Nỗi sợ mang tên “chi phí”

Năm 2016, với trên 10.000 doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra của VCCI, có tới 66% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức. 
Cũng như mọi công dân bình thường khác, các doanh nhân có nhiều nỗi lo sợ. Nhưng có những nỗi lo sợ gắn liền với doanh nghiệp được xây dựng bằng những “đồng tiền liền khúc ruột”, đồng thời đang đem lại miếng cơm manh áo cho hàng chục, hàng trăm người lao động, thì đó không còn là vấn đề của riêng họ. Nói cho cùng, lo sợ cũng có dăm bảy đường. Nếu là “sợ” sản phẩm, dịch vụ của mình không đủ tốt, mức giá không đủ cạnh tranh nên bị mất chỗ đứng, mất thị phần; nhân sự của mình còn thiếu và chưa đủ tinh thông… thì đó là những nỗi sợ lành mạnh và cần thiết. Nhưng còn nhiều nỗi sợ khác rất đáng nói, trong đó có nỗi sợ chi phí. Chẳng thế mà tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định năm 2017 phải là năm “tạo dấu ấn mạnh mẽ trong việc giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp”.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chi phí kinh doanh ở Việt Nam nhìn chung cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Riêng chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn đáng kể so với mức bình quân ASEAN (33,65%) và gấp tới 2 lần so với Singapore. Thêm vào đó, bình quân lãi suất ngân hàng Việt Nam hiện là 7% - 9%/năm, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%/năm; Malaysia 4,6%/năm; Hàn Quốc 2% - 3%/năm; Nhật Bản 0,95%/năm... Hoặc chi phí vận chuyển một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam!?
Đó là chưa kể chính sách vừa phức tạp, “hành là chính”, lại hay thay đổi bất ngờ, đã tạo ra khoản chi phí tuân thủ dù chính thức nhưng vẫn gây… uất ức. Nếu không thận trọng, chỉ một quy định tưởng là nhỏ cũng có thể làm phát sinh chi phí tuân thủ rất lớn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, với mục tiêu ngăn chặn tình trạng in lậu, in giả, sao chép trái phép, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo một thông tư quy định các xuất bản phẩm khi xuất bản phải dán tem. Văn bản dự kiến chỉ có 6 điều này - nếu được ban hành - sẽ đòi hỏi phải sản xuất tem để cung ứng cho khoảng 300 triệu xuất bản phẩm hàng năm. Với giá tem hiện đang áp dụng cho lịch block (300 đồng/tem) thì một nhà xuất bản lớn in 100 triệu bản sách/năm sẽ mất 30 tỷ đồng. Và việc này liệu có thực sự hiệu quả, trong khi nhiều nhà xuất bản lớn như nhà NXB Trẻ, NXB Giáo dục... đã có tem riêng cùng hệ thống tự giám sát riêng?
Song bức xúc hơn cả vẫn là những chi phí không chính thức đôi khi còn nặng hơn đáng kể so với gánh nặng chi phí chính thức. Năm 2016, với trên 10.000 doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra của VCCI, có tới 66% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức. Trên thực tế, tỷ lệ này có thể còn cao hơn nhiều, vì tâm lý “không muốn kể ra câu chuyện đáng xấu hổ này” của doanh nghiệp. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, kể trong một cuộc hội thảo tổ chức tại Ninh Thuận mới đây, một nữ doanh nhân vẫn còn rưng rưng nước mắt khi thuật lại chuyện chị mất tới 10 năm vô ra (Hà Nội - PV) liên tục, hoàn toàn kiệt quệ, hết sạch tiền. “Chị ấy nói hôm lấy được tờ giấy phép từ bộ, ra sân bay phải ăn mì tôm. 11 giờ đêm mới về tới nhà và chị để tờ giấy phép lên bàn thờ Quan Công, thắp hương thờ 3 ngày liền”. 
Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng, nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể bằng khoảng một nửa so với số lượng doanh nghiệp mới thành lập và có tới 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, hoàn toàn có thể hiểu được việc doanh nghiệp khao khát một Chính phủ hành động với những kết quả cụ thể đến vậy. Mà một trong những kết quả dễ thấy nhất chính là hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ ngành hôm 12-8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại tinh thần giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, nhất là phí, thuế, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các bộ, ngành trong vấn đề này: “Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thúc đẩy được công việc đang ở phía trước”. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức một số cuộc họp chuyên đề để giải quyết một số vấn đề đang đặt ra, nhất là vấn đề thuế, phí của một số ngành sản xuất, quỹ xúc tiến du lịch, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm… Hy vọng, các động thái quyết liệt này sẽ góp phần xua đi nỗi sợ mang tên “chi phí” mà doanh nghiệp đang bị ám ảnh. 

Tin cùng chuyên mục