Nông dân thành phố làm theo mong ước Bác Hồ

Nông dân thành phố làm theo mong ước Bác Hồ

Việc học tập, nghiên cứu chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, của cán bộ, hội viên nông dân. Lời dạy của Bác: “Làm cho người nghèo đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” đã được các cấp hội, cán bộ hội viên nông dân xem đó là phương hướng, là nhiệm vụ, là hiệu quả cần đạt được trong công tác hội và phong trào nông dân TPHCM.

Ông Nguyễn Văn Rảnh (phải) tại một mô hình trồng lan hiệu quả của nông dân. Ảnh: H.L.

Ông Nguyễn Văn Rảnh (phải) tại một mô hình trồng lan hiệu quả của nông dân. Ảnh: H.L.

Một trong những nội dung hoạt động thiết thực nhất của hội chính là vận động chăm lo giúp đỡ hội viên nông dân nghèo trong chương trình hỗ trợ 5.000 hộ hội viên nông dân nghèo giai đoạn 2008-2013 mà nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần 8 đã đề ra. Trong những năm qua, hội đã phối hợp với Ban vận động “Vì người nghèo”, Đài Truyền hình thành phố… và bằng nguồn lực của mình tổ chức các hình thức giúp đỡ như hỗ trợ vốn sản xuất (không tính phí); tặng thẻ bảo hiểm y tế; tặng máy thu hình để xóa đói thông tin; tặng học bổng Lương Định Của để giúp con em nông dân nghèo đến trường với tổng số lượt hội viên nông dân nghèo được giúp đỡ trên 10.000 lượt, tổng trị giá chăm lo trên gần 60 tỷ đồng.

Đã xuất hiện những gương điển hình tiêu biểu như nông dân Lê Văn Tâm (Cần Giờ) đã khắc phục khó khăn, học tập nắm bắt ứng dụng thành công mô hình nuôi cua đạt hiệu quả cao. Đồng thời với việc xóa nghèo, đi lên đủ ăn cho gia đình, anh Tâm còn gương mẫu đi đầu trong hoạt động hội qua việc chuyển giao, giúp đỡ các nông dân nghèo khác về con giống, kỹ thuật để nuôi cua.

Nông dân Trần Phước Thọ (Nhà Bè) đã tận dụng công trình đê bao ngăn mặn rửa phèn, mạnh dạn chuyển 4ha đất trồng lúa sang xây dựng hệ thống ao nuôi cá giống và heo sạch. Anh Thọ còn trồng thêm thanh long, xoài, chuối, mít để hình thành trang trại sinh thái, tạo thu nhập hàng năm lên đến 400 triệu đồng, trở nên khá giàu. Không quên cảnh nghèo khó xưa, anh đã tạo việc làm cho 15 nông dân nghèo khác trong vùng với mức lương 2 triệu đồng/người/tháng.

Hoặc gương của nông dân Đỗ Văn Thiên (Thủ Đức) luôn trăn trở giữ gìn và phát triển nghề trồng mai truyền thống. Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, việc anh Thiên dành đất trồng mai, rồi bỏ công vận động bà con trong xóm ấp cùng trồng với mình… là một điều đáng biểu dương. Mô hình “Nông dân giàu giúp nông dân nghèo” được thí điểm tại huyện Hóc Môn với 97 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tự nguyện đăng ký giúp đỡ 105 hộ hội viên nông dân nghèo thông qua hình thức tư vấn sản xuất, dạy nghề, giúp vốn, giúp tư liệu sản xuất, giải quyết việc làm, bảo trợ học tập cho nông dân nghèo. Việc làm của các nông dân điển hình nói trên chính là thực hiện mong ước của Bác Hồ: “Làm cho người nghèo đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”.

Năm 2008 vừa qua, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, Hội Nông dân TPHCM đã bình chọn danh hiệu “Người nông dân tiêu biểu thành phố” với mục đích tôn vinh những cá nhân thiết thực đem lại hiệu quả từ cuộc vận động, nâng cao nhận thức trong hội viên và khẳng định vị thế mới của người nông dân mới. Đã có 256 gương điển hình đủ điều kiện tham gia, và cuối cùng, 12 gương xuất sắc nhất trong số những gương xuất sắc đã được trao danh hiệu. Trong đó có nông dân Nguyễn Thị Gấm (Bình Tân) với 6.000m² đất trồng lan đã có thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Chị Gấm luôn quan tâm đến hộ nghèo trong địa phương nên còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống cho 15 gia đình khác, đồng thời trao nhiều học bổng ủng hộ con em nông dân nghèo có điều kiện đi học.

Nông dân TPHCM luôn thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất” nên hết sức chú trọng thực hiện các hoạt động trên nhiều lĩnh vực như “xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giàu”, xây dựng hạ tầng nông thôn, xây dựng gia đình nông dân văn hóa, nông dân tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng…

Thành phố mang tên Bác Hồ sẽ ngày càng có nhiều nông dân tiêu biểu, nông dân điển hình, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đó chính là làm tròn mong ước của Bác Hồ kính yêu!

Nguyễn Văn Rảnh
(Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM)

Tin cùng chuyên mục