Để 1 triệu “nông dân chất lượng cao” thành hiện thực

Để 1 triệu “nông dân chất lượng cao” thành hiện thực

Chính phủ vừa “đặt hàng” Bộ NN-PTNT, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH thực hiện chương trình mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu “lão nông tri điền” trong cả nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một chủ trương đúng nhằm đào tạo ra đội ngũ “nông dân chất lượng cao” để thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để chương trình khả thi thì cần cân nhắc kỹ về nội dung thực hiện, chọn trúng đối tượng để không lặp lại những bài học đã mắc phải trong nhiều năm qua.

Nông dân đến trường!

Trong nhiều cuộc bàn thảo về đề án đào tạo 1 triệu “nông dân chất lượng cao”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, mục tiêu mà chương trình đặt ra phải là trang bị cũng như đào tạo cho nông dân có tay nghề cụ thể, có tri thức và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm giàu từ nông nghiệp, chứ không phải làm… cán bộ nông nghiệp hoặc sau đó lại “ly nông”.

Để 1 triệu “nông dân chất lượng cao” thành hiện thực ảnh 1

Làng nghề sản xuất bánh tráng xuất khẩu Phú Hòa Đông, Củ Chi đã đào tạo nghề làm bánh tráng cho hàng ngàn lao động ở nông thôn. Ảnh: THÀNH TÂM

Cụ thể, để thực sự trở thành “nông dân chất lượng cao”, 1 triệu nông dân sẽ phải trải qua những chương trình đào tạo bài bản thông qua hệ thống trường lớp, giáo trình chuẩn chứ không phải là những khóa học tập kinh nghiệm, hội nghị đầu bờ, những buổi tham quan trong vài ba ngày… như nhiều năm qua.

Theo đó, các trường đại học, trung tâm dạy nghề sẽ được huy động để đào tạo cho người nông dân. Mỗi nông dân trong chương trình sẽ được cấp thẻ “học nghề nông nghiệp” và họ sẽ đi đến trường như sinh viên. Đến khi ra trường, phải đạt được các yêu cầu cơ bản, mới được cấp chứng chỉ. Nhà nước sẽ lo toàn bộ kinh phí đào tạo.

Để “lọt” vào danh sách 1 triệu “nông dân chất lượng cao”, nông dân sẽ phải trải qua hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển. Những nông dân được chọn tham gia phải thỏa mãn hai điều kiện: có trình độ học vấn và quyết tâm gắn bó với nông nghiệp, nông thôn. Hai khu vực được ưu tiên là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long...

Đừng dạy những “lý thuyết suông”

Theo GS Nguyễn Lân Dũng thì chương trình đào tạo 1 triệu “nông dân chất lượng cao” thực sự là nhằm tạo ra cái “cần câu” cho nông dân, giúp nông dân có tay nghề và trí tuệ để giàu bằng chính đôi tay và khối óc của mình thông qua việc được trang bị một nghề cụ thể.

Tuy nhiên, cũng có không ít chuyên gia tỏ ra nghi ngại tính khả thi của đề án. Trong đó, điều đầu tiên mà nhiều người còn do dự là sẽ đào tạo nghề nào cho người nông dân? Bộ NN-PTNT đang tính đến chuyện giúp nông dân nuôi cá tra, basa, tôm chân trắng… Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, những mô hình như nuôi cá tra, trồng vải thiều, nuôi tôm sú, kể cả những cây, con “đặc sản” như hươu, ốc bươu vàng… đều xuất hiện những mặt trái thậm chí làm ô nhiễm môi trường, không có thị trường tiêu thụ… Và cho đến nay, hầu như chúng ta vẫn còn đang khá loay hoay là giúp nông dân “trồng cây gì và nuôi con gì”?

Nhiều ý kiến cho rằng đào tạo nghề phải gắn liền với việc giúp nông dân cách khai thác thị trường hoặc giúp tìm thị trường cho các sản phẩm của họ. Chỉ có khi nào lo được “đầu ra” cho người nông dân thì mới giúp họ ổn định được cuộc sống. Việc đào tạo nghề cho nông dân phải tính toán được nghề nào nhiều nguy cơ, nghề nào có nhiều triển vọng. Quan trọng hơn là làm sao để không “xé” quy hoạch, như đổ xô nuôi cá tra, basa, trồng vải thiều, trồng điều... rồi lại rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa, được mùa lại mất giá…

Hiện nay, kinh phí đầu tư cho các chương trình đào tạo nghề không hề nhỏ nhưng hiệu quả lại thấp. Chỉ tính riêng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB-XH trong hai năm 2007 và 2008 đã được cấp 313 tỷ đồng để đào tạo 710.000 lao động nông thôn nhưng bước chuyển biến không rõ rệt. Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng, sở dĩ có khó khăn trong đào tạo nghề cho nông dân chính là do trình độ của bà con.

Song, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học, nông dân chỉ học khi họ nhận thấy những điều cần học mang lại hiệu quả thiết thực, chứ cái gì không có tính thực tiễn thì họ không muốn học. Bởi vậy, nội dung đào tạo không có giá trị thực tiễn, không gắn liền với đời sống của người nông dân thì chỉ là những giáo trình suông. 

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục