Nỗi buồn hoa hậu

Hai cuộc thi hoa hậu, một trong nước và một quốc tế vừa kết thúc, như thường lệ đã để lại không ít những phản ứng từ công chúng.  
Huyền My lọt tốp 10 Hoa hậu Hòa bình Thế giới (Miss Grand International 2017), là thành tích cao nhất của một đại diện Việt Nam tại cuộc thi này, sau 5 lần tổ chức.
Sự việc có lẽ sẽ dừng lại ở đó, nếu sau cuộc thi không tràn ngập thông tin, cô bật khóc nức nở trong hậu trường, hay những bài phỏng vấn các giám khảo Việt Nam như Nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Hoa hậu Đền Hùng Giáng My. Họ bày tỏ quan điểm chê đại diện nước chủ nhà. Ngay lập tức “bão” dư luận dồn dập. 
Nỗi buồn hoa hậu ảnh 1 Huyền My bật khóc nức nở trong hậu trường trong đêm chung kết
Câu chuyện hoa hậu lại được “tiếp lửa” sau đêm chung kết Hoa hậu Đại Dương 2017. Việc lên ngôi của thí sinh Lê Âu Ngân Anh tiếp tục gây “bão”.
Nhan sắc của tân hoa hậu trở thành chủ đề bàn tán, chế giễu, chế ảnh… ngập tràn trên các trang tin, mạng xã hội, các diễn đàn. Điều này vốn không xa lạ, trước khi lên ngôi hoa hậu Ngọc Hân, Kỳ Duyên, Đỗ Mỹ Linh… cũng từng hứng chịu búa rìu dư luận.
Với tân Hoa hậu Đại dương, ngoài chuyện nhan sắc, còn là việc cô thừa nhận từng phẫu thuật thẩm mỹ mũi, nhưng khi quyết định tham gia cuộc thi đã tháo bỏ phần đệm mũi để có “vẻ đẹp tự nhiên”.
Nỗi buồn hoa hậu ảnh 2 Nhan sắc của tân Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội
Chưa dừng lại ở đó, mới đây Hoa hậu Đại Dương 2014 Đặng Thu Thảo cũng tuyên bố trên trang cá nhân rằng, cô muốn từ bỏ danh hiệu này và mong mọi người gọi cô là Miss International Vietnam (Hoa hậu Quốc tế Việt Nam) vì cô từng là đại diện Việt Nam tại cuộc thi này năm 2014. 
Tại Việt Nam, các cuộc thi hoa hậu vẫn diễn ra ồ ạt, dù quy định mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi ở cấp quốc gia, nhưng bên cạnh các cuộc thi chính thống, vẫn còn vô số các cuộc thi nhỏ lẻ. Rồi chuyện người đẹp Việt đi thi quốc tế dưới nhiều hình thức từ chính thống đến thi chui...
Có rất nhiều lập luận cho rằng, việc đánh giá hoa hậu phải dựa trên quá trình thể hiện trong cuộc thi và các năm đương nhiệm sau đó. Điều này đúng, bởi trên thực tế, nhiều hoa hậu từng bị dư luận chê tơi tả, nhưng sau đó dần cải thiện cả về nhan sắc và trí tuệ, để được yêu mến. Tuy nhiên chưa đủ, bởi lẽ công chúng thường khó chấp nhận một hoa hậu vừa đăng quang nhưng vướng vào quá nhiều lùm xùm, thị phi… 
Mới đây, hội thảo bàn về thực trạng các cuộc thi người đẹp, người mẫu do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại TP Đà Nẵng, các ý kiến cho rằng, nhu cầu tổ chức các cuộc thi sắc đẹp là tất yếu, nhưng làm thế nào để rà soát, thắt chặt nhằm hạn chế các cuộc thi vớ vẩn, loạn danh hiệu? Có không ít cuộc thi lợi dụng danh nghĩa thi cử để trục lợi, mà không quan tâm đến chất lượng thí sinh, đặc biệt là việc lựa chọn người đăng quang.
Trường hợp của Ngân Anh, người hâm mộ sẽ chờ đợi liệu cô có thực sự xứng đáng, nhưng bên cạnh đó, không thể không xét đến trách nhiệm của ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại Dương Việt Nam. Câu hỏi đặt ra, nên chăng cần xem xét việc cấp phép tổ chức cuộc thi này những năm tiếp theo? Khi danh xưng hoa hậu bị lạm dụng và cuộc thi không tìm ra người xứng đáng với danh hiệu, thiết nghĩ, nó không cần, không nên tồn tại!  
Trước những thông tin trên báo chí và phản ứng từ dư luận, Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa yêu cầu ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại Dương Việt Nam báo cáo kết quả cuộc thi theo đúng quy trình, đặc biệt liên quan đến thông tin tân hoa hậu phẫu thuật mũi nhưng đã tháo bỏ trước khi tham dự cuộc thi. Sau khi có báo cáo đầy đủ, cục sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Tin cùng chuyên mục