Nơi kết nối, phát triển văn hóa

Từ năm 2017 đến nay, những chương trình truyền hình đề tài cổ vật và bảo tàng như “Bảo vật Quốc gia”, “Nếu cổ vật biết nói”... đã gây sốt trên màn ảnh nhỏ tại Trung Quốc, từ đó sức cuốn hút của cổ vật ở các bảo tàng đã tăng mạnh. 
Khách tham quan tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc tại TP Bắc Kinh
Khách tham quan tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc tại TP Bắc Kinh
Sau khi trưng bày trong chương trình truyền hình, 3 báu vật quốc gia gồm sáo làm bằng xương được phát hiện ở Giả Hồ, đồ đựng rượu hình ảnh con cú trong có khắc chữ Phụ Hảo, bàn để cốc rượu làm bằng đồng trên có họa tiết đám mây, Viện bảo tàng Hà Nam đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Giám đốc Viện bảo tàng Hà Nam Mã Tiêu Lâm cho hay, số người đến tham quan tăng khoảng 30%. Đặc biệt vào ngày nghỉ lễ, số lượng tăng nhiều hơn, nhiều người đến bảo tàng chỉ để chiêm ngưỡng 3 báu vật trên. 

So với kiểu tham quan “cưỡi ngựa xem hoa” trước đây, hiện nhiều khách đến bảo tàng nghiêng về tìm hiểu nội hàm của cổ vật. Trong thời đại mới, người Trung Quốc mong cuộc sống vật chất và tinh thần đều được nâng cao. Trong mắt những người làm công tác cổ vật và bảo tàng, bảo tàng tuyệt đối không phải chỉ là nơi đóng kín giao lưu với lịch sử, bảo tàng không những có chức năng sưu tầm, bảo tồn và nghiên cứu, mà còn gánh vác chức năng phục vụ công cộng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo tàng quốc tế, Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo tàng Trung Quốc An Lai Thuận cho rằng, bộ gien văn hóa chứa trong bảo tàng có thể trở thành nguồn gốc cho tư duy sáng tạo phát triển đương đại. “Bảo tàng nhằm mục đích giúp người dân hiểu biết tốt hơn di sản văn hóa, nhất là lớp trẻ. Lớp trẻ là chủ thể sáng tạo văn hóa, tiếp thu văn hóa truyền thống, gợi mở cảm hứng sáng tác, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự kế thừa và sáng tạo văn hóa Trung Quốc”, ông Thuận cho biết.

Để lớp trẻ hiểu biết bề dày lâu đời của văn hóa lịch sử Trung Quốc tốt hơn, các bảo tàng của Trung Quốc cũng đang thay đổi cách làm so với trước đây. Ngày càng nhiều hình thức mới, tư duy mới, như quảng bá qua chương trình truyền hình, trưng bày hiện vật bằng công nghệ thực tế ảo, tổ chức các buổi nói chuyện liên quan, phát triển sản phẩm văn hóa sáng tạo..., được các bảo tàng tại Trung Quốc vận dụng vào công tác thực thế, mở rộng phương thức trưng bày cổ vật. 

Không chỉ có vậy, những người làm công tác bảo tàng của Trung Quốc còn ý thức rằng, bảo tàng có thể bắc cây cầu giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau. Những năm qua, quy mô giao lưu đối ngoại của các bảo tàng Trung Quốc không ngừng mở rộng, từ năm 2011 đến năm 2016, Trung Quốc đã đưa cổ vật xuất cảnh và tổ chức 293 triển lãm ở nước ngoài, trong đó, tuyệt đại đa số là triển lãm cổ vật cổ đại. Giám đốc Viện bảo tàng quốc gia Trung Quốc Vương Xuân Pháp cho rằng, trong thời gian tới, các bảo tàng của Trung Quốc còn có thể xem xét giới thiệu văn hóa đỏ và văn hóa tiên tiến xã hội chủ nghĩa ra nước ngoài. Ông Pháp nói: “Không nên khi nói đến văn hóa của Trung Quốc chỉ nghĩ tới đồ đồng đen, tượng Phật, mà Trung Quốc nên giới thiệu văn hóa cách mạng và văn hóa tiên tiến xã hội chủ nghĩa một cách tự tin và chững chạc hơn. Đây là nhiệm vụ chính mà chúng ta đang đối mặt”.

Tin cùng chuyên mục