Trần Lê Thu Thảo và ước mơ nấm

Trần Lê Thu Thảo và ước mơ nấm

Say sưa nói về cây nấm cùng nhiều cây trồng vật nuôi khác, Trần Lê Thu Thảo có vẻ giống một giảng viên hơn là bà chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên trong người phụ nữ vốn là một tiểu thương này là cả một ước mơ  lớn về nông nghiệp.

Đi du lịch, học nghề nấm

Trần Lê Thu Thảo và ước mơ nấm ảnh 1

Bà chủ trại nấm DONA đang hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người dân các nơi đến học tập trồng nấm

Vào một mùa mưa, bất chợt cô học sinh lớp 11 Trần Lê Thu Thảo nhìn thấy những cánh nấm mèo treo lủng lẳng trên cây mít trong vườn. Tò mò, cô tìm mẹ bày tỏ thắc mắc. Thế là từ ấy Thảo mới biết nấm mọc được ở chỗ giàu chất mùn, độ ẩm cao…, và cũng từ đó Thảo đâm ra “mê mẩn” cây nấm. Tuy vậy, chiều ý của bố mẹ, cô thi vào Trường Đại học Sư phạm. Tốt nghiệp xong, cô được phân công về Cần Thơ công tác. Thế nhưng, do gia đình không muốn cô đi xa nên Thảo đành ở lại Sài Gòn và bỏ luôn nghề giáo.

Với sự hỗ trợ ban đầu của gia đình, Thảo trở thành một tiểu thương bán mỹ phẩm, quần áo ở chợ Tân Định. Rồi khi đã tích cóp được khá hơn, chị chuyển ra Trung tâm Thương mại ITC và gầy dựng được 5 shop hàng quần áo thể thao. Qua vụ cháy ITC năm 2002, tuy thiệt hại gần 800 triệu đồng nhưng chị vẫn không từ bỏ nghiệp kinh doanh thời trang.

Trong quãng thời gian buôn bán ở ITC, chị thường xuyên đi du lịch nhiều nước. Và nơi để lại ấn tượng nhất với chị là Nhật Bản. Chị kể: “Điều tôi nhớ nhất là người già ở Nhật rất đông và họ cũng vẫn lao động như thanh niên”. Từ đó, chị cất công tìm hiểu và phát hiện ra người Nhật ăn cá, nấm rất nhiều và rất ít ăn thịt. Rồi những lúc đi vào siêu thị, chị lại thấy các sản phẩm từ nấm được bày bán với diện tích “áp đảo”. Ngạc nhiên tiếp nối bất ngờ, chị quyết tìm “cho ra lẽ”.

Nhờ người em rể là người Nhật hướng dẫn, chị đón tàu điện ngầm đi tham quan nhiều trang trại nấm của người Nhật. Đi trên chục nông trại, chị mới biết ở Nhật có hàng trăm loại nấm, khác xa Việt Nam. Chị thổ lộ: “Thấy họ trồng, chế biến nấm tôi mê quá! Nhưng họ cực kỳ khắt khe, tôi phải giới thiệu mình là du khách, muốn tham quan thôi thì họ mới mở cổng cho vào. Mà mình cũng chỉ được đi và ngắm nhìn, họ không bao giờ cho mình sờ vào bất cứ vật gì…”.

Mơ đưa nông sản Việt ra thế giới

Sau những lần khám phá các trại nấm ở Nhật, đam mê thời trẻ của chị sống lại mãnh liệt hơn. Chị tìm đủ mọi cách và cuối cùng chuyển được ống nghiệm phôi nấm ra khỏi nước Nhật. Về đến TPHCM, chị lại đi “săn lùng” các chuyên gia về nấm, vốn rất hiếm hoi, học hỏi và nhờ họ cấy giùm phôi. Tuy nhiên, phần lớn các đợt nhân giống nấm đều thất bại. Song song đó, chị cũng đầu tư một trại nấm ở Gò Vấp rồi mua giống của một trại nấm lớn ở TP về nuôi. Thế nhưng do chưa rành kỹ thuật lắm nên cả trại nấm bị mốc xanh hết, thiệt hại hơn 200 triệu đồng! Chị vẫn không nản lòng.

Để giảm bớt chi phí, năm 2003 chị hùn vốn với một người bạn đem bịch phôi nấm lên tận Dầu Tiếng (Bình Dương) gầy dựng một trại nấm gần 10ha. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng chỉ có giống nấm bào ngư Nhật là thích nghi và phát triển được với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở TPHCM. Lúc này, chị mới mạnh dạn hơn, bỏ ra gần 4 tỷ đồng sửa sang lại mẫu đất mua ở xã Tân Phú Trung (Củ Chi), xây dựng thành trang trại, thuê các kỹ sư sinh học về phụ trách phòng cấy phôi nấm…

Đầu năm 2006, trại nấm DONA ra đời với 17 trại nấm bào ngư, 10 trại nấm bào ngư xám và một số trại nấm linh chi (mỗi trại khoảng 100m2, có 10.000 bịch nuôi nấm). Chị sôi nổi: “Ở Nhật, nấm là thực phẩm và dược phẩm hàng đầu. Không đơn thuần là nấm tươi mà từ nấm “đẻ” ra nước tương, bột  nấm, nước chao, súp nấm… Một chai nửa lít nước tương nấm có giá 65 USD, 1kg nấm vân chi khô (trị ung thư) có giá tới 1.600 USD…

Người Nhật làm được thì tại sao mình không làm được?”. Thế là ngoài cơ sở tại trại DONA, chị đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng ở Hóc Môn, Bình Chánh để chuẩn bị cho cuộc “lên đời” nấm Việt. Hiện nay, số trại nấm của DONA đã lên hơn 70 nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu. Mỗi ngày, với nguồn từ chính trại DONA và hàng chục vệ tinh, DONA cung cấp trên 1,5 tấn nấm tươi cho các siêu thị và đơn vị chế biến thức ăn, trở thành nhà cung cấp nấm tươi lớn nhất TPHCM. Không dừng lại ở đó, sau thời gian thử nghiệm và kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn, DONA đã bắt đầu đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ nấm như nấm đóng hộp, mì nấm, dược thảo linh chi, khô bò nấm bào ngư, hạt nêm, chao nấm, nước tương, nước khoáng…

Chị tâm sự: “Nông dân mình không nên cứ mãi bán nấm thô. Công nghệ chế biến, dễ dàng “học lỏm” được; thiết bị người mình cũng làm được mà rẻ hơn nhập khẩu… Vấn đề còn lại là phải tạo ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, xây dựng thương hiệu rồi đưa nó ra “biển lớn” trên “con tàu thương mại” được đóng sao cho vững chắc. Phải xuất khẩu nấm dưới dạng tinh chế thì người trồng nấm mới giàu lên được”.

Ngoài cây nấm, DONA cũng đã đầu tư nuôi cá, heo rừng, nhím, trồng bưởi… với các trang trại kề cận trại nấm ban đầu. Chiến lược này vừa đảm bảo cung ứng sản phẩm đa dạng vừa khép kín chu trình sản xuất, tiết kiệm chi phí nhờ tận dụng phụ phế phẩm từ cây nấm. Để đảm bảo hơn nữa đầu ra của sản phẩm, chị Thảo còn sắp sửa xây dựng một siêu thị nông sản với vai trò không chỉ giới thiệu sản phẩm DONA mà còn là nơi thu mua tất cả nông sản của nông dân và đầu mối cung ứng nông sản chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện DONA đã chuẩn bị xong hồ sơ dự án, bản vẽ thiết kế… chỉ chờ vay được vốn hoặc có người hùn vốn là khởi công xây dựng ngay. Không những vậy, DONA còn là nơi để nhiều người từ các vùng miền, không chỉ nông dân mà còn nhiều người đang làm nhiều nghề khác, đến tìm hiểu, học hỏi.

Điều đáng quý là ai muốn học hỏi đều được người của DONA hướng dẫn tận tình và ăn ở miễn phí tại trại. Hơn thế nữa, ngoài hướng dẫn cho nông dân vào thứ năm, thứ bảy hàng tuần, chị Thảo còn trực tiếp đi đến các trường truyền đạt cách thức nuôi trồng và chế biến nấm, nuôi heo rừng cho khoảng 6.000 lượt học viên tại các trung tâm cai nghiện ma túy.

Hoàng Liêm

Tin cùng chuyên mục