Nỗi lo đầu ra hạt gạo

Trong bối cảnh xuất khẩu gạo giảm đến 25,5% về lượng và 20,5% về giá trị so với năm 2015 (gần 4,9 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD), thấp nhất trong nhiều năm, nhưng giá lúa gạo nội địa hầu hết đều tăng, đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân.
Nỗi lo đầu ra hạt gạo

Trong bối cảnh xuất khẩu gạo giảm đến 25,5% về lượng và 20,5% về giá trị so với năm 2015 (gần 4,9 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD), thấp nhất trong nhiều năm, nhưng giá lúa gạo nội địa hầu hết đều tăng, đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân.

Đây cũng là năm không phải thực hiện việc mua tạm trữ để bình ổn thị trường trong nước như nhiều năm gần đây. Nếu nhìn vào cơ cấu chất lượng, gạo thơm chiếm tỷ trọng lớn nhất (28,5%) với gần 1,4 triệu tấn tổng lượng gạo xuất khẩu, kế đến là gạo trắng cao cấp với 1,05 triệu tấn, chiếm 21,6%, trong khi gạo trắng cấp trung bình chiếm 13,4% và gạo trắng cấp thấp chỉ còn 7,3%. Đó là những điểm tích cực của năm 2016.

Riêng với mặt hàng gạo nếp lại có sự gia tăng mạnh, đến 96% so với năm trước, lên hơn 1 triệu tấn, chỉ sau mặt hàng gạo Japonica (xuất qua Nhật Bản) về tốc độ tăng trưởng 137% (158.000 tấn), nhưng về con số tuyệt đối vẫn cao hơn rất nhiều. Đây là mức tăng vào loại kỷ lục của mặt hàng gạo nếp. Có thể nói, đó là điểm sáng của việc sản xuất lúa gạo năm 2016.

Chuyển gạo xuất khẩu xuống tàu trên sông Hậu. Ảnh: THÁI HÒA

Bước sang năm 2017, việc xuất khẩu gạo vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan khi thị trường có những tín hiệu xấu. Vì vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét tạm trữ lúa gạo trong vụ đông xuân 2016-2017 để ổn định giá thị trường, đảm bảo mức lãi tối thiểu cho nông dân.

Ngay cả mặt hàng gạo nếp, dù là điểm sáng nhưng với nhà quản lý và các chuyên gia trong ngành cũng tỏ ra lo ngại trước những diễn biến trên đồng ruộng và thị trường. Xuất khẩu gạo nếp gia tăng chủ yếu do nhu cầu từ Trung Quốc, thị trường chiếm đến 90% lượng gạo nếp xuất khẩu. Gạo nếp năm qua trúng lớn, giá xuất khẩu bình quân năm 2016 lên 501USD/tấn, tăng thêm 36USD/tấn, nên nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long mở rộng diện tích diện tích gieo trồng.

Theo VFA, 146.000ha lúa nếp được trồng vụ đông xuân 2016-2017, sản lượng hàng hóa khoảng 600.000 tấn. Và theo nhận định, cả năm 2017, diện tích gieo trồng nếp có thể đạt 356.000ha, sản lượng khoảng 1,2 - 1,3 triệu tấn, tăng 20% - 30% so với năm 2016.

Nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất mặt hàng gạo tẻ và gạo nếp cũng đang ngày càng khắt khe hơn về chất lượng nhập khẩu. Trong số 33 doanh nghiệp Việt Nam được phía Trung Quốc khảo sát, họ chỉ mới công nhận 22 doanh nghiệp đủ điều kiện để xuất khẩu, trong số này không có doanh nghiệp nào có vùng nguyên liệu lúa nếp. Ngay cả nhu cầu cũng không ổn định, có thể tăng mạnh thời gian ngắn và mua với giá rất cao nhưng rồi lại đột ngột ngưng hẳn. Điều này lặp đi lặp lại với nhiều mặt hàng nông sản, từ con cá tra, tôm sú, cá sấu... và cuối năm 2016 là mặt hàng heo hơi.

Nếu ngành nông nghiệp và các địa phương không có những khuyến cáo kịp thời, hậu quả của tình trạng “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” có thể lập lại với mặt hàng gạo nếp.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục