Nỗi niềm người giúp việc nhà

Từ lâu, nghề giúp việc đã trở thành một công việc quen thuộc cho những người phụ nữ không có điều kiện ăn học, phải bươn chải kiếm sống…
Hiếm khi được sống cho mình
Đối với người giúp việc nhà thì nhà của gia chủ vừa là môi trường làm việc, vừa là nơi tạm trú. Bởi người giúp việc thường được thuê theo hình thức bao ăn, bao ở, có thỏa thuận về thời gian được về thăm gia đình trong quá trình làm việc. Có người được về quê thăm gia đình hàng tháng, nhưng cũng có người một năm chỉ được về một lần. Tiền lương của người giúp việc được trả theo tháng, trung bình 2,5 - 4 triệu đồng, tùy vào sự thỏa thuận hai bên. Làm nghề giúp việc tức là phải làm tất cả các công việc nội trợ thay gia chủ.
Bà C. (57 tuổi, quê ở Lái Thiêu, Bình Dương, đã làm nghề giúp việc 6 năm) cho biết, công việc mỗi ngày của bà là dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt và ủi đồ, trông nom con của chủ. Do bà đã lớn tuổi và không biết sử dụng xe máy, nên không phải lo việc đưa đón con của chủ đi học. 
Gần đây, có thêm một phương thức giúp việc nhà mới, đó là đến giúp việc theo giờ, mỗi ngày người giúp việc chỉ đến nhà chủ làm việc khoảng 2 - 3 giờ, tiền lương được trả theo giờ, trung bình 40.000 đồng/giờ. Với phương thức giúp việc nhà như vậy, người giúp việc có thể nhận làm cho nhiều nhà trong một ngày tùy vào sức mình, nên trung bình có thể kiếm bằng hoặc hơn 4 triệu đồng/tháng. Cũng làm việc nhà, nhưng những người giúp việc theo giờ không nhận nấu cơm và trông giữ trẻ. 
Có nhiều chuyện vui, buồn trong nghề giúp việc. Bà H. (63 tuổi, quê ở Phú Yên, đã làm nghề giúp việc suốt 51 năm, qua nhiều chủ) chia sẻ: “Chủ vui thì mình mới có thể vui, còn khi chủ gặp chuyện buồn bực là trút hết lên mình. Có những người chủ rất tốt bụng, biết thương người giúp việc, cư xử thân tình. Nhưng cũng có những người chủ khó khăn, cay nghiệt, khiến người giúp việc tủi thân. Người chủ trước đây, mỗi lần tui bệnh, họ không cho uống thuốc, kêu uống thuốc tốn tiền mà không tốt. Có lần tui đau lưng quá, họ mới chở đến bác sĩ, bác sĩ có cho toa thuốc, nhưng mà tui không biết chữ, chủ ngại tốn tiền thuốc nên nói là bác sĩ không cho thuốc gì, đau nhẹ sẽ tự hết... Lúc nhớ con, muốn gọi điện thoại nhưng họ không cho, hoặc có cho thì cũng dặn nói ít thôi, không là tốn tiền điện thoại...”. 
Nỗi niềm người giúp việc nhà ảnh 1  Công việc mỗi ngày của người giúp việc nhà là dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt và ủi đồ, trông nom con của chủ
Câu chuyện của tình cảnh nghèo và thất học 
Có những người giúp việc thường bị chủ nhà trả tiền lương không đúng hạn và lơ luôn việc mua quần áo như đã hứa hẹn. Ban đầu, bà C. được chủ hứa sẽ có lương tháng 13, nhưng rồi năm nào cũng bị chủ cắt xén với lý do chủ chưa thấy hài lòng. Bà được chủ hứa sẽ trả viện phí nếu đau ốm, nhưng rồi cũng chỉ được năm đầu tiên. Đối với những người giúp việc theo giờ, nhiều khi chủ yêu cầu làm thêm những công việc không có trong thỏa thuận, cũng gây những bức xúc không nhỏ. Nhưng chuyện khiến người giúp việc buồn tủi nhiều nhất chính là bị chủ nhà xem thường. Mỗi khi không hài lòng là la mắng thậm tệ, dù người giúp việc lớn tuổi. 
Khi được hỏi vì sao chọn nghề giúp việc để mưu sinh, mỗi người kể về hoàn cảnh của mình, nhưng tựu trung đều là do nghèo và thất học. Bà C. đã ly hôn, 2 con đã lập gia đình, ở xa, nghèo nên không thể phụ giúp mẹ, bà phải tự lo. Trước đây bà đi bán gỏi cuốn, nhưng công việc vất vả nên bà chuyển sang làm nghề giúp việc: “So với việc bán gỏi cuốn thì giúp việc nhà đỡ hơn, không phải dãi nắng dầm mưa và có thu nhập ổn định hơn”. Cũng là người lao động nhưng hiện nay người giúp việc nhà chưa được pháp luật và tổ chức nghiệp đoàn nào bảo vệ để họ được hưởng các chính sách bảo vệ và chăm lo người lao động.

Tin cùng chuyên mục