Nông thôn mới Cần Giờ - vai trò kết nối của chính quyền

Là huyện giáp biển, nằm cách biệt các huyện, quận khác của TPHCM với hệ thống sông ngòi chằng chịt và rừng ngập mặn, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Cần Giờ tập trung phát triển hạ tầng giao thông. Nhờ vậy, vùng sản xuất đã có thể kết nối với nhà kinh doanh, hình thành chuỗi liên kết ổn định đầu ra cho nông dân.

Hoàn thiện hạ tầng

Ngay từ đầu, Ban chỉ đạo NTM huyện đã tập trung xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng, trong đó xác định, giao thông phục vụ sản xuất đảm bảo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đặc biệt chú trọng các tuyến đường huyện, phải được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo các phương tiện giao thông có thể kết nối tới trung tâm hành chính các xã.

Toàn huyện chỉ còn 6,8km đường huyện (tương đương 10,2%) từ trung tâm xã vào khu sản xuất tập trung chưa được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Ngoài ra, chưa có tuyến đường giao thông nối từ đường Hà Quang Vóc ra sông Lòng Tàu, gây khó khăn trong việc vận chuyển vật tư phục vụ vùng nuôi tôm với diện tích được quy hoạch là 246ha và khu vực nuôi trồng thủy sản lân cận.

Toàn huyện có 130 cầu giao thông, gồm 12 cầu có tải trọng khai thác trên 8 tấn và 118 cầu từ 0,3 tấn đến 0,8 tấn. Hiện nay, còn cầu Bà Đua với chiều dài 50m đã xuống cấp, chưa đảm bảo tải trọng khai thác phù hợp.

Nông thôn mới Cần Giờ - vai trò kết nối của chính quyền ảnh 1 Nông dân huyện Cần Giờ thu hoạch tôm
Nhằm đảm bảo nuôi thủy hải sản, huyện triển khai các công trình thủy lợi phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể kể đến: Dự án xây dựng hệ thống đê dọc sông Hà Thanh (từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh), đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, đang vận động nhân dân bàn giao mặt bằng để khởi công; Đề án quy hoạch mạng lưới thủy lợi phục vụ phát triển thủy sản và diêm nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016-2020 đã triển khai.
Có 22/24 công trình đã hoàn thành các thủ tục và đang chuẩn bị khởi công, 2 công trình còn lại do các hộ dân thuộc phạm vi giải tỏa chưa đồng ý.

Cần Giờ hiện có 34 tuyến đường thủy nội địa địa phương, 8 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, 6 tuyến hàng hải và các tuyến sông, rạch do địa phương quản lý; trong 38 bến thủy nội địa có 14 bến vận chuyển hành khách, 5 bến ngang sông, 2 bến hàng hóa và 17 bến bốc dỡ vật liệu xây dựng. Các tuyến đường thủy được lắp đặt hệ thống báo hiệu đảm bảo an toàn, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông.

Nâng cao sản xuất

Hạ tầng giao thông phát triển đã tạo nền tảng giúp cho sản xuất nông nghiệp ở Cần Giờ có điều kiện phát triển. Điển hình, vụ muối năm 2018 có 1.558ha, tăng 84ha so với vụ muối năm 2017, trong đó có 1.079ha sản xuất theo mô hình kết tinh trên ruộng trải bạt.

Sản lượng thu hoạch đạt 79.230 tấn, tương ứng năng suất bình quân 50,85 tấn/ha, tăng 9,38 tấn/ha so với vụ muối năm trước. Hiện giá muối tiêu thụ bình quân 1.073 đồng/kg, tăng 18% so cùng kỳ. Ước tính thu nhập bình quân đạt 13,4 triệu đồng/ha.

Vừa qua, UBND huyện Cần Giờ đã trình UBND TPHCM phương án chuyển đổi diện tích sản xuất muối trên địa bàn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, theo hướng giảm diện tích, tăng muối lót bạt.

Diện tích nuôi tôm theo hình thức nuôi quảng canh, nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đang duy trì 4.125ha; nuôi ao là 884ha. Trong đó, có 3.983ha thu hoạch đạt sản lượng 3.759 tấn. Diện tích mặt nước nuôi nhuyễn thể đạt 1.156ha (nghêu, sò, hàu), trong đó có 408ha thu hoạch, đạt 9.997 tấn nhuyễn thể, tăng 19,2% so cùng kỳ.

Về trồng trọt, sản phẩm chủ lực là cây xoài, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch giữ vững, bảo vệ và phát triển diện tích trồng theo quy trình VietGAP từ 13ha lên 33ha. Trong chăn nuôi, tập trung phát triển nghề nuôi yến lấy tổ, đang quy hoạch vùng nuôi đến năm 2025. Hiện nay, toàn huyện có 314 nhà yến, trong đó có 190 căn cho thu hoạch, thu được 4,1 tấn tổ yến, tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Trong sản xuất nông nghiệp, UBND huyện trở thành cầu nối tạo ra sự liên kết giữa các doanh nghiệp với vùng sản xuất, hướng đến ký hợp đồng tiêu thụ ổn định. Hiện xã Long Hòa đã làm việc với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn thống nhất hỗ trợ trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm; xã An Thới Đông kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản của các hộ dân với Công ty Tuấn Nguyễn.

Một số hộ nuôi tôm đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp đồng cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, được ký giữa nông dân, doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đến hết năm 2018, phấn đấu các xã ở Cần Giờ đạt từ 11 - 13 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM đặc thù vùng nông thôn TPHCM giai đoạn 2016-2020. UBND huyện Cần Giờ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đơn cử, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao ở Hào Võ với 89ha; vận động thành lập HTX nông nghiệp - dịch vụ; hỗ trợ HTX Thuận Yến hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng HTX nông nghiệp tiên tiến; hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Cần Giờ cho sản phẩm yến, xoài cát và khô cá dứa; củng cố tổ chức và hoạt động Tổ hợp tác cây ăn trái Song Đồng...

Từ năm 2016 đến nay, có 11/12 đơn vị triển khai thực hiện hỗ trợ huyện Cần Giờ xây dựng NTM với tổng giá trị hơn 12 tỷ đồng, gồm: Xây dựng mới 108 căn và sửa chữa 46 căn nhà tình thương; làm 8 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 1,56km; trao tặng 550 suất học bổng; hỗ trợ 391 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; hỗ trợ 10 xuồng máy, 20 máy may; bổ sung Quỹ khuyến học, hỗ trợ trang thiết bị về văn hóa, thể dục thể thao, tủ sách, bồn chứa nước...

Tin cùng chuyên mục