Hướng đi nào cho cá tra ĐBSCL?

Hướng đi nào cho cá tra ĐBSCL?
Hướng đi nào cho cá tra ĐBSCL? ảnh 1

Thu hoạch cá ba sa ở Cần Thơ.

Sau khi liên tiếp có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT... các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại ĐBSCL đang ra sức mua cá tra tồn đọng trong dân. Nhưng đến cuối tháng 7-2008, tình hình vẫn rất khó khăn. Cụ thể hiện ĐBSCL vẫn chưa đưa ra được con số chính xác về lượng cá tra còn tồn đọng. Doanh nghiệp, người nuôi như đang chạy trên một đường đua chưa biết đích ở đâu.

Thêm thị trường mới

Trong tổng số trên 250 nhà máy chế biến thủy sản tại ĐBSCL có không ít nhà máy vẫn hoạt động cầm chừng, doanh nghiệp chần chừ mua khi không có thị trường tiêu thụ cá tra cỡ lớn.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói, dư luận đang nói rất nhiều về sự tồn đọng cá tra, nhưng vấn đề cần phải hiểu rằng: đây là hậu quả của sự phát triển quá nóng về diện tích nuôi cũng như xây dựng hàng loạt nhà máy chế biến không có quy hoạch cụ thể.

Đây cũng là cái giá phải trả cho sự buông lỏng quản lý trong thời gian qua; trách nhiệm thuộc về cả người nuôi, doanh nghiệp và quản lý nhà nước.

Theo VASEP, hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra của ĐBSCL đã có mặt tại 98 quốc gia và vùng lãnh thổ của 5 châu lục.  Có thị trường rộng lớn như trên, công đầu thuộc về  những doanh nghiệp chế biến. Song thị trường không phải vô hạn, nếu ngay bây giờ, không có giải pháp ổn định vùng nguyên liệu.

Thực tế cho thấy, không nơi nào lại được thiên nhiên ban cho những điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá tra như ĐBSCL. Thế nhưng, có trong tay nguồn nguyên liệu gần như “độc quyền” song vẫn chưa làm chủ được thị trường, chưa “cầm trịch” được “thế trận”. Thậm chí vì tư lợi sẵn sàng “sửa lưng, cưa nhau”, bán phá giá… để nước ngoài hưởng lợi.
 
Tại An Giang, một trong những địa phương có phong trào “cứu” cá tra tồn đọng rầm rộ nhất thời gian qua, tình hình vẫn rất khó khăn. Trong lúc các doanh nghiệp chế biến như: Agifish, Anvifish, Nam Việt, Cửu Long… cố gắng mua cá trong dân thì lượng cá quá cỡ vẫn tăng hàng ngày. Tuy nhiên, theo ông Lưu Bách Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Việt An (Anvifish): “Sản phẩm cá cỡ lớn cũng là một dòng sản phẩm mới mà thị trường Nga đang ưa chuộng”.

Từ trước nay, thị trường Nga  được xem “dễ tính” so với nhiều nơi khác. Cụ thể họ thích loại cá tra thịt đỏ không cần gọt sửa cầu kỳ, miếng phi-lê phải còn nguyên kể cả mỡ bụng… Cũng theo ông Thảo, qua đánh giá của khách hàng cho thấy: Cá tra cỡ lớn cũng có những đặc trưng riêng như: miếng thịt ngọt, dai hơn và đậm đà hương vị...

Ngay khi Công ty Anvifish tiếp thị dòng sản phẩm trên, lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ thị trường Nga. Hiện doanh nghiệp này đang đẩy nhanh tiến độ thu để đáp ứng cho một hợp đồng “mới toanh” 20 container, tương đương 400 tấn phi lê cá tra cỡ lớn xuất sang thị trường Nga.

Cùng ý tưởng như Anvifish, Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Cửu Long cũng đang chào hàng thị trường Trung Đông, nơi công ty đã khẳng định được vị thế để xuất khẩu sản phẩm phi lê cá tra cỡ lớn.

“Xây nhà” cho cá tra tại ĐBSCL

Trong buổi làm việc tại ĐBSCL vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã hoan nghênh sự năng động của các doanh nghiệp trong việc tìm thị trường cho một sản phẩm cá tra cỡ lớn. Bộ trưởng lưu ý, các doanh nghiệp cần phải duy trì và tiến tới xem đây là một trong những dòng sản phẩm chính thống như các loại sản phẩm đã có.

Bộ trưởng đã nhất trí với các địa phương ĐBSCL trong việc sớm thành lập Hiệp hội nghề nuôi và chế biến cá tra khu vực ĐBSCL, bởi hơn ai hết chính ngư dân, doanh nghiệp, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL hiểu rất rõ “đường đi nước bước và bản tính của con cá này”.

Bộ trưởng cũng thống nhất với ý kiến của tỉnh An Giang về rút ngắn thời gian ổn định cho vùng nguyên liệu cá tra trong niên vụ mới, cụ thể là tháng 9 -2008, bởi nếu để lâu, mức độ rủi ro sẽ càng cao.

Đây là các giải pháp mang tính dài hơi, cần cụ thể hóa bằng hành động trong thời gian tới. Riêng đối với việc “cứu” cá tra, cần triển khai gấp rút ngay trong tháng 9 để đây cũng chính là hành động “cứu” cả mùa cá tra niên vụ 2008 – 2009.

Nhưng trên thực tế, giải pháp cần thực hiện trước mắt vẫn là Ngân hàng thực hiện giải ngân “tay ba”. Tức là  người dân bán cá cho bất kỳ công ty nào sẽ được nhận tiền qua ngân hàng  thay vì trước đây phải nhận tại công ty.

Với cách thức này sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng công ty  “giam vốn” của người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phát huy tối đa thị thường chấp nhận phi lê cá tra cỡ lớn để tăng tốc chế biến, rút ngắn thời gian tiêu thụ. Tiếp đến là bắt tay vào quy hoạch vùng nuôi, ổn định nguồn cung hợp lý cho thị trường.

Trao đổi với SGGP, ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, bức xúc nói: Vấn đề nhức nhối hiện nay là vốn cho nông dân. Gần như người dân nuôi cá tra đã kiệt sức hoàn toàn, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Dấu hiện “xấu” đã xuất hiện. Cuối tháng 12-2008 sẽ là điểm rơi “bể nợ” của người nuôi cá tra. Hiện nông dân chỉ chờ mong tái vay để sản xuất nhưng không được.

CAO PHONG

Đ.Tuyển – H.Điểu

Tin cùng chuyên mục