Nồng ấm trái tim cụ bà 91 tuổi

Ở tuổi 91, cụ bà Trần Thị Kim Hương (sống tại phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM) vẫn chưa được nghỉ ngơi. Hàng ngày, cụ làm bánh mứt bỏ bán để phụ nuôi 5 đứa cháu. Nhưng trên hết, tấm lòng cụ luôn rộng mở với những đứa trẻ kém may mắn…
Nồng ấm trái tim cụ bà 91 tuổi

Ở tuổi 91, cụ bà Trần Thị Kim Hương (sống tại phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM) vẫn chưa được nghỉ ngơi. Hàng ngày, cụ làm bánh mứt bỏ bán để phụ nuôi 5 đứa cháu. Nhưng trên hết, tấm lòng cụ luôn rộng mở với những đứa trẻ kém may mắn…

Hai ngày sau khi Báo SGGP đăng bài Cha chết, mẹ mất tích, con trẻ mồ côi, một buổi sáng cuối tuần, cụ bà Trần Thị Kim Hương ngồi lắt lẻo sau lưng người cháu trên chiếc xe gắn máy, đến bộ phận tiếp nhận từ thiện của báo (ảnh) với một bao thơ khá dày. Cụ ngỏ ý muốn đóng góp 3 triệu đồng giúp 2 đứa trẻ bỗng chốc mồ côi sau một buổi tối cha mẹ đi bắt cá rồi cả hai vĩnh viễn không về!

Nhìn những đồng tiền được xếp gọn gàng nhưng hằn nhiều nếp gấp, giống như tiền bỏ heo đất của mấy cháu nhỏ nên chúng tôi lựa lời hỏi thăm. Vừa nghe hỏi, mắt cụ đã đỏ hoe, rơm rớm: “Tiền nuôi heo đất của tôi đó. Thiệt tình thì tôi nuôi heo đất định để dành cho con bé Họa Mi đi học. Tôi hứa với Họa Mi là chừng con lên lớp 2 bà sẽ đập heo cho con tiền đóng học phí. Giờ cha mẹ nó dẫn đi đâu không biết, tui đợi hoài không thấy nó về. Bữa nay đọc bài báo này, thương hai đứa trẻ qua một đêm trở thành mồ côi, nên tôi quyết định đập con heo đất lấy tiền giúp các cháu”. Thấy tôi có vẻ thắc mắc về Họa Mi, cụ nói thêm đó là một cô bé lém lỉnh, đáng yêu, con của đôi vợ chồng nghèo buôn gánh bán bưng ở trọ gần nhà cụ. Thương cô bé nhà nghèo ham học, hàng tháng cụ trích một phần lương hưu của người từng tham gia kháng chiến, cộng với chút ít tiền kiếm được từ việc làm bánh, để dành định cho cô bé đóng tiền học. Vậy mà nghe đâu chuyện buôn bán không thuận lợi, cha mẹ Họa Mi mắc nợ nên cả nhà dắt díu nhau bỏ đi nơi khác, không một lời từ biệt. Thế là con heo đất cứ ngày ngày cùng bà trông ngóng, mấy tháng rồi cũng không thấy gia đình Họa Mi quay trở lại.

Dứt dòng hồi tưởng, trở lại với số tiền đóng góp, cụ cẩn thận ghi lại số điện thoại của mình trên phong bì, nhờ chúng tôi dặn 2 cháu bé liên lạc với cụ, để cụ có thể an ủi và dành dụm thêm cho chúng được chút nào hay chút nấy. Cụ bảo, heo đất chỉ được gần 2,9 triệu đồng, người cháu nội biết ý định của cụ đã thêm tiền vào cho tròn 3 triệu đồng. Và cũng chính anh đã xin nghỉ làm về sớm để đưa cụ đến Báo SGGP.

Nghe chúng tôi đề cập đến dự kiến tặng quà cho trẻ em nghèo bị bệnh nan y nhân dịp xuân về, không ngần ngại, cụ bảo mình có nghề làm mứt tết, hãy để cụ góp công làm quà tết cho tụi nhỏ. Của ít lòng nhiều, tấm lòng cụ đã khiến chúng tôi, những người được tin cậy ủy nhiệm chuyển tiền đến địa chỉ cần giúp đỡ, thực sự cảm động. Đáng quý biết bao, trái tim nồng ấm của một con người!

 Hỏi chuyện gia đình được biết chồng cụ đã mất, hiện cụ sống cùng 2 đứa cháu nội riêng của chồng. Ông bà gặp nhau trong những ngày cùng hoạt động cách mạng giữa nội thành Sài Gòn. Sinh ra ở xứ nghèo Quảng Ngãi, 7 tuổi cụ đã là giao liên cho bộ đội. Lớn lên, lấy chồng rồi sinh con trai, cụ nén lòng gửi con cho bên nội để thoát ly đi kháng chiến.

Nỗi đau tưởng chừng không vượt qua nổi khi hay tin con mất vì nhiễm bệnh lúc mới tròn 2 tháng tuổi. Vậy mà cụ đã cắn răng vượt qua, như bao bà mẹ Việt Nam vời vợi đức hy sinh, để tham gia cách mạng ở nhiều nơi, từ Bình Định đến Vũng Tàu rồi trụ lại Sài Gòn. 8 lần bị địch bắt, 3 lần bị đày ra Côn Đảo, bị giam trong chuồng cọp, chịu bao tra tấn cùng cực, cụ vẫn kiên trung, vững lòng hướng về cách mạng. Sau 30-4-1975, đất nước thống nhất, may mắn là một trong số những người còn có thể trở về từ địa ngục trần gian, cụ về an phận chăm lo cho chồng và 2 đứa con riêng của ông. Giờ ông và các con cũng lần lượt bỏ bà ra đi, cụ dành trọn yêu thương cho các cháu và những mảnh đời bất hạnh.

LÊ NHUNG

Tin cùng chuyên mục