Xuất khẩu cá cảnh: Đầu xuôi…

Xuất khẩu cá cảnh: Đầu xuôi…

Cá cảnh được TPHCM xác định là mũi nhọn trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM Võ Văn Cương, chưa thấy vật nuôi nào tạo ra giá trị cao tính trên một đơn vị diện tích, lại phù hợp với nền nông nghiệp đô thị như con cá cảnh.

Đặc biệt, TPHCM còn có nhiều lợi thế về con người, thị trường so với các địa phương khác trong cả nước, chưa kể nơi đây còn có nhiều viện, trường và các nhà khoa học chuyên sâu về cá. TPHCM là địa phương được Bộ Thủy sản trước đây và nay là Bộ NN-PTNT kỳ vọng trong việc tạo ra sự đột biến về xuất khẩu cá cảnh.

Mới đây, việc 3 đơn vị nuôi cá cảnh TPHCM là Công ty cổ phần Sài Gòn cá kiểng (Saigon Aquarium, Củ Chi), Cơ sở cá cảnh Văn Sanh (quận 9), Cơ sở cá cảnh Châu Tống (quận 12) được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) trao giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với con cá chép và cá vàng đã mở ra khá nhiều hy vọng trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu cá cảnh ở TPHCM.

Đây là 2 loại cá dễ cảm nhiễm với SVC (virus mùa xuân) và KHV (virus gây bệnh mụn dộp). Do đó, có thể nói, kết quả của hơn 2 năm liên tục thực hiện tốt các quy định theo yêu cầu từ phía Mỹ đưa ra là một sự nỗ lực rất lớn của các DN, bởi chỉ khi có giấy chứng nhận này mới có thể tính đến chuyện xuất khẩu 2 loại cá cảnh trên sang Mỹ.

Kỹ sư Tống Văn Châu, chủ cơ sở nuôi cá cảnh Châu Tống (quận 12), cho biết: “Có được kết quả ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của các chủ trại còn phải ghi nhận sự động viên của anh em Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. Rất nhiều lần chúng tôi nản chí vì làm mà chưa biết sẽ đi đến đâu, trong khi biết chắc là trong quá trình thực hiện, nếu kiểm tra hồ nào có nhiễm bệnh là phải hủy toàn bộ hồ cá cảnh đó.

Trại nuôi cá cảnh tại huyện Củ Chi.

Trại nuôi cá cảnh tại huyện Củ Chi.

Chính vì vậy, dù ngay từ đầu có hơn 50 cơ sở đăng ký tham gia, nhưng cuối cùng chỉ còn 4 cơ sở quyết đeo bám đến cùng và cũng chỉ 3 cơ sở được cấp giấy phép. Giờ đây, tờ giấy chứng nhận đã mở ra cho chúng tôi nhiều cơ hội hơn trong việc xuất khẩu cá chép Nhật và cá vàng, vốn có giá trị xuất khẩu khá lớn nhưng đã bị cấm nhập khẩu vào thị trường Mỹ mấy năm qua vì không đáp ứng điều kiện không nhiễm 2 virus trên”.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một chặng trong hành trình mở rộng thị trường xuất khẩu cá cảnh. Vì cho đến nay, tại thị trường tiêu thụ cá cảnh lớn nhất là EU (chiếm trên 60%), Việt Nam vẫn chưa được phép xuất khẩu 2 loại cá này, vì ở khu vực đấy các quy định còn chặt chẽ hơn nữa. Nhưng việc “mở” được cửa thị trường Mỹ đã góp phần giúp các doanh nghiệp và cơ sở nuôi cá cảnh tự tin hơn để vượt qua rào cản thị trường châu Âu đầy tiềm năng. Ngay cả thị trường Mỹ, cũng không phải đã hết “rào cản”.

Sau khi được cấp giấy phép trên, phía Mỹ cho biết 2 năm nữa (2011), nếu không có giấy chứng nhận an toàn đối với hội chứng lở loét trên cá (EUS) thì việc xuất khẩu sẽ bị tắc như tình trạng cá chép Nhật và cá vàng mấy năm qua. Mà hội chứng này lại liên quan đến nhiều loại cá khác nhau chứ không phải chỉ 2 loại cá trên. Vì vậy, việc vượt qua rào cản kỹ thuật này đến rào cản kỹ thuật khác như là những cuộc “trường chinh” của ngành cá cảnh trong quá trình chinh phục và mở rộng thị trường cá cảnh xuất khẩu. Lúc đó mới có thể nói đến con số 50 triệu USD trở lên về xuất khẩu cá cảnh hàng năm mà TPHCM đã đặt ra trước đây.

Năm 2000, TPHCM xuất khẩu 4,5 triệu cá cảnh sang các nước với kim ngạch trên 10 triệu USD. Khi có giấy chứng nhận này, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh hơn do lượng cá chép và cá vàng xuất khẩu dù chỉ chiếm 10%-15% tổng số cá cảnh xuất, nhưng về giá trị lại chiếm tỷ lệ rất cao. Hiện nay TP có khoảng 292 cơ sở nuôi và khoảng 10 đầu mối xuất khẩu 60 loài cá cảnh, ngoài thị trường chính là châu Âu, Mỹ chiếm khoảng 35%, còn lại là các thị trường khác

CÔNG PHIÊN

Theo ông Võ Văn Cương, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, kiêm Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, TPHCM có nhiều lợi thế phát triển cá cảnh như: có mô hình sản xuất và kinh doanh hiệu quả (bao gồm cả mô hình sản xuất tập trung dạng trang trại); có địa bàn để sản xuất và ổn định lâu dài là vùng dọc kênh Đông Củ Chi; có thị trường tại chỗ rất lớn với TP khoảng 8 triệu người, cuộc sống càng cao nhu cầu nuôi cá cảnh như một cách giải trí, giảm stress… càng lớn.

Vì vậy, bên cạnh việc TP phải quy hoạch cụ thể khu vực dành để phát triển cá cảnh, đề ra chính sách hỗ trợ thì điều có ý nghĩa quyết định nhằm làm bật dậy và phát triển nhanh lợi thế này, đó là sự chỉ đạo thực hiện của ngành như thế nào. 

Tin cùng chuyên mục