Nỗi lo của người Việt hậu Brexit

Nỗi lo của người Việt hậu Brexit

Những người Việt sang Anh sinh sống và thường dùng luật Nhân quyền của EU để xin ở lại Anh sẽ đối mặt với nỗi lo lớn. Sắp tới, nước Anh sẽ dùng luật riêng để xét duyệt hồ sơ xin nhập cư và có thể sẽ khó khăn hơn trước nhiều. Những người muốn kiện lại quyết định của Toà án Anh cũng không thể nào đưa trường hợp của mình ra Tòa án Châu Âu nữa sau khi Anh rời EU (Brexit).

Chị Nga để chồng con ở lại Cộng hòa Czech sang Anh được 3 năm. Chị làm tiếp viên nhà hàng, công việc ổn định lại được chủ đối xử tử tế. Tuy nhiên, sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý đưa Anh rời EU, chị bắt đầu lo lắng. Chị cho biết: “Công việc của mình ổn định mặc dù lương không cao nhưng sắp tới không biết sẽ ra sao”.

Chị Nga tại khóa học về tiếp viên nhà hàng

Xa hơn nữa, nếu kinh tế Anh bất ổn, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm bớt nên thu nhập của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao và người nhập cư sẽ khó trụ lại nước Anh khi không còn việc làm.

Chị Nga cho biết, lương hàng tháng của chị sau khi trang trải các khoản, chuyển về Czech một phần để hỗ trợ thêm cho con gái còn tuổi đi học, còn một phần gửi về Việt Nam phụng dưỡng mẹ già. Sắp tới, có thể chị sẽ phải tìm một công việc ổn định hơn nữa nếu muốn ở lại Anh lâu dài. Nhưng xem ra điều đó khó như mò kim đáy bể. Chị có nhiều người bạn cũng từ Đông Âu sang Anh nhưng may mắn hơn là họ sang trước chị cả chục năm nên cuộc sống ổn định hơn và được phép cư trú lâu dài.

Có khả năng Chính phủ Anh sẽ có luật riêng dành cho những người vào Anh sinh sống và có việc làm ổn định. Nhưng về lâu dài, chắc chắn là sứ sở sương mù sẽ ra nhiều luật để giảm thiểu số lượng người nhập cư đến từ các nước trong khối EU, vì vậy, viễn cảnh những người muốn đưa thêm người thân vào Anh, trong đó có chị Nga sẽ càng trở nên xa vời.

Chị Nga cho biết tình huống xấu nhất, chị sẵn sàng trở lại Czech cùng với chồng con cho dù cuộc sống nơi đó có thể vất vả hơn. Nền kinh tế Czech sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khiến cuộc sống của các lao động người Việt ở Czech thêm khó khăn. Nhiều người trong số họ lâm vào tình cảnh thất nghiệp, vô gia cư nhưng không muốn hồi hương vì nợ nần chồng chất khi vay vốn để sang Czech làm việc. Số khác, trong đó có chị Nga, tìm đường đến các nước Tây Âu, trong đó có Anh. Trước khủng hoảng, chị Nga cùng chồng nằm trong số hàng chục lao động Việt Nam tới Czech và các nước Đông Âu để làm các công việc không cần chuyên môn cao. Khi đó, kinh tế Đông Âu đang tăng trưởng nhanh vì nhiều nước vừa gia nhập EU nhận được các khoản tài chính ồ ạt của khối này. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế khắp khu vực châu Âu bắt đầu gặp khủng hoảng, hàng ngàn người đã lâm vào tình trạng thất nghiệp và vô gia cư.

Mặc dù Chính phủ Cộng hòa Czech và một số nước Đông Âu có chính sách hỗ trợ tài chính cho những người thất nghiệp về quê nhưng chị Nga và gia đình quyết định ở lại chờ cho qua cuộc khủng hoảng. Và rồi giờ đây, khi nền kinh tế Czech đã qua giai đoạn khó khăn nhất, đồng thời chồng chị Nga cũng đã có việc làm, cả nhà vẫn trông chờ từ chị Nga. Đến khi xảy ra Brexit, chị Nga lại phải đối mặt với tương lai bất ổn.


THU NGỌC

Tin cùng chuyên mục