Nông dân châu Phi thời 4.0

Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), mặc dù sở hữu đến 65% diện tích đất phù hợp cho nông nghiệp của thế giới, song các quốc gia châu Phi hiện đang chỉ chiếm khoảng 3% xuất khẩu nông nghiệp toàn cầu và hàng năm vẫn phải chi khoảng 35 tỷ USD để nhập khẩu lương thực phục vụ dân số ngày càng tăng.
Nông dân châu Phi thời 4.0

Để bắt kịp xu thế cách mạng 4.0, nhiều giải pháp mới giúp nông dân lục địa đen ra đời trên nền tảng di động.

Trước nhất phải kể đến Khula - ứng dụng điện thoại giúp nông dân Nam Phi kết nối trực tiếp với các chuỗi siêu thị để chào hàng và bán nông sản, hiện đang phát huy tác dụng tích cực sau 3 tháng thử nghiệm. Đã có hơn 600 nông dân nước này sử dụng Khula như một kênh tiêu thụ chính cho các sản phẩm nông nghiệp của mình. Ứng dụng này do 2 doanh nhân trẻ Karidas Tshintsholo và Matthew Piper phát triển, cho phép các doanh nghiệp đặt hàng và thu mua trực tiếp nông sản từ nông dân mà không phải qua bất cứ một kênh trung gian nào. Nhờ đó cắt bỏ những chi phí không cần thiết, giúp nông dân bán sản phẩm với giá cao hơn cũng như có thu nhập ổn định hơn.

Một ứng dụng khác mang tên myArgo có giải pháp căn cơ về vốn giúp nông dân tránh khỏi các rủi ro tài chính. myAgro do nữ doanh nhân Anushka Ratnayke khởi xướng vào năm 2011, mang đến cho nông dân một hệ thống đầu tư nông nghiệp an toàn và dễ sử dụng thông qua chiếc điện thoại. A.Ratnayake sống tại một vùng nông thôn hẻo lánh ở Rwanda, làm việc cho một tổ chức tín dụng.

Theo cô quan sát, những người nông dân có kha khá tiền vào mùa thu hoạch, nhưng khi đến thời kỳ trồng trọt, cần mua hạt giống và phân bón thì họ lại hết tiền. Từ đó, ý tưởng về myAgro hình thành và hiện nay đang là một dự án tiết kiệm tiên phong, hoạt động chủ yếu ở Mali và Senegal. Với nền tảng Layaway Mobile của myAgro, người nông dân có thể gửi các khoản tiền tiết kiệm dành cho hạt giống, phân bón hay các khóa đào tạo nông nghiệp thông qua một chiếc thẻ như thẻ cào điện thoại. Thẻ có thể mua được tại cửa hàng tiện lợi của địa phương, người nông dân sau đó sẽ nhắn số trên tấm thẻ đến tài khoản myAgro của mình. Họ sẽ được ghi danh vào một chương trình để khi đến thời điểm thu hoạch, khi họ có tiền, myAgro sẽ đến để giúp họ tiết kiệm và lên kế hoạch cho vụ mùa kế tiếp.

Đến mùa gieo trồng, hạt giống được mua bằng khoản tiền tiết kiệm nói trên được chuyển đến nông dân. Hơn nữa họ còn được tham gia các khóa đào tạo nông nghiệp để đảm bảo năng suất vụ sau cao hơn vụ trước.

Đến năm 2017, myAgro đã có 34.000 khách hàng từ Mali và Senegal. Ratnayake tính toán, một người nông dân tham gia vào chương trình sẽ tăng khoảng 60% thu nhập trung bình năm. Ratnayake và nhóm của cô mới đây đã nhận được giải thưởng Skoll, giải trao cho các dự án giúp cải thiện thế giới.

Đội ngũ phát triển myAgro hy vọng những thành quả đạt được hiện nay sẽ bền vững đến năm 2021. Mục tiêu của nhóm là đến năm 2025, sẽ có khoảng 1 triệu hộ nông dân tham gia vào mô hình và giúp họ nhân đôi thu nhập, với mức tăng khoảng 550 USD /gia đình/năm.

Tin cùng chuyên mục