Nơm nớp bệnh dại

Vừa xuất viện và dần hồi phục sức khỏe nhưng chị  Tống Thị H. (sinh 1950, ngụ TPHCM) chưa hết bàng hoàng vì bị chó cắn. Tuy chưa phát bệnh dại nhưng việc tự cứu chữa do thiếu hiểu biết của chị H. đã dẫn đến nhiễm trùng vết thương nghiêm trọng. Và đó cũng là cảnh báo của các chuyên gia y tế trước tình hình nắng nóng kéo dài, đang có nguy cơ bùng phát bệnh dại từ chó thả rong, chó nuôi không được tiêm ngừa.
Nơm nớp bệnh dại

Vừa xuất viện và dần hồi phục sức khỏe nhưng chị  Tống Thị H. (sinh 1950, ngụ TPHCM) chưa hết bàng hoàng vì bị chó cắn. Tuy chưa phát bệnh dại nhưng việc tự cứu chữa do thiếu hiểu biết của chị H. đã dẫn đến nhiễm trùng vết thương nghiêm trọng. Và đó cũng là cảnh báo của các chuyên gia y tế trước tình hình nắng nóng kéo dài, đang có nguy cơ bùng phát bệnh dại từ chó thả rong, chó nuôi không được tiêm ngừa.

  • Hàng chục bệnh nhân tiêm ngừa dại/ngày

Vừa đi chợ về, chị H. lững thững bước vào hẻm thì một con chó chạy đến ngoạm vào chân trái. Cứ tưởng răng chó làm xây xướt nhẹ không đáng lo ngại, chị H. tự mua thuốc Ampicillin rắc lên vết thương nhưng sang hôm sau thì vết thương sưng tấy, bưng mủ, lở loét và không đi lại được.

Nhập BV Nhân dân 115 cấp cứu, chị H. được chẩn đoán nhiễm trùng vết thương, có nguy cơ nhiễm trùng máu và dẫn đến bệnh dại. Tuy nhiên, nhờ được cứu chữa và tiêm ngừa kịp thời, chị H. đã qua cơn nguy kịch.

Theo BS Cao Văn Thịnh, Trưởng khoa Lồng ngực -  Mạch máu BV Nhân dân 115, 3 tháng trở lại đây, thỉnh thoảng bệnh viện gặp những trường hợp như chị H. và không khỏi lo lắng vì nhiều bệnh nhân có thể dẫn đến phát bệnh dại, không thể cứu chữa được.

Có mặt tại phòng khám của BV Bệnh nhiệt đới TPHCM ngày 7-5, PV Báo SGGP cũng chứng kiến khá nhiều bệnh nhân đến tiêm ngừa phòng dại. Anh C.H.Cường (ngụ quận 8) đang đợi đến lượt tiêm ngừa cho biết, hàng xóm nhà anh có một con chó lai béc-giê, mọi hôm anh vẫn thường đùa giỡn với nó nhưng chiều hôm trước không ngờ nó đã cắn vào tay phải. “Sợ bệnh dại nên tôi đi tiêm ngừa và đề nghị ông hàng xóm theo dõi tình trạng con chó”, anh Cường nói.

BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, trong 3 tháng gần đây, số bệnh nhân đến chích ngừa dại tăng lên khá cao. “Thường mùa nắng nóng là thời điểm chó dễ phát sinh bệnh dại, nếu không kiểm soát tốt việc bùng phát bệnh dại là không tránh khỏi”, BS Châu khuyến cáo. Tiêm ngừa kịp thời khi bị chó cắn là biện pháp cứu chữa kịp thời và hữu hiệu nhất.

Riêng tại BV Bệnh nhiệt đới trong các tháng qua, bình quân có tới 600 bệnh nhân đến chích ngừa/tháng, bình quân mỗi ngày có 20 bệnh nhân. Trong khi đó, tại Viện Pasteur TPHCM, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong tháng qua mỗi ngày bình quân có trên 10 bệnh nhân đến chích ngừa bệnh dại, tăng nhiều so với trước.

  • Tiêm ngừa dại cho chó- vẫn hạn chế
Chích ngừa dại cho chó tại Trạm phòng chống dịch và kiểm soát động vật TPHCM. (Ảnh chụp sáng 7-5). Ảnh: Tg. LÂM
Chích ngừa dại cho chó tại Trạm phòng chống dịch và kiểm soát động vật TPHCM. (Ảnh chụp sáng 7-5). Ảnh: Tg. LÂM

Một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh dại quan trọng là tiến hành chích ngừa cho chó, mèo. Tuy nhiên, hiện nhiều gia đình vẫn chưa ý thức về việc này, thậm chí còn thả chó chạy rong ngoài đường không bịt mõm.

Tại Trạm phòng chống dịch và kiểm dịch động vật (Chi cục Thú y TPHCM) trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, sáng 7-5 nhiều người đưa chó đến khám, chữa bệnh nhưng tiêm phòng ngừa dại thì khá vắng vẻ. Đợi mãi, chúng tôi mới thấy chị D.T.Sơn ở quận 3 mang 2 con chó giống Chioa (Mỹ) đến chích ngừa dại.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, phụ trách chích ngừa cho biết, bình quân mỗi ngày khoảng 5-7 con chó được đưa đến chích phòng dại, ngày cao điểm nhất cũng chỉ hơn 10 con. Điều này hoàn toàn trái ngược với số lượng hàng ngàn con chó được nuôi trên địa bàn TP. “Mỗi năm, chó được chích ngừa dại một lần, nhưng còn rất ít người ý thức việc này”, chị Phượng cho biết.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, bệnh dại là bệnh lây chung của người và gia súc (chó, mèo…) do siêu vi gây ra và có mức độ nguy hiểm chết người.

Theo BS Nguyễn Thanh Trường, Khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, hiện chưa có phác đồ điều trị hiệu quả bệnh dại. Còn các bác sĩ thú y cho biết, khi bị dại con vật có biểu hiện khác thường như ngứa ngáy, hay liếm, ăn bậy gạch đá, cây, sắt, vải… đứng nằm không yên, chạy rong, cắn bất cứ vật gì gặp phải. Sau đó con vật bại liệt, tiếng sủa khàn, tru từng cơn dài, chảy nhiều nước bọt, thè lưỡi…

BS Cao Văn Thịnh khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn phải rửa ngay vết thương bằng xà phòng và bôi cồn hoặc iốt nơi vết cắn, đồng thời đến ngay cơ sở y tế khám và tiêm phòng, không được tự ý chữa trị. Khi súc vật đã cắn người phải đưa đến cơ quan thú y theo dõi triệu chứng bệnh dại trong 15 ngày.

Mặc dù UBND TP đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát nuôi chó, xử phạt người thả rong chó, cho ra đường không đeo rọ mõm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát tốt. Trước tình hình này, Chi cục Thú y đề nghị người dân nên đưa chó đi tiêm ngừa bệnh dại theo định kỳ và không thả chó ra đường

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục