Thành phố Hồ Chí Minh

Nói không với... bao ni lông!

Phát động của Quỹ tái chế chất thải
Nói không với... bao ni lông!

Việc sử dụng bao ni lông một cách đại trà, sau đó quăng ném bừa bãi làm ô nhiễm môi trường đã trở thành căn bệnh trầm kha của phần đông người dân ta. Để đối phó với thói quen này, TPHCM đã có nhiều hoạt động để loại trừ bao ni lông.

Phát động của Quỹ tái chế chất thải

Nói không với... bao ni lông! ảnh 1

Một dòng kênh đầy bao ni lông - Bao ni lông đang là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ở TPHCM những năm gần đây, hình ảnh người dân (đặc biệt là các bà nội trợ) lỉnh kỉnh “tay sách nách mang” hàng tá túi ni lông khi ra khỏi chợ, siêu thị, cửa hàng… đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Sự “bùng phát” của thói quen này tỷ lệ thuận với mức tiêu dùng ngày càng tăng của xã hội. Túi ni lông rất khó “tái sử dụng”, thải ra mà không được thu gom sẽ gây tắc nghẽn cống rãnh, làm ứ đọng nước thải, phát sinh ruồi muỗi, dịch bệnh, phá hủy mỹ quan và hệ sinh thái đô thị.

Nằm lẫn trong đất, chúng sẽ cản trở sự sinh trưởng của cây cỏ bởi ni lông rất khó phân hủy… Nguy hiểm hơn, nếu đốt không đúng cách, ni lông sẽ phát thải nhiều loại khí độc, đặc biệt là dioxin - thứ chất độc mà nhân loại đang tiến hành loại trừ theo Công ước Stockholm về bảo vệ môi trường.

Trước những nguy cơ đó, đầu tháng 9-2007 Quỹ tái chế chất thải TPHCM đã tiến hành nghiên cứu, đưa ra những giải pháp “Giảm thiểu việc sử dụng bao bì ni lông tại TPHCM, hướng đến xã hội tiêu thụ bền vững”. Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ, cho biết: “Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM, Quỹ tái chế đang đề xuất tiến hành thử nghiệm quy trình sản xuất bao bì tự hủy, đồng thời cũng sẽ thực hiện công tác kiểm định chất lượng của một số mặt hàng bao bì tự hủy trên thị trường hiện nay và vận động mọi người sử dụng bao bì tự hủy”.

Những khởi đầu ấn tượng

Khi chương trình “giảm thiểu sử dụng túi ni lông” được các cơ quan chức năng TPHCM đề cập đến như một yêu cầu cấp thiết, Thương xá Tax thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đã có những bước đi đầu tiên nhiều ý nghĩa.

Năm 2004, khi túi ni lông được sử dụng đại trà tại nhiều siêu thị, cửa hàng, Thương xá Tax đã đưa vào sử dụng bao bì tự hủy. Loại bao bì này có hình thức đẹp, giá không chênh lệch nhiều so với bao ni lông, lại có trang trí lôgô của Thương xá Tax và nhiều hoa văn khác nên được đông đảo khách hàng hưởng ứng. Chị Trần Thúy Liên, Phó giám đốc Thương xá Tax, cho biết: “Ngoài việc bảo vệ môi trường, việc dùng bao bì tự hủy cũng là một cách tạo ấn tượng tốt với khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài!”.

Cùng với Thương xá Tax, hệ thống siêu thị Metro cũng tiến hành phát túi sử dụng nhiều lần cho khách mua hàng từ hơn 2 tháng qua. Hệ thống siêu thị Co.opMart đang lên kế hoạch “hạn chế sử dụng bao ni lông” với các biện pháp: Hạn chế phát bao ni lông; phát túi sử dụng nhiều lần, bao bì giấy, bao bì tự phân hủy… Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhiệt tâm này đang gặp rất nhiều khó khăn, bức xúc bởi chất lượng bao bì tự hủy.

Năm 2004, Thương xá Tax ký hợp đồng mua 200 kg bao/tháng với Nhà máy sản xuất bao bì tự hủy Anta. Đến cuối năm 2005, không hiểu sao, các bao bì mua về chưa kịp sử dụng đã… “tự hủy” trước thời hạn. Chị Trần Thúy Liên cho biết: “Thương xá Tax rất ủng hộ chương trình giảm thiểu sử dụng túi ni lông, sử dụng bao bì tự hủy, nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên các cơ quan chức năng cần kiểm định chất lượng các loại bao bì tự hủy thì chúng tôi mới có thể yên tâm… sử dụng tiếp”.

Giá của bao bì tự hủy chênh lệch không đáng kể so với bao ni lông, nên yêu cầu về chất lượng là nỗi băn khoăn lớn nhất của các doanh nghiệp và người dân. Đây là một yêu cầu rất chính đáng của doanh nghiệp. Do vậy, Sở Tài nguyên-Môi trường, Quỹ tái chế chất thải cần tiến hành ngay công tác kiểm định chất lượng bao bì tự hủy trên thị trường, lựa chọn và giới thiệu sản phẩm uy tín cho các doanh nghiệp. Đồng thời cần nghiên cứu áp dụng những quy định bắt buộc các đơn vị kinh doanh, buôn bán sử dụng bao bì tự hủy… để công tác giảm thiểu bao bì ni lông, bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao hơn.

Ở TPHCM, chính sách quản lý chất thải hiện nay tập trung chủ yếu vào giải quyết lượng chất thải phát sinh mà chưa chú tâm nhiều tới việc giảm thiểu chúng ngay tại nguồn. Do đó, cần phải có sự chuyển đổi theo hướng tập trung vào ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải phát sinh ngay tại nguồn. Trong đó có việc tổ chức, thực hiện các biện pháp hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông-một trong những loại chất thải khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.

Kiên Giang

Tác hại của bao bì ni lông

Người ta tính rằng, vứt bỏ một túi ni lông chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 năm đến 1.000 năm mới có thể phân hủy được. Tuy nhiên, nếu đốt ni lông không đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, nguy hại đến sức khỏe con người, động vật. Theo các nhà khoa học, trong một số loại túi ni lông có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy, gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi người và động vật. Tệ hơn, túi ni lông làm bằng nhựa PVC có chứa clo, khi cháy tạo ra chất đioxin và axit clohiđric vô cùng độc hại.

Để ngăn chặn sự “bùng phát” của túi ni lông trên phạm vi toàn cầu, nhiều quốc gia đã thực hiện các chiến dịch giảm thiểu sử dụng túi ni lông bắt đầu từ hệ thống các siêu thị, cửa hàng. Ở nhiều siêu thị tại Pháp, Hà Lan đã không phát túi ni lông đựng đồ. Khách hàng được khuyến khích mua các túi đựng hàng lớn bằng ni lông tự hủy, giấy… (giá chỉ 0,1-0,2 euro), có thể sử dụng nhiều lần và đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo người dân.

Ở Hoa Kỳ, tháng 3-2007, Hội đồng thành phố San Francisco đã thông qua dự luật cấm sử dụng túi ni lông trong việc gói, bọc hàng trong các siêu thị lớn, nhằm thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu có khả năng tái sinh để bảo vệ môi trường. Từ tháng 9-2007, các siêu thị lớn, hiệu thuốc ở thành phố này đã sử dụng các loại túi nhựa tự hủy, túi vải và túi sử dụng nhiều lần. Với lệnh cấm này, mỗi năm San Francisco tiết kiệm được 1,7 triệu lít dầu, đỡ tốn công chôn lấp 1.400 tấn rác ni lông. Kể cả những quốc gia ở châu Phi như Uganda, Kenya, Tanzania… cũng đang có những động thái cấm nhập khẩu, sản xuất, tăng thuế đối với mặt hàng túi nhựa (“vết đen” của diện mạo môi trường châu Phi) nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của túi ni lông đối với môi trường.

Tin cùng chuyên mục