trào ở 24 quận, huyện rồi xây dựng 24 không gian, như thế là không nên. Chúng ta cần những con người đam mê thực sự và có điều kiện cần thiết. Nếu không có đam mê sẽ không làm được, nếu làm theo kiểu phong trào sẽ nhanh chóng thất bại và lãng phí thời gian, tiền bạc”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ thêm về không gian đổi mới sáng tạo. 
Đến nay, Saigon Innovation Hub (trực thuộc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng của Sở KH-CN TPHCM, là nơi kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo) đã trở thành điểm đến của nhiều nhóm khởi nghiệp và bước đầu phát huy được hiệu quả. Dựa trên kinh nghiệm từ hoạt động của Saigon Innovation Hub, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng cơ sở chỉ cần cung cấp những điều kiện cần thiết ban đầu, còn lại cộng đồng doanh nghiệp sẽ tự kết nối và chia sẻ với nhau. 
Theo ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, việc khởi nghiệp, phát triển KH-CN, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước là những yếu tố mang tính tất yếu. Doanh nghiệp đánh giá cao những hoạt động của Sở KH-CN nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại cơ sở, đặc biệt là cuốn Tài liệu hướng dẫn hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng chứa đựng nhiều thông tin, gợi ý hay cho các quận, huyện.
Đổi mới sáng tạo đến doanh nghiệp
Với chủ đề “Mô hình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp hướng đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tiếp tục là hoạt động thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Tuấn Thành, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển KH-CN trong doanh nghiệp để phục vụ đổi mới sáng tạo là điều hết sức cần thiết. Quỹ Phát triển KH-CN của SAMCO được hình thành từ 2013 với tỷ lệ trích quỹ từ 3% - 10% lợi nhuận trước thuế. Quỹ này dùng vào các mục tiêu: Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; đầu tư các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu phát triển; hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… 
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả hơn Quỹ Phát triển KH-CN của doanh nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm mới, cần đơn giản hóa những thủ tục hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, sáng kiến; xây dựng cơ chế mua sản phẩm nghiên cứu từ Quỹ Phát triển KH-CN. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, tận dụng nguồn nhân lực KH-CN để giải quyết các vấn đề kỹ thuật của doanh nghiệp; song song đó, cần thành lập các bộ phận nghiên cứu phát triển trực thuộc đơn vị, xí nghiệp sản xuất để bám sát nhu cầu cải tiến phát triển sản phẩm mới… 
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong quản lý
Sở KH-CN TPHCM tổ chức buổi tọa đàm “Thúc đẩy hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý ngành”. Theo ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý khoa học Sở KH-CN, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra các thách thức với cơ quan quản lý nhà nước, đặt ra yêu cầu cho các sở, ban, ngành phải áp dụng KH-CN, tiến hành đổi mới sáng tạo trong quản lý cũng như hỗ trợ doanh nghiệp. Buổi tọa đàm này cũng nêu ý kiến: Đã có nhiều thành tựu KH-CN hiện đại được áp dụng, nhiều hoạt động xúc tiến hỗ trợ trao đổi, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được các sở, ban, ngành bắt đầu triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đa số các sở, ban, ngành chưa nhận diện toàn bộ, phát huy vai trò của KH-CN và đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. 
Đến với chương trình này còn có ông Kim Eung Jin, chuyên gia Công ty Nemo Partners Innovation Consulting Group (Hàn Quốc). Theo ông Kim Eung Jin, từ năm 2010, Hàn Quốc đã tập trung vào các ngành sản xuất để hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các số liệu khác cho thấy, năm 2017, Hàn Quốc sẽ có 4.000 nhà máy thông minh và mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 10.000 nhà máy thông minh để đáp ứng xu thế phát triển mới. Các con số trên được tạo ra từ việc các doanh nghiệp thay đổi chiến lược, tập trung thay đổi công nghệ, nên có bước phát triển mạnh mẽ. Chính phủ Hàn Quốc cũng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và hiện có 18 trung tâm kinh tế đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về ý tưởng, thị trường, tài chính và chiến lược marketing toàn cầu. 
Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng cho biết: Thông qua kinh nghiệm từ các nước phát triển, từ trong nước, những DN khởi nghiệp thành công sẽ đúc kết được kinh nghiệm đổi mới sáng tạo KH-CN, nêu lên những khó khăn thực tế cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, để nắm bắt cơ hội phát triển cùng cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để đổi mới sáng tạo thành công, doanh nghiệpp càng nhỏ càng cần tăng cường chia sẻ, liên kết, nhằm phát huy thế mạnh và tìm cơ hội chiếm lĩnh thị trường, tận dụng những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mà Sở KH-CN đang triển khai.

Tin cùng chuyên mục