Nóng bỏng chuyện tách thửa đất

Đô thị mới vùng ven: không rõ hình hài
Nóng bỏng chuyện tách thửa đất

Người dân có mảnh đất lớn muốn tách nhỏ ra để cho con cháu hoặc bán bớt đi để giải quyết việc làm ăn, sinh sống… là nhu cầu có thật đang diễn ra ở hầu hết các nơi, đặc biệt là các vùng ngoại thành. Thế nhưng, tách thửa thế nào để không ảnh hưởng đến quy hoạch chung và cảnh quan môi trường xung quanh lại là bài toán chưa có lời giải.

Đô thị mới vùng ven: không rõ hình hài

Nóng bỏng chuyện tách thửa đất ảnh 1

Một ngôi nhà mới đang được xây dựng ở ấp 6 xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh. (Ảnh chụp ngày 5-9). Ảnh: ĐỨC TRÍ

“Nát như tương” là hình ảnh mà một Trưởng phòng quản lý Tài nguyên - Môi trường ở một quận ven đã dùng để mô tả tình trạng tách thửa lam nham hiện nay ở khu vực này. Đến tận nơi người trưởng phòng chỉ dẫn, quả thật những khu phố mà chúng tôi thấy chẳng khác gì một hũ tương đã bị xốc lên xốc xuống nhiều lần.

Khu dân cư T2A6 xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh là một điển hình. Chen giữa những ngôi nhà ống - đặc trưng cho đô thị - là những vũng nước đục ngầu với các chú trâu nằm nhai cỏ. Muỗi ở đây bay rào rào khi có người đến và trên vách của nhiều ngôi nhà còn bị trứng của ốc bươu vàng bám đặc nghẹt…

Khu dân cư ấp 6 cũng của xã Vĩnh Lộc A cũng chẳng khá hơn. Nhà ở đây đủ mọi kích cỡ: 4m x 8m, 5m x 7m, 6m x 20m… và nằm dọc, nằm ngang không theo một quy chuẩn nào. Đường đi giữa những ngôi nhà này là những lối mòn đầy cỏ dại. Ví như có làm đường, chắc chính quyền địa phương ở đây cũng không biết phải kẻ như thế nào cho thẳng. Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, anh Trần Văn Đông, tỏ ra rất buồn về tình trạng này.

Thế nhưng “không thể cấm người dân tách thửa vì luật không cấm và cũng không thể buộc người dân không được tách thửa quá nhỏ vì luật chưa có quy định”. Theo anh Đông, hiện nay xã Vĩnh Lộc A đang đô thị hóa rất nhanh. Rất nhiều người dân ở các địa phương khác đang đổ về đây để tìm việc làm ở các khu công nghiệp quanh vùng. Người dân nhập cư có nhu cầu ăn, ở, còn dân địa phương cũng thấy đây là một cơ hội…bán đất nông nghiệp để có một khoản vốn.

Thế là tùy theo khả năng của người mua mà người bán sẵn sàng tách thửa với đủ mọi kích cỡ. Đến Vĩnh Lộc A vào ngay thời điểm này, cứ đặt điều kiện mua đất với các tay môi giới đất đai là người mua có thể có ngay được một miếng đất vừa với khả năng của mình. Đất rộng 3m x 7m, 4m x 8m, 5m x 15m… đều có và chúng được ghi rõ ràng trên các biển quảng cáo bán đất nằm dài trên suốt dọc tuyến đường từ quốc lộ 1A đến trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc A.

Chính quyền địa phương của xã Vĩnh Lộc A đang có rất nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình, như vận động người dân không nên tách thửa quá nhỏ vì như vậy sẽ không đủ diện tích đất tối thiểu để xây nhà (theo các quy định của Luật Xây dựng). Thế nhưng, tình trạng này không dừng lại. Một số người dân hiểu và đồng tình với chính quyền đã không bán đất với diện tích quá nhỏ, song giới môi giới đất đã nhảy vào… chấp nhận mua cả miếng đất lớn, để rồi sau đó chính họ sẽ tách thửa nhỏ ra để bán.

Chị Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó phòng Quản lý Tài nguyên - Môi trường huyện Bình Chánh cho biết, hiện trung bình mỗi ngày trên toàn huyện có đến hơn 100 hồ sơ xin tách thửa đất, mà trong đó phần lớn là để chuyển nhượng. Chính quyền huyện Bình Chánh cũng đã xem xét rất kỹ các hồ sơ xin tách thửa, nếu thấy có dấu hiệu tách để phân lô bán là yêu cầu dừng ngay, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều vì cốt lõi của vấn đề là quy định về tách thửa vẫn chưa có.

Hậu quả về môi trường và cảnh quan đô thị

Nóng bỏng chuyện tách thửa đất ảnh 2

Trứng ốc bươu vàng bám đầy vách nhà dân nằm ngay vùng thoát nước. Ảnh chụp tại Khu T2 A6 xã Vĩnh Lộc A.

Không sôi động như huyện Bình Chánh nhưng yêu cầu tách thửa ở quận Tân Phú cũng khá nhiều. Do chưa có quy định về tách thửa nên giống như huyện Bình Chánh, quận Tân Phú cũng chỉ có thể vận động người dân không nên tách thửa quá nhỏ và thuyết phục người dân nên dành một diện tích hợp lý cho cây xanh cùng các công trình tiện ích khác.

Tuy nhiên, như chính đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Tân Phú cho biết, thời gian qua mới thuyết phục được 3 trường hợp xin tách thửa dành khoảng 40% diện tích đất cho cây xanh và đường đi. Mọi khó khăn cũng chưa dừng lại ở đây vì ngoài diện tích đất dành cho cây xanh và đường, các nhóm nhà mới này (hình thành từ tách thửa) cũng rất cần một hệ thống hạ tầng cấp, thoát nước… đầy đủ.

Ai có trách nhiệm và đủ khả năng tài chính, chuyên môn để làm việc này? Chủ đất hay chính quyền địa phương? Chủ đất là không khả thi, vì chủ đất không có mấy người có khả năng, còn chính quyền địa phương thì tiền đâu để làm việc này? Hiện nay, lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A của huyện Bình Chánh cũng đang nhức đầu về chuyện hạ tầng cơ sở cho các khu dân cư có nguồn gốc từ tách thửa.

Theo anh Trần Văn Đông, đã có trường hợp người bán đất bán cả con rạch thoát nước tự nhiên của cả khu vực (nằm trong đất của họ) và người mua lấp rạch…xây nhà, thế là cả xóm bị ngập. Dân bị ngập quá, kêu chính quyền địa phương. Thông cảm với người dân, nhưng muốn làm hệ thống thoát nước thì chính quyền cũng phải có tiền, mà một xã nghèo ở Bình Chánh thì tìm ra ngay khoản kinh phí ấy đâu dễ. Đó là chưa kể đến một tình huống, người dân tách thửa quá nhiều “vô hình trung” kéo thêm nhiều người vào sinh sống, phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dân số của địa phương.

Cho người dân tách thửa nhưng không cho chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà đang là một giải pháp được chính quyền nhiều địa phương tính tới nhằm hạn chế tình trạng xây dựng nhà bát nháo như trên. Thế nhưng, một số người dân vẫn cố tình lách bằng cách xin xây nhà tạm để trông coi vườn. Về việc này, cũng không có quy định nào cấm nên chính quyền địa phương mặc dù đã phải đặt rất nhiều điều kiện với người dân như chỉ làm nhà bằng vật liệu tạm, diện tích nhà không quá 50m2… song cũng không thể nói không với người dân.

Từ nhà tạm để trông coi vườn đến biến thành nhà ở chính thức là một đoạn đường không xa, bởi sau khi có nhà tạm người dân sẽ yêu cầu được mắc điện, gắn biển số nhà với lý do cũng cần địa chỉ để giao dịch, mua bán nông sản… Đất ở các huyện ngoại thành của TPHCM khá tốt nên theo như anh Đoàn Nhật, Trưởng phòng Công thương huyện Bình Chánh, chỉ cần một vài ngày là người dân có thể gia cố nhà tạm thành nhà ở… chính thức.

Tại huyện Củ Chi thì có cách làm khác hơn là yêu cầu người xin tách thửa phải hoàn tất các thủ tục xây nhà trên mảnh đất xin tách ra thì mới cho tách. Cách làm này cũng có cái hay là ít ra mảnh đất xin tách thửa cũng có diện tích tối thiểu đảm bảo điều kiện xây dựng theo Luật Xây dựng. Thế nhưng, bất cập là nhà ở các quận ven mà cũng là nhà ống thì không biết bộ mặt TPHCM trong tương lai sẽ như thế nào?

Nguyễn Khoa - Quang Đạt

Dự thảo về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa

Quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đã được Sở Tư pháp TPHCM thẩm định và Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đang hoàn thiện để trình UBND TPHCM xem xét, ban hành. Theo quy định này, những khu đất thuộc các khu phải bảo tồn, các biệt thự theo quy hoạch, các vị trí nhà, đất ở thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố thì không được tách thửa. Các khu đất còn lại được tách thửa theo quy định cụ thể trong các văn bản ban hành.

Các khu đất tách thửa phải đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, kết nối đồng bộ với hạ tầng hiện hữu và UBND các quận, huyện có trách nhiệm phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng nhằm đảm bảo điều kiện trên. Cụ thể:

– Đối với đất sản xuất, kinh doanh việc tách thửa phải có dự án đầu tư phù hợp được cơ quan cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Đối với đất nông nghiệp, dù được tách thửa nhưng phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định.

– Đất nông nghiệp thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp, nhưng sau 3 năm không thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì được tách thửa nhưng diện tích tối thiểu của thửa đất hình thành sau khi tách thửa không nhỏ hơn 1.000m² và không được thay đổi mục đích sử dụng đất.

– Nếu thửa đất xin tách thửa lớn hơn 1.000m² phải lập dự án đầu tư theo quy định pháp luật.

– Những trường hợp hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc khi thừa kế có tranh chấp, có nhu cầu tách thửa thì UBND quận, huyện căn cứ quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, điều kiện hợp khối để giải quyết, nhưng diện tích đất tối thiểu của các thửa đất không nhỏ hơn 25m² (đối với trường hợp đất ở).

Nguồn: Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM

Tin cùng chuyên mục