Nông dân lao đao vì tiêu chết hàng loạt

Bình Phước là một trong những tỉnh có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất cả nước nhưng nhiều hộ dân nơi đây đang rơi vào cảnh nợ nần vì hồ tiêu bỗng dưng chết hàng loạt, nhiều vườn năng suất thấp, trong khi giá thị trường biến động liên tục...

 

 

Người trồng tiêu ở huyện Bù Đốp buồn rầu vì tiêu chết hàng loạt, lại gặp cảnh rớt giá liên tục Ảnh: HOÀNG BẮC
Người trồng tiêu ở huyện Bù Đốp buồn rầu vì tiêu chết hàng loạt, lại gặp cảnh rớt giá liên tục Ảnh: HOÀNG BẮC
Tiêu chết chưa rõ nguyên nhân

Cùng với Lộc Ninh, Bù Đốp là 1 trong 2 huyện được coi là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Bình Phước. Nhiều năm qua, các hộ nông dân đã đầu tư hàng tỷ đồng vào vườn tiêu, thế nhưng trong năm 2017, do thời tiết biến động khó lường, chỉ có 30% giống tiêu Vĩnh Linh và 80% tiêu Ấn Độ đạt năng suất. Thống kê toàn huyện có trên 115ha tiêu bị chết, 222ha tiêu nhiễm bệnh, nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều. 

Gia đình ông Bùi Quang Cảnh (ngụ xã Tân Thành) trồng hơn 2.000 trụ tiêu/1,4ha, đầu tư 120 triệu đồng, đến nay tiêu đã 4 năm tuổi đang độ tuổi thu hoạch. Chỉ trong 3 tháng, tiêu bỗng dưng chết hàng loạt, toàn bộ diện tích tiêu gần như bị xóa sổ. Ông Cảnh buồn rầu nói: “Tiêu bắt đầu với triệu chứng cành lá khô héo rồi rụng từ ngọn đến gốc. Bệnh lây lan nhanh, mặc dù gia đình đã làm đủ mọi cách nhưng bệnh trên cây tiêu vẫn không giảm. Năm nay tiêu bắt đầu vào thu hoạch, hy vọng có thu nhập, bây giờ tiêu chết, không có tiền trả nợ ngân hàng, tiền phân bón còn mua thiếu của các đại lý”. Tương tự, gia đình ông Ngô Văn Hùng đã phá hết gần 1.000 trụ để chờ dịp trồng mới lại. Nhìn vườn tiêu chết, trái non rụng ngổn ngang dưới gốc, ông Hùng chua xót: “Đây là lần đầu tiên vườn tiêu của gia đình chết như vậy...”.

Tại huyện Bù Gia Mập, hàng trăm hộ trồng tiêu cũng đang điêu đứng. Gia đình ông Nguyễn Văn Thưởng (xã Đắk Ơ) có hơn 600 trụ tiêu chết. Những trụ tiêu này đều biểu hiện vàng lá rồi rụng từ từ. Khi cây tiêu được nhổ lên thì thấy toàn bộ rễ thối đen, lớp vỏ bên ngoài bị bong tróc khiến cây không lấy được dinh dưỡng. Nhiều năm qua, gia đình ông trồng cây tiêu theo đúng kỹ thuật nên luôn cho năng suất cao và được nhiều hộ tại địa phương đến học hỏi kinh nghiệm, nhưng từ cuối năm 2017 đến giờ, vườn tiêu của nhà ông bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm khiến không có cách nào cứu. “Tôi cũng đã làm mọi cách để cứu lấy diện tích nhiễm bệnh này nhưng không hiệu quả. Năm nay, giá hồ tiêu xuống thê thảm, trong khi cây bị nhiễm bệnh càng nhiều khiến gia đình ăn không ngon, ngủ không yên. Còn khoản nợ vay ngân hàng khoảng 1,6 tỷ đồng sắp đến kỳ trả nợ gốc đang khiến gia đình lo không biết trả được không?”, ông Thưởng chia sẻ.

Người dân lâm cảnh nợ nần

Vào thời điểm này, cây hồ tiêu đang trong giai đoạn thu hoạch, việc tiêu chết cùng với giá cả lao dốc còn khoảng 62.000 đồng/kg làm hàng ngàn hộ dân trên thủ phủ hồ tiêu Bình Phước rơi vào cảnh lao đao. Nhiều gia đình chạy đôn chạy đáo lo trả nợ ngân hàng, trả tiền phân bón mua thiếu của đại lý… 

Gia đình ông Phí Ngọc Hải (xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp) chưa muốn thuê nhân công đến thu hoạch hồ tiều vì “nhìn các dây tiêu ít trái và nghĩ đến giá tiêu mà lo việc trả tiền công hái lại thấy nản lòng”. Theo tính toán của ông, vụ này thu hoạch trái giảm đến 3 lần so với mùa vụ năm ngoái, trong khi giá giảm sâu khiến bà con lỗ nặng.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, huyện Bù Đốp Cao Văn Tính cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh tiêu chết hàng loạt, chúng tôi báo cáo cấp trên để có hướng tạo điều kiện giúp đỡ bà con. Đối với hộ có tiêu chết hiện đang nợ ngân hàng, địa phương cũng kiến nghị với ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho khoanh nợ, xem xét về lãi suất để tạo điều kiện giúp đỡ bà con; tiếp đó là gia hạn để nông dân có điều kiện khắc phục vườn tiêu và chuyển đổi một số cây trồng cho nơi có diện tích năng suất kém”. 

Lý giải nguyên nhân làm cây tiêu chết nhiều, ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, nhận định: Những năm trước do giá tiêu tăng liên tục, có lúc lên mức gần 200.000/kg, dù ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt chuyển sang trồng tiêu nhưng do thấy lợi nhuận quá lớn, dễ làm giàu nhanh, nên nhiều bà con đổ xô chuyển sang trồng cây tiêu thậm chí trồng trên cả diện tích đất không phù hợp, địa hình vùng trũng. Đó là lý do dẫn đến năng suất thấp, dễ phát sinh sâu, bệnh hại khi năm nay mưa trái mùa. Thêm vào đó, trong gần 2 năm qua, giá tiêu lao dốc, một phần diện tích mới trồng đã bị người dân bỏ, ít đầu tư chăm sóc, làm những các loại nấm bệnh tấn công. Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến cáo người dân không nên vì giá rẻ mà chặt tiêu, chuyển đổi ồ ạt sang trồng cây khác, sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế. Chỉ nên chuyển đổi những vườn tiêu trên đất quá trũng hoặc quá cao, năng suất kém sang cây trồng khác cho hợp lý và hiệu quả hơn. 

Việc cần làm bây giờ là các địa phương cùng ngành nông nghiệp nên thống kê số diện tích tiêu chết vì sâu bệnh, phân tích các nguyên nhân gây bệnh, đồng thời đề xuất hướng hỗ trợ kịp thời về tín dụng để giảm bớt khó khăn cho nông dân.

Tin cùng chuyên mục