Nơi vọng về đất Tổ

Trời oi nồng, nắng như đổ lửa nhưng từng tốp công nhân vẫn nhẫn nại cọ rửa những bậc thềm, mải miết mài nhẵn những phiến đá quý trên sân vọng và khu vực chung quanh đền tưởng niệm các vua Hùng trong Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (CV LSVHDT) tại quận 9.
Nơi vọng về đất Tổ

Trời oi nồng, nắng như đổ lửa nhưng từng tốp công nhân vẫn nhẫn nại cọ rửa những bậc thềm, mải miết mài nhẵn những phiến đá quý trên sân vọng và khu vực chung quanh đền tưởng niệm các vua Hùng trong Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (CV LSVHDT) tại quận 9.

Cây trồng mới bắt đầu xanh tươi vi vu trong gió lộng. Ai ai cũng náo nức đón chờ lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3 ÂL năm nay (4-4-2009) do TP Hồ Chí Minh tổ chức, sẽ diễn ra trang trọng tại đây thay vì tại Đền Hùng trong khu vực Thảo Cầm viên Sài Gòn như những năm trước.

Thành phố vừa cử đoàn đại biểu ra Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ để rước linh vị Quốc tổ Hùng Vương về an vị tại Khu tưởng niệm các vua Hùng trong CV LSVHDT vào ngày 25-3-2009.

Kể từ mùng 10 tháng 3 năm Kỷ Sửu 2009, Khu tưởng niệm các vua Hùng chính thức là nơi lễ bái vọng về đất Tổ của hàng triệu bà con ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và miền đất phương Nam nói chung.

Cả một vùng xanh tươi cây trái, dòng sông uốn lượn trong cảnh sắc đất trời mênh mông thoáng đãng như mở ra vận hội mới trước những thử thách khắc nghiệt của thời gian và lòng người. Đến đây, lòng người thanh thản, an lành, ước mơ về một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân ái và nghĩa tình hơn.

Đường tre xanh mang đậm nét Việt Nam trong công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Ảnh: An Dung
Đường tre xanh mang đậm nét Việt Nam trong công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Ảnh: An Dung

Ý tưởng xây dựng CV LSVHDT được Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí và Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ V khởi xướng từ những năm 1992 - 1994. Đây là tầm nhìn chiến lược trong tổng thể quy hoạch TP Hồ Chí Minh là trung tâm văn hóa lớn của cả nước.

Sau nhiều lần đi thực địa nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo khác của TP Hồ Chí Minh qua nhiều thời kỳ như Võ Văn Kiệt, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết đều khẳng định quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực, đưa công trình này vào danh sách một trong những công trình trọng điểm của thành phố.

Công viên rộng 408 ha, trong đó có 381 ha tại phường Long Bình, quận 9 và 27 ha tại xã Bình Thắng, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, gồm 4 khu chức năng: khu I - thời cổ đại và cảnh quan 80 ha; khu II - thời trung đại và cảnh quan 33 ha; khu III - thời cận đại, hiện đại và cảnh quan 30 ha; khu IV - khu văn hóa cảnh quan 191 ha và khu dịch vụ phụ trợ 74 ha.

Như vậy khi hoàn thành, toàn bộ công viên sẽ trở thành một địa danh về lịch sử văn hóa hướng về cội nguồn dân tộc mang yếu tố tâm linh tưởng nhớ và biết công ơn tổ tiên, công ơn dựng nước của các vua Hùng. Mọi người có thể đến đây hành hương, du lịch sinh thái, thưởng thức văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc, cắm trại, tìm hiểu về lịch sử dân tộc v.v…

Đền chính tại khu tưởng niệm đã hoàn thành 100% khối lượng xây lắp - trang thiết bị. Các hạng mục trang trí nội ngoại thất đã được thi công đạt yêu cầu về mỹ thuật và các tiêu chí về nội dung, thể hiện đúng ý nghĩa và tầm cao trí tuệ dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Bên cạnh đó, để tạo kinh phí tổ chức các hoạt động tại đây, công viên đang xúc tiến việc kêu gọi hợp tác đầu tư và khai thác kinh doanh trong 2 năm 2009 - 2010 với 4 dự án: Khu làng hoa - du lịch suối khoáng (17 ha), Du lịch sinh thái cù lao Bà Sang (40 ha), Công viên điện ảnh (23 ha), Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (48 ha).

Tiềm năng và triển vọng rất lớn, tuy nhiên công viên đang vấp phải một số khó khăn chủ yếu do tồn đọng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong khu quy hoạch công viên có 1.609 hộ dân, 42 cơ sở sản xuất, 2 đơn vị quân đội, một số đình, chùa, am, miếu, nghĩa trang…

Hầu hết các đơn vị và cá nhân có nhà đất trong khu vực đều nhận thấy tầm quan trọng và cần thiết của công trình thế kỷ này nên đã đồng tình ủng hộ, tuy nhiên còn 7 hộ ở mặt tiền xa lộ Hà Nội chưa chấp hành nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng do mối lợi cá nhân từ việc kinh doanh tại đây.

Khi đến thăm và kiểm tra công trình, các đồng chí lãnh đạo thành phố đánh giá cao nỗ lực của ban quản lý và công nhân xây dựng công trình, và chỉ đạo phải nâng cao trách nhiệm, bảo đảm chất lượng cao nhất, kiểm tra thường xuyên để thực hiện đúng ý nghĩa là một công trình có tính đặc thù cao.

Đó là, cần trồng những thảm thực vật tiêu biểu cho các vùng miền của cả nước. Ngay cổng công viên cũng cần tổ chức cuộc thi thiết kế và thi công tốt nhất để phù hợp với ý nghĩa của một công trình lịch sử văn hóa dân tộc và hiện đại.

Công trình thể hiện tầm cao và sự cảm nhận sâu sắc của triệu triệu trái tim, trở thành một địa danh linh thiêng vọng về đất Tổ

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục