Nông thôn mới đi vào thực chất

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM vào tháng 9-2018, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhận định: “Có giai đoạn, TPHCM đi đầu về xây dựng nông thôn mới (NTM), dù đến nay chưa huyện nào đạt chuẩn (theo tiêu chí nâng cấp giai đoạn 2), nhưng tôi hiểu TP đi vào thực chất”. 

Những bất cập

Tuần qua, đoàn công tác Thành ủy TPHCM đã làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi, địa phương đầu tiên của TPHCM và là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước được Trung ương công nhận đạt chuẩn về xây dựng NTM giai đoạn 1.

Cuối năm 2016, chuyển qua giai đoạn 2, nâng chất các tiêu chí, đến tháng 10-2018, 20 xã của huyện đạt bình quân 16,15/19 tiêu chí NTM. Điều đó có nghĩa, hiện nay chưa địa phương nào của TP được Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, nếu căn cứ theo theo tiêu chí NTM quốc gia thì huyện Củ Chi có nhiều xã đạt hầu hết các tiêu chí, nhưng vì TPHCM xây dựng tiêu chí cao hơn cả nước, kể cả vùng Đông Nam bộ, nên các huyện phải gắng sức nhiều hơn mới có thể đạt ngưỡng mà TP đề ra.

Điển hình, tiêu chí về mua bảo hiểm y tế, cả nước là 85% người dân, vùng Đông Nam bộ là 90%, nhưng TPHCM phải đạt 95%. Hay về hộ nghèo, nếu theo chuẩn quốc gia thì vùng nông thôn TPHCM đã đạt, nhưng theo chuẩn TP thì chưa.

Nông thôn mới đi vào thực chất ảnh 1 Bánh tráng Củ Chi, sản phẩm làng nghề xã Phú Hòa Đông, được xuất khẩu sang nhiều nước. Ảnh: PHIÊU NHIÊN
“Trong số 374 hộ cần hỗ trợ để thoát nghèo, huyện Củ Chi có 59 hộ khó vượt ra khỏi hộ nghèo vì đây là những trường hợp người già, neo đơn, không có ai trong độ tuổi lao động. Trong trường hợp này chỉ có nâng trợ cấp xã hội hàng tháng lên mới giúp thay đổi. Về trường học, bất cập hiện nay là trường đạt chuẩn chỉ sử dụng khoảng 50% công suất phòng học vì thiếu học sinh. Nếu dùng biện pháp hành chính, gom các em vào trường chuẩn sẽ phát sinh tình trạng một số em bỏ học vì đi lại quá xa. Còn nếu nâng cấp trường cũ thì diện tích không thể đạt chuẩn, chưa kể gây lãng phí đầu tư”, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Trương Văn Thống băn khoăn. 

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết thêm môi trường là một trong những tiêu chí mà nhiều xã chưa đạt. Dù đã khắc phục việc tổ chức đường dây thu gom rác dân sinh, trồng cây xanh trên nhiều tuyến đường chính, nhưng cái vướng hiện nay lại rơi vào việc vi phạm của các doanh nghiệp (DN).

Trên địa bàn huyện có 6 khu công nghiệp nhưng quyền xử lý vi phạm môi trường thuộc về cấp TP; vì vậy, khi phát hiện DN vi phạm phải chờ TP xử lý nên bị kéo dài. Nếu được phân cấp về địa phương, huyện sẽ giải quyết nhanh hơn. Hiện có 12 DN ở Khu Công nghiệp Tân Phú Trung hoạt động nhưng nước thải không đưa về khu xử lý chung mà lại thải trực tiếp ra kênh.

Kiên trì với tiêu chí 

Cùng với môi trường, thu nhập là tiêu chí chưa đạt ở nhiều xã. Lý giải điều này, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết một phần do thị trường, nhất là giá nông sản không ổn định; các mô hình sản xuất như hoa lan, cây kiểng, bò sữa... bị cạnh tranh, ảnh hưởng đến mức tăng thu nhập của người dân.

Do đó, trong thời gian tới, việc phát triển nông nghiệp đô thị huyện sẽ chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào nông nghiệp để tăng giá trị sản xuất nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân trên địa bàn. 

“Là huyện trọng điểm nông nghiệp của TPHCM, về lâu dài vẫn còn sản xuất nông nghiệp nên cần quy hoạch rõ để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh và cho rằng, các xã cần làm quyết liệt như giai đoạn 1.

Việc sản xuất phải được tổ chức lại, tiến tới xây dựng theo chuỗi giá trị; hạn chế việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thông qua việc liên kết, hợp tác giữa nông dân với nhau để hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã… hay giữa nông dân với doanh nghiệp để đưa các tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ cao, vào sản xuất.

Có như vậy mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh. Huyện cần phối hợp chặt hơn các sở ngành để giải quyết những vướng mắc về quy hoạch, sản xuất nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. 

Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh huyện Củ Chi cần huy động các nguồn lực để tập trung giải quyết dứt điểm những bất cập tại địa phương; trong đó, quyết liệt hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, kịp thời tham mưu TP tháo gỡ những vướng mắc, chưa hợp lý về trường học, quy hoạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất đã xây dựng NTM từ giai đoạn 1, không để tình trạng đã có nước sạch nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng không đạt vệ sinh, hạn chế khai thác nước ngầm; nhà văn hóa không chỉ là nơi vui chơi, giải trí mà còn là nơi để giáo dục, bồi dưỡng.

Đồng chí Võ Thị Dung nêu quan điểm của TP về xây dựng NTM giai đoạn 2 là các tiêu chí phải theo chuẩn khu vực Đông Nam bộ trở lên. Đồng thời cảnh báo, an ninh trật tự là một thách thức khi tệ nạn xã hội xâm nhập về các vùng nông thôn và tội phạm sẽ tăng lên; nếu không chú ý việc vay vốn của người dân sẽ xuất hiện tình trạng cho vay nóng… 

Tin cùng chuyên mục