Giảm giá thức ăn chăn nuôi, cách nào?

Giảm giá thức ăn chăn nuôi, cách nào?

Ngày 10-3 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp hạ giá thức ăn thủy sản nói riêng và giá thức ăn chăn nuôi nói chung. Cuộc họp được bắt nguồn từ một thực tế nóng bỏng hiện nay là người chăn nuôi đang rất khổ sở vì phải gánh chịu giá thức ăn chăn nuôi cao, trong khi giá nguyên liệu của thế giới đã giảm mạnh.

  • Nghịch lý

Hiện nay, thị trường thức ăn chăn nuôi có một nghịch lý mà sự thiệt thòi đang giáng lên đầu cả người chăn nuôi lẫn các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Đó là trong khi giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới đã giảm một nửa so với lúc lên đỉnh vào tháng 7-2008, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh (mặt hàng này) chỉ giảm giá nhỏ giọt, làm người nông dân rất khó khăn vì không có lãi. Sau đó, cả Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam và Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) phải ra lời kêu gọi các doanh nghiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi, chia sẻ khó khăn với người nông dân. Tuy nhiên, sau 4 tháng, giá thức ăn chăn nuôi cũng chỉ giảm được khoảng 10% - 15% mà theo tính toán của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi thì phải giảm khoảng 25% - 40% mới hợp lý.

Giảm giá thức ăn chăn nuôi, cách nào? ảnh 1

Dây chuyền sản xuất thức ăn cho heo tại Công ty An Phú. Ảnh: TH.TÂM

Trong khi đó, đến cuối tháng 2-2009 vừa qua, khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của thế giới (đầu vào) chỉ vừa có biến động nhẹ - cụ thể là giá khô dầu đậu tương nhập khẩu về cảng Hải Phòng tăng lên mức 435 USD/tấn, còn tại cảng TPHCM là 430 USD/tấn (tăng trung bình khoảng 40% so với tháng 10-2008) - thì các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã rục rịch, nhăm nhe đòi tăng giá, làm nông dân muốn “phát sốt”, còn người tiêu dùng thì “phát hoảng” bởi việc tăng giá thức ăn chăn nuôi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thực phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam bức xúc đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì và tạo điều kiện để người chăn nuôi và các doanh nghiệp chế biến thủy sản được gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Theo tôi, điều quan trọng hiện nay không phải là người dân cũng như doanh nghiệp chế biến thủy sản bán được bao nhiêu tôm, cá mà là lãi được bao nhiêu? Chẳng hạn như nuôi cá tra, nếu giá thức ăn chăn nuôi giảm xuống đến mức chấp nhận được thì có thể bán cá tra với giá 15.500 - 16.000 đồng/kg vẫn đảm bảo có lãi và cũng không cần phải tăng lên nữa” - ông Dũng nói.

  • Ủng hộ chủ trương tự nhập nguyên liệu

Có một đặc thù là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng rất ít trong thị phần thức ăn chăn nuôi, mà chủ yếu là do các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài như của Thái Lan, Philippines, Mỹ… áp đảo. Bởi vậy, việc không chịu giảm giá thức ăn chăn nuôi và việc bảo hộ càng làm lợi nhuận rơi nhiều vào túi của các doanh nghiệp nước ngoài.

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tìm mọi cách hạ giá thức ăn chăn nuôi xuống để hỗ trợ người nông dân và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Đã giao Cục Chăn nuôi và Cục Nuôi trồng thủy sản điều tra nghiên cứu nguyên nhân tại sao và cơ chế nào làm cho giá thức ăn chăn nuôi trong nước cao hơn so với các nước xung quanh, cũng như tại sao không nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giá rẻ vào để hạ giá thức ăn chăn nuôi trong nước.

Hiện nay, do sản lượng cũng như chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn kém nên hoạt động chế biến thức ăn chăn nuôi vẫn phải phụ thuộc khoảng 70% nguyên liệu ngoại nhập. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, không thể nào dùng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi được mà Nhà nước chỉ có thể điều tiết bằng cơ chế, chính sách. Do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội có thể đề xuất các giải pháp để các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Dũng đưa ra đề nghị trong trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi không chịu giảm giá thì có thể cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản nói riêng và các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nói chung được đặt mua nguyên liệu giá gốc của thế giới về gia công, tự sản xuất thức ăn chăn nuôi để sử dụng đồng thời với việc giảm thuế suất nhập khẩu để hỗ trợ người chăn nuôi. Đề xuất này được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ủng hộ.

Chất lượng thức ăn thủy sản không khác sữa bột thiếu đạm

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đồng thời với việc yêu cầu doanh nghiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi, Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng phải siết chặt việc quản lý chất lượng hơn nữa. Bởi hiện nay, mặc dù phải mua giá đắt song tình trạng chất lượng thức ăn thủy sản cũng không hề khác tình trạng chất lượng sữa bột bị bớt độ đạm. Mặc dù ngoài bao bì ghi các thông số, chỉ tiêu rất chuẩn nhưng bên trong lại rất “nghèo”. Nếu bây giờ yêu cầu giảm giá thì chất lượng thức ăn thủy sản càng bị “rút” bớt. Chất lượng thức ăn giảm sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ tăng trưởng của cá tra, basa.

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục