Nỗi lo học sinh mắc bệnh tâm lý

Thực trạng trẻ tự kỷ ở mầm non, tiểu học; vấn đề rối loạn tâm lý ở học sinh THCS và nhất là ở học sinh THPT cần được ngành giáo dục quan tâm thỏa đáng hơn nữa. Riêng với vấn đề trẻ tự kỷ, không còn chỉ là hiện tượng xã hội cần có giải pháp can thiệp, mà đã đến lúc phải luật hóa thành những chính sách để thực thi với trẻ thuộc nhóm này.
Một buổi tư vấn tâm lý cho học sinh tại Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) Ảnh: THU TÂM
Một buổi tư vấn tâm lý cho học sinh tại Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) Ảnh: THU TÂM

Nhiều biểu hiện rối loạn tâm lý

Trường Đại học Sư phạm TPHCM vừa tổ chức họp hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học - công nghệ cấp bộ mang tên “Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS và biện pháp phòng ngừa” của PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường này. Nội dung nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ rối loạn tâm hồn học đường ở mức cao, học sinh Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn tâm lý. Vì vậy, tình trạng học sinh tuổi dậy thì có những hành động tự tổn hại, tự hành hạ mình trở thành một biểu hiện đáng xem xét. Biểu hiện của việc tự hủy hoại bản thân này tập trung ở các hành vi như không quan tâm đến sức khỏe, tính mạng, từ chối các hình thức bảo vệ (không đội nón bảo hiểm, không mặc áo phao…); tự cắt xén, bức tóc, tự khắc lên da thịt, tự đầu độc, tự cắn mình; đau khổ trong im lặng, không thể hiện cảm xúc của mình. Thậm chí mức độ cao hơn là có mưu toan tự tử, thực hiện hành vi tự tử.

Để có được những cứ liệu trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra trên 1.043 khách thể (học sinh) tại 7 trường THCS ở TPHCM và Bình Dương. Kết quả nghiên cứu thực trạng hành vi cho thấy có đến 643 học sinh (61,6%) có hành vi bỏ bê bản thân mình, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với bản thân. Bên cạnh đó, có đến 401 học sinh có “suy nghĩ bi quan về cuộc sống”, chiếm tỷ lệ cao thứ 2 (38,4%). Có đến 149 học sinh thừa nhận “từng làm đau bản thân mình”, chiếm 31,6%. Từ 1.043 học sinh này, nhóm nghiên cứu sàng lọc được 280 học sinh có thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân.

Trong khi đó, theo thông tin do TS Trần Văn Công, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (người có 13 năm nghiên cứu về lĩnh vực trẻ tự kỷ), cho hay tỷ lệ tự kỷ trên thế giới được cho là 1%; ở Việt Nam cũng có tỷ lệ tương tự. Như vậy, nếu Việt Nam có khoảng 20 triệu trẻ em từ 0 - 11 tuổi, số lượng trẻ tự kỷ là khoảng 200.000. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số trẻ tự kỷ thậm chí còn cao hơn nhiều. Thực tế hiện nay ở khối mầm non và tiểu học, gần như lớp nào cũng có ít nhất vài cháu bị chứng tự kỷ. Các chuyên gia giáo dục đều cho rằng, tự kỷ giờ là vấn đề toàn cầu và chưa có nghiên cứu nào xác định được nguyên nhân. Tự kỷ có nhiều dạng nên việc can thiệp cũng không có một phác đồ chung. Tuy nhiên, những khó khăn mà trẻ tự kỷ gây ra cho bản thân, người nhà của họ và xã hội là vấn đề đáng quan tâm. 

Cần luật hóa vấn đề trẻ tự kỷ

Luật Giáo dục sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận. Đáng chú ý, khi thảo luận về dự án luật quan trọng này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm đến tình trạng học sinh tự kỷ vì tỷ lệ này đang có chiều hướng gia tăng. 

Trước thực trạng báo động về trẻ tự kỷ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (thuộc Bộ LĐTB-XH) đã đề xuất dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”, Dự án dự kiến thực hiện ở 13 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Ước tính có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, trẻ tự kỷ đang có chiều hướng gia tăng, nếu không được quan tâm, hỗ trợ can thiệp sớm sẽ làm chậm cơ hội giáo dục cho các em, khiến các em trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, đối tượng này chưa được quan tâm, chưa có chính sách đầu tư, cũng chưa có quy định nào trong luật.

“Trong các nội dung về giáo dục mầm non, phải có nội dung về phát hiện và cảnh báo trẻ tự kỷ sớm cho phụ huynh. Vì trẻ càng được phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị, giáo dục càng cao”, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nêu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng tán thành với các ý kiến cần có chính sách, quan tâm, giáo dục can thiệp sớm với đối tượng học sinh bị tự kỷ.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, mong muốn chung là Nhà nước, các tổ chức, cộng đồng cùng chia sẻ để cho trẻ em tự kỷ có đủ quyền sống, quyền được làm người, quyền hạnh phúc. “Tình trạng trẻ tự kỷ là một hồi chuông cảnh tỉnh để Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, gia đình... quan tâm hơn tới trẻ em”, ông Bùi Sĩ Lợi nói. Thực tế hiện nay, có rất nhiều tổ chức, trung tâm giáo dục ra đời với mong muốn có thêm tiếng nói tìm giải pháp giúp đỡ trẻ tự kỷ thông qua các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu hình thành chính sách để điều chỉnh luật pháp. Đáng tiếc, điều này lại chưa được quan tâm đúng mức trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

“Cần có một hệ thống chính sách pháp luật để điều chỉnh đối tượng này. Nếu không thể đưa thành luật độc lập thì đưa vào Luật Người khuyết tật, Luật Giáo dục sửa đổi để quan tâm, giáo dục can thiệp sớm với đối tượng học sinh bị tự kỷ”, ông Bùi Sĩ Lợi đề nghị.

Tin cùng chuyên mục