Nông nghiệp “chạy đua” với El Nino

Mực nước sông Tiền, sông Hậu tại ĐBSCL đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử, đe dọa nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp, đặc biệt là về sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản xuất khẩu...

Mực nước sông Tiền, sông Hậu tại ĐBSCL đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử, đe dọa nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp, đặc biệt là về sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản xuất khẩu...

Hạn và xâm mặn kỷ lục

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, số liệu quan trắc tại khu vực ĐBSCL hiện nay cho thấy, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu đang xuống rất thấp, có nơi thấp hơn mọi năm từ 1 đến 2,5m do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây nên. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi thuộc Tổng cục Thủy lợi chia sẻ: “Mực nước tại ĐSBCL đang ở mức thấp nhất trong lịch sử kể từ năm 1926 đến nay và hiện tượng khô hạn nặng kèm xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng nặng nề tới hai lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và lúa gạo trong thời gian sắp tới”. Ông Hoàng Đức Cường còn cho biết, hiện tượng El Nino hình thành từ đầu năm 2015 và có khả năng kéo dài tới tháng 3-2016. Tuy nhiên, quy luật là những tác động của El Nino còn để lại hậu quả vào những tháng sau đó nữa, nên theo nhận định phải tới tháng 6-2015, tình hình nguồn nước ở ĐBSCL mới được cải thiện.

Lượng mưa thiếu hụt cộng với dòng chảy từ sông Mê Kông đổ về ĐBSCL sụt giảm nghiêm trọng so với mọi năm, miền Tây Nam bộ đối mặt một năm không có mùa nước nổi đang đe dọa khu vực sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước. “Hiện mùa mưa ở Nam bộ đã kết thúc và năm nay xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn mọi năm 1 tháng, vào sâu hơn, nặng nề hơn” - ông Hoàng Đức Cường cảnh báo.

Tranh thủ thời cơ

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch thuộc Bộ NN-PTNT, tình hình thiên tai bất thường, khô hạn khốc liệt không chỉ xảy ra ở nước ta mà ảnh hưởng tới nhiều nước trong khu vực, trong khi đây lại là nơi sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định đây là thời cơ để chúng ta đẩy mạnh sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Bằng mọi cách phải khắc phục khó khăn về thời tiết và nguồn nước để tổ chức vụ thu đông và đông xuân 2015-2016 hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết thêm, một tin vui cho ngành nông nghiệp là hiện các doanh nghiệp đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu 450 tấn gạo sang Philippines và  1 triệu tấn gạo sang Indonesia nên kéo giá lúa ổn định trở lại. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương, nhất là khu vực ĐBSCL tăng cường lúa vụ 3, trước là 700.000ha nay tăng lên 830.000ha và theo tính toán, sản lượng lúa gạo cả năm 2015 sẽ vẫn đạt chỉ tiêu với 45,2 triệu tấn, nhờ vậy không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dư thừa để xuất khẩu, đáp ứng các hợp đồng đã ký kết.

Bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn nước thủy lợi cho lúa gạo và thủy sản, ông Nguyễn Hồng Khanh cho biết Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt đã làm việc với các tỉnh ở ĐBSCL để thống nhất thời gian tổ chức cho bà con xuống giống lúa vào đúng thời điểm mùa vụ để tiết kiệm nguồn nước tưới và tổ chức lại hệ thống cấp nước ngọt. Ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản, cũng cho biết không chỉ khu vực ĐBSCL mà tình hình nuôi trồng thủy sản ở khu vực Nam Trung bộ, trọng điểm là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận... cũng đang đối mặt một năm khó khăn do thiếu nguồn nước cấp. Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương ở Nam Trung bộ và Nam bộ điều chỉnh lại mùa vụ sớm hơn 1 tháng (chẳng hạn như đối với tôm không phải bắt đầu nuôi thả vào tháng 1 như mọi năm mà ngay từ tháng 12 sắp tới).

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng tình hình hạn hán sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực và thủy sản ở khu vực Đông Nam Á và kể cả Ấn Độ nên nếu chúng ta khắc phục khó khăn, đảm bảo sản lượng lúa gạo và thủy sản ở ĐBSCL sẽ là cơ hội tốt để chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục