Sau cơn khủng hoảng thừa tại ĐBSCL: Cá “vua” trở lại

Nga tái nhập khẩu thủy sản Việt Nam
Sau cơn khủng hoảng thừa tại ĐBSCL: Cá “vua” trở lại

Sau cơn khủng hoảng thừa năm 2008, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL năm 2009 giảm ít nhất 35% kéo theo sản lượng sẽ giảm mạnh, các nhà máy chế biến thủy sản đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, doanh nghiệp và người nuôi xem đây là cơ hội để siết chặt mối liên kết để nâng cao chất lượng, đảm bảo đầu ra ổn định, tiến tới phát triển bền vững.

Nông dân làm trung tâm

Sau cơn khủng hoảng thừa tại ĐBSCL: Cá “vua” trở lại ảnh 1
Thu hoạch cá tra tại ĐBSCL.

Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với đầu năm 2009. Cụ thể giá cá tra loại 1 đang dao động từ 15.300-15.800 đồng/kg, cá quá lứa cũng ở mức 14.500 đồng/kg. Giá cá tăng là do sản lượng đã giảm mạnh so với công suất của các nhà máy và nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.

 Một số hiệp hội thủy sản ĐBSCL cho rằng, vì các điều kiện giá con giống, công chăm sóc, thuốc, thức ăn… giảm cộng với diện tích sản lượng giảm nên người nuôi đang có lợi thế…

Tuy nhiên, ngoài các lợi thế trên, cái khó nhất hiện nay là người nuôi đang đối mặt với khó khăn về vốn, vì thế mà 35% trong tổng diện tích khoảng 6.200 ha đang bị bỏ hoang. Thay vì siết chặt nguồn vốn như hiện nay thì bơm vốn cho người nuôi là hết sức cần thiết.

Cái khó thứ hai là nông dân rất “đói” thông tin về thị trường tiêu thụ. Vấn đề thứ 3 là giá thức ăn (chiếm khoảng 70%-80% giá thành) lên xuống thất thường rất khó kiểm soát và quản lý.

Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Người nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, nên lấy nông dân làm trung tâm mối liên kết. Đây là cơ hội để nông dân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguyên liệu, chế biến, thắt chặt mối quan hệ trong việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và ràng buộc lẫn nhau. Đồng thời, hạn chế tình trạng tự phát tràn lan, cạnh tranh phá giá lẫn nhau giữa nông dân và cả doanh nghiệp”.

Có thể khẳng định Hợp tác xã thủy sản Thới An-Cần Thơ là một trong những đơn vị vượt qua cơn bão khủng hoảng cá tra năm 2008 nhờ mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX cho rằng, trong năm qua, đảm bảo xã viên luôn có lãi 15%-20% từ việc liên kết đầu ra và chất lượng cao.

Ông Hải nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, việc giảm sản lượng, diện tích vùng nuôi là cần thiết. Đi đôi với vấn đề này là thắt chặt mối quan hệ làm ăn lâu dài với doanh nghiệp. Từ trước tới nay nhiều doanh nghiệp và người nuôi quan hệ theo kiểu “ăn xổi ở thì” nên mối liên kết bị xem nhẹ, qua cơn bão khủng hoảng 2008 nhiều người phải nhìn lại.

Mặt hàng xuất khẩu chiến lược

Sau cơn khủng hoảng thừa tại ĐBSCL: Cá “vua” trở lại ảnh 2
Người nuôi cá tra ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, thiếu thông tin thị trường tiêu thụ…

Nhiều năm qua, sản phẩm cá tra vẫn là con cá “vua” - mặt hàng chủ lực xuất khẩu của ĐBSCL, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Năm 2008, khu vực ĐBSCL xuất khẩu hơn 640.000 tấn sản phẩm cá tra, kim ngạch gần 1,5 tỷ USD; tăng gần hơn 48% so với năm 2007. Thế nhưng mặt hàng này vẫn chưa được công nhận là sản phẩm xuất khẩu chiến lược của quốc gia, nên chưa được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: “Bộ NN-PTNT nên sớm đề nghị Chính phủ xem xét công nhận các sản phẩm cá tra là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của quốc gia. Có như thế, Chính phủ sẽ trực tiếp tổ chức xúc tiến thương mại và điều hành xuất khẩu cá tra như điều hành xuất khẩu gạo hiện nay. Khi ấy, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ được ngăn chặn. Các sản phẩm cá tra xuất khẩu sẽ được nâng cao giá trị trên thị trường quốc tế”.

Lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL cho rằng, các tỉnh, thành trong khu vực nên sớm ngồi lại để bàn phương án hợp tác phát triển sản xuất cá tra, tránh khủng hoảng nguyên liệu như thời gian qua.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: Tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn nhưng cũng là cơ hội tốt để chấn chỉnh lại hoạt động của lĩnh vực này. Trong đó, những người nuôi cá không nên tái đầu tư nuôi cá khi chưa được các nhà máy chế biến thủy sản ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bộ NN-PTNT nên nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thủy sản để tạo môi trường cạnh tranh, giảm giá bán với các doanh nghiệp trong nước…

Nga tái nhập khẩu thủy sản Việt Nam

(SGGP).- Hôm qua, 17-3, Bộ NN-PTNT cho biết, sau gần 3 tháng kể từ đợt Nga ban hành lệnh cấm nhập khẩu cá tra Việt Nam từ ngày 20-12-2008 do những vấn đề có liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thủy sản, hôm qua, Ban điều hành xuất khẩu cá tra sang Nga đã có mặt tại Nga để ký các hợp đồng chính thức về tái xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga.

Theo đó, có 30 doanh nghiệp đã có tên trong danh sách được tái xuất khẩu thủy sản sang Nga, trong đó có 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, còn lại là các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủy sản khô và chả cá. Ngoài ra, trong đợt này còn có thêm 2 doanh nghiệp lần đầu tiên được xuất khẩu mặt hàng tôm sang Nga.

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2008, riêng cá tra xuất khẩu sang Nga của nước ta đã đạt 200 triệu USD. Hiện Nga là một trong những thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam.

PH.HẬU

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục