Nỗi lo của thực tập sinh

Theo luật Lao động vừa được chính phủ Nhật Bản công bố, từ ngày 1-11 tới, các thực tập sinh có đủ điều kiện nhất định có thể kéo dài thời gian làm việc tại nước này từ 3 năm lên 5 năm. 

 


Việc tiếp nhận thực tập sinh từ các nước đang phát triển trở thành chiến lược quan trọng nhằm vực dậy nền kinh tế của các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản, trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang tiếp tục giảm khiến nước này rơi vào tình trạng thiếu lao động, đặc biệt trong lĩnh vực lao động phổ thông. 

Không giống như một số nước phát triển khác, Nhật Bản có rất ít di dân bất hợp pháp và chính thức đóng cửa đối với đối tượng tìm kiếm việc làm giản đơn - hay còn gọi là lao động phổ thông. Nhiều ngành công nghiệp Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, cản trở tăng trưởng kinh tế. Số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản từ năm 2016 đã vượt 200.000 người, và 96% trong số họ làm việc ngoài Tokyo. Do nhu cầu cao, các trang trại, cơ sở chế biến thực phẩm và nhiều nhà sản xuất đang phải vật lộn để tồn tại mà không có các học viên nước ngoài.

Mặc dù vậy, thực tế việc tiếp nhận lao động nước ngoài làm các công việc phổ thông ở Nhật Bản vẫn chưa được chấp nhận. Nước này chỉ tiếp nhận lao động phổ thông với danh nghĩa thực tập sinh, đề cao việc đào tạo kỹ năng, kiến thức, qua đó thể hiện sự đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Việc đề cao giáo dục trong tiếp nhận thực tập sinh đang là rào cản đối với lao động nước ngoài, đặc biệt những thực tập sinh sau khi trở về sẽ không thể quay lại Nhật Bản với cùng tư cách trước đó. Theo báo Nikkei của Nhật Bản, quy định trên nên được áp dụng một cách linh hoạt. 

Thực tập sinh là đối tượng quan trọng của luật lao động Nhật Bản, nhưng kèm theo rất nhiều điều kiện, họ hầu như chỉ có thể làm việc ở công ty tiếp nhận ban đầu và rất khó chuyển việc. Nhận định về thực trạng này, báo Straitstimes dẫn lời luật sư Nobuya Takai đại diện cho các học viên nước ngoài trong các vụ tranh chấp lao động tại Nhật Bản cho biết, việc giả vờ là học viên chứ không phải là lao động phổ thông đã nảy sinh nhiều vấn đề. Các công ty không được trực tiếp thuê mướn lao động mà phải thông qua hệ thống chính phủ và các nhà môi giới tư nhân. Để nhận được “visa thực tập sinh”, mỗi người nước ngoài khi đến Nhật phải mắc nợ hàng ngàn USD trả cho bên môi giới. Và khi không tiết kiệm đủ tiền để hoàn trả phí môi giới vay mượn trước khi đi, không ít người ở trốn lại bất hợp pháp. Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, gần 6.000 người đã buộc phải sống như vậy trong năm 2015.

Tin cùng chuyên mục