Nơi khởi phát sưu tầm và trồng nấm linh chi

TPHCM đang xây dựng chương trình phát triển cây dược liệu, trong đó có nấm linh chi - loại nấm được coi như dược liệu, đã sử dụng trong Đông y từ hàng ngàn năm trước... 
Câu chuyện 30 năm trước
Năm 1971, ông Youki Naoi, nhà nghiên cứu người Nhật, đã trồng thành công nấm linh chi; sau đó, việc trồng loài nấm này lan sang Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Năm 1978, kỹ sư Nguyễn Thanh, lúc đó là Phó phân viện trưởng Phân viện Dược liệu TPHCM, từng du học ở Trung Quốc, đã đặt vấn đề về việc nên trồng nấm linh chi, nhưng phải đến năm 1987, khi được UBND quận 11 (TPHCM) ủng hộ thì mới có Đề án 1-88 (Chủ nhiệm là kỹ sư Nguyễn Thanh; người thực hiện sưu tầm và trồng trọt là cử nhân Cổ Đức Trọng), với mục tiêu sưu tầm nấm linh chi tự nhiên và nghiên cứu trồng ra quả thể.
Tháng 11-1987, đoàn đi sưu tầm nấm linh chi gồm kỹ sư Nguyễn Thanh, thầy Nguyễn Thiện Tịch (lúc đó là giảng viên Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, người có nhiều kinh nghiệm trong việc đi rừng sưu tầm hoa lan), cử nhân Cổ Đức Trọng và ông Nguyễn Ngọc Nhung bắt đầu khảo sát vùng Di Linh (Lâm Đồng).
Nơi khởi phát sưu tầm và trồng nấm linh chi ảnh 1 Ông Cổ Đức Trọng với bộ sưu tập về các giống nấm. Ảnh: PHIÊU NHIÊN
Sau 3 ngày đi rừng, đoàn phát hiện tai nấm linh chi mọc giữa khe đá ven suối cạn, tiếp đó là tìm thấy nấm tại huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng). Ngoài ra, đoàn còn thu được nhiều mẫu nấm ngay tại TPHCM, dưới gốc cây phượng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Có thể nói, đó là nguồn giống ban đầu, sau này trở thành nguồn giống mẹ của nấm linh chi Việt Nam hiện nay. Các thành viên của Đề án 1-88 nghiên cứu trồng nấm từ kiến thức của kỹ sư Nguyễn Thanh khi học ở Trung Quốc.
Lần đầu trồng ra tai nấm đường kính 5cm, nặng 8g. Sau này, quy trình trồng nấm được cải tiến liên tục, nhờ đó sản phẩm có chất lượng ổn định, đường kính 8cm - 10cm, nặng 15g - 20g. Giữa năm 1988, nấm linh chi được chào hàng tại Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24 (nay là Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar) để phân tích hóa học và dược lý.
Cuối năm 1988, xí nghiệp cho ra sản phẩm linh chi Việt Nam đầu tiên là viên nang Linh chi và trà túi lọc Linh chi. Đến nay, 2 sản phẩm này vẫn đang được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. 
Năm 1992, nấm linh chi Việt Nam đã xuất khẩu qua Hàn Quốc - quốc gia đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) về trồng và sử dụng nấm linh chi.
Năm 1993, từ sản phẩm trưng bày ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM, một công ty Nhật Bản biết được và đã qua Việt Nam để tìm hiểu về nguồn nguyên liệu linh chi.
Công ty Nhật Bản đưa ra 3 giống nấm linh chi từ Nhật Bản và yêu cầu Công ty Linh chi Vina (do ông Cổ Đức Trọng thành lập) trồng, mỗi quý sẽ qua một lần để kiểm tra.
Đến năm 1995, lô hàng nấm linh chi đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản, sau khi đã kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu (như DDT, 24D, 245T) và các kim loại nặng (thủy ngân, bạc, đồng, arsen) từ nguồn nguyên liệu đầu vào (mạc cưa, nguồn nước) và cả tai nấm thành phẩm.
Ngoài ra, để đánh giá chất lượng, Nhật Bản kiểm nghiệm 2 hoạt chất quan trọng trong nấm linh chi là Beta 1-3 D Glucan và Acid Ganoderic A, có tác dụng kích thích hệ miễn dịch, hỗ trợ phòng chống khối u và chống viêm, giúp tăng cường chức năng gan, huyết áp, hệ tuần hoàn.
Kết quả cho thấy 2 hoạt chất đều có ở nấm linh chi. Từ năm 2007 đến nay, nấm linh chi giống Nhật Bản của Công ty Linh chi Vina đã xuất bán trực tiếp cho bệnh viện ở thành phố Tokyo.
Sau 30 năm, chủng nấm linh chi lai giữa giống Nhật Bản và bản địa, cũng như giống Nhật Bản trồng tại Việt Nam, có năng suất và chất lượng như các nước đang trồng trên thế giới, được chứng minh từ các báo cáo khoa học.
Không ít người “chết” vì linh chi 
Có thể nói, TPHCM là địa phương trồng nấm linh chi đầu tiên của cả nước. Từ những tai nấm đầu tiên được trồng vào năm 1987, đến đầu những năm 2000, nhiều người đã chú ý và trồng nấm linh chi ở vùng ven và ngoại thành TPHCM.
Đến nay, nấm linh chi đã được trồng ở hầu hết các vùng miền: Từ tỉnh Quảng Trị ra các tỉnh phía Bắc với sản lượng ước khoảng 100 tấn/năm; khu vực miền Trung và Tây Nguyên với khoảng 50 tấn/năm; khu vực Nam bộ, tập trung chủ yếu ở Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai và nhất là TPHCM, với khoảng 100 tấn/năm.
Riêng tại TPHCM, hiện nay có khoảng 10 công ty và 40 trại nấm trồng và kinh doanh nấm linh chi, trở thành địa phương có nguồn cung cấp hàng đầu cả nước.
Tuy nhiên, việc trồng nấm linh chi chủ yếu vẫn là tự phát và việc tiêu thụ luôn là vấn đề phải lo ngại. Đã có không ít người phải “chết” bởi đầu tư trồng nấm linh chi.
Vì nấm linh chi chủ yếu chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa và bị cạnh tranh với nấm linh chi từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trên thị trường hiện nay, sản phẩm linh chi nội địa chiếm khoảng 40%. Các công ty dược phẩm trong nước khi mua đều xem xét kỹ về nơi trồng, nguồn gốc giống và nhất là chất lượng nấm. 
Sản xuất tự phát, nguồn gốc giống lập lờ; quy trình trồng giống nhau nhưng khác về phối chế nguyên liệu nên chất lượng sẽ không giống nhau… là những điều phá hủy dần niềm tin của người tiêu dùng đối với nấm linh chi Việt Nam.
Khi phân tích cho thấy, giống Nhật Bản trồng ở Việt Nam hàm lượng hoạt chất Acid Ganoderic (có vị đắng) đạt 88%, trong khi giống trong nước chỉ 44%. Trong khi đó, không ít trại nấm sử dụng giống bản địa nhưng vẫn cho rằng đó là giống Nhật Bản.
Trên toàn quốc hiện trồng nhiều nhất là giống trong nước, ngoài ra còn có giống từ Trung Quốc... Điều này đòi hỏi cần có sự chấn chỉnh, quản lý của cơ quan chức năng, để đảm bảo chất lượng và thương hiệu cho các loại nấm linh chi được nuôi trồng ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục