Nông sản Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Nhiều mặt hàng nông sản Trung Quốc không còn xuất hiện trong các kênh phân phối hiện đại nhưng lượng hàng Trung Quốc vào các chợ đầu mối vẫn nhiều, thậm chí có mặt hàng còn tăng. Nhưng khi ra khỏi chợ đầu mối thì nông sản Trung Quốc đã “lột xác” trở thành sản phẩm Việt Nam.
Nhiều kênh phân phối hiện đại chỉ bán sản phẩm Việt
Nhiều kênh phân phối hiện đại chỉ bán sản phẩm Việt

Hàng ngày phải đi chợ mua đồ nấu ăn, chị Trần Thị Thương (quận Tân Phú, TPHCM) lo ngại không biết đâu là sản phẩm Trung Quốc, đâu là sản phẩm Việt Nam? Hiện nay, rất nhiều tiểu thương “tự phong” sản phẩm VietGAP hay “nhà trồng” nhưng khi hỏi giấy chứng nhận, trồng ở đâu… thì trả lời ú ớ cho qua chuyện.

Không chỉ riêng nông sản mà trái cây cũng nhập nhèm nguồn gốc, từ các cửa hàng trong chợ truyền thống cho đến xe đẩy ngoài đường, người bán đều để bảng sản phẩm Việt. Thế nhưng, đi cùng với chúng tôi là thương nhân chuyên bán hàng Trung Quốc khẳng định, cam, quýt, nho, nhất là táo… chủ yếu là hàng Trung Quốc, nhất là xe đẩy bán rong ngoài đường.

Trái ngược hẳn lại, nhiều kênh phân phối hiện đại luôn ưu tiên sản phẩm Việt với các kệ hàng trưng bày hàng nông sản, trái cây được thiết kế rất dễ nhìn. Đặc biệt, sản phẩm đều ghi nguồn gốc rõ xuất xứ. Đại diện siêu thị Co.opmart cho hay, không chỉ bây giờ mà từ khi mới thành lập, siêu thị luôn ưu tiên các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Chỉ riêng trái cây có đến 95% hàng Việt Nam, 5% còn lại là táo Mỹ…

Ghi nhận ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, khi hỏi những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ ở đâu, nhiều thương nhân không ngần ngại chia sẻ từ Trung Quốc, Lâm Đồng, Đồng Nai… Theo nhiều thương nhân, những tiểu thương ở các chợ truyền thống, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh… tất nhiên phải biết sản phẩm Trung Quốc. Những thương nhân ở chợ đầu mối bán mặt hàng Trung Quốc thì nói Trung Quốc và không thể lừa được, bởi người mua rất rành. Còn khi đến tay người tiêu dùng thì khác. Tái diễn tình trạng này cũng một phần do người tiêu dùng thích lựa chọn rau củ quả còn dính đất, rau lá xanh đẹp.

Theo Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền, trung bình một đêm có từ 15 - 17 tấn hàng Trung Quốc về chợ. Nông sản có tỏi, hành, hành tây, cà rốt, khoai lang, khoai tây, bông cải trắng, bông cải xanh… Trái cây chủ yếu có táo, nho, cam… Còn chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, trung bình có 4% - 5% là hàng Trung Quốc (trong số 2.800 tấn nông sản về chợ hàng đêm). Trung bình mỗi đêm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức có khoảng 4.100 tấn hàng nhập chợ, trong đó nông sản 1.500 tấn, trái cây 2.400 tấn, hoa tươi 100 tấn… thì hàng Trung Quốc có 150 tấn rau, chiếm 9%, như bắp cải, bông lơ, hành tím, cà rốt, tỏi (quanh năm)… một số loại theo mùa như khoai tây, hành tây… Trái cây khoảng 540 tấn, chiếm tỷ lệ 18%, như táo, lê, nho, hồng, cam, quýt…

Đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho hay, nhiều năm qua, do người tiêu dùng phản ánh tình trạng trái cây Trung Quốc chất lượng kém nên dần bị “tẩy chay”. Cụ thể, năm 2017, tổng sản lượng trái cây giảm 8,5% so với năm 2016. Một phần trái cây giảm là do phải cạnh tranh với trái cây Thái Lan. Không những thế, rau củ quả Trung Quốc có giá cao hơn nông sản Việt Nam như bông cải xanh Trung Quốc 33.000 đồng/kg, còn Đà Lạt 18.000 đồng/kg; cải thảo Đà Lạt 10.000 đồng/kg thì hàng Trung Quốc 12.000 đồng/kg… Nông sản Trung Quốc được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng bởi màu sắc khi nấu chín đẹp hơn hàng Việt Nam, kích thước to và đồng đều…

Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho hay, phần lớn nông sản Trung Quốc có giá cao hơn hàng Việt Nam do đánh vào tâm lý người tiêu dùng luôn thích đẹp. Nông sản Việt Nam có trái to, trái nhỏ… không đồng đều, còn hàng Trung Quốc sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao nên mất từ 5 -  7 ngày khi về đến các chợ ở Việt Nam vẫn còn tươi, không giập nát.

Tin cùng chuyên mục