Xây kho kích cầu lúa gạo

Xây kho kích cầu lúa gạo

Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt nhằm xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo đủ mạnh ở khu vực ĐBSCL. Mới đây, trong chuyến công tác tại tỉnh Long An và các tỉnh thuộc ĐBSCL, cũng như trước đó tại buổi làm việc với Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lại một lần nữa khẳng định phải khẩn trương xây bằng được hệ thống kho chứa 4 triệu tấn lúa gạo để có thể thu mua hết lương thực cho dân, không để tình trạng tồn đọng lúa gạo, đảm bảo cho nông dân trồng ra hạt lúa có lãi ít nhất 30%.

Có kho không lo ế gạo

Xây kho kích cầu lúa gạo ảnh 1

Với sản lượng mỗi năm hàng chục triệu tấn lúa, vựa lúa ĐBSCL đang thiếu trầm trọng kho chứa. Ảnh: TRẦN MINH TRƯỜNG

Hiện nay, mỗi năm cả nước làm ra 38 triệu tấn lúa, trong đó có 9 triệu tấn tương đương 4,5-5 triệu tấn gạo dành để xuất khẩu, tập trung chủ yếu ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện ở ĐBSCL mới chỉ có khoảng 1,2 triệu tấn lúa gạo có kho chứa, phần lớn các kho chứa lại cũ, lạc hậu, không bảo đảm các yêu cầu về bảo quản lâu dài.

Không có kho chứa lúa gạo, chúng ta không thể chủ động trong việc xuất khẩu lúa gạo, gạo không thể bán với giá tốt nhất, còn nông dân thì phải chịu cảnh lúa gạo tồn đọng hoặc phải bán cho mau sau khi thu hoạch, giá quá rẻ, không có lãi, khi giá lên thì lại không còn gạo để bán.

Đó là chưa kể đến những thiệt hại do tổn thất sau thu hoạch mà thiếu kho chứa là một trong những nguyên nhân căn bản. Chỉ tính riêng ở ĐBSCL, tổn thất lúa gạo sau thu hoạch đã lên tới hơn 1 triệu tấn.

Bởi vậy, khi bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lúa gạo, kích cầu nông nghiệp, tăng lượng lương thực thu mua cho nông dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, giờ là lúc phải khẩn trương xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo đủ mạnh. Đây là bài toán chiến lược!

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp

Xây kho kích cầu lúa gạo ảnh 2
Hiện hệ thống kho chứa lúa gạo ở ĐBSCL có sức chứa thấp chưa đạt nhu cầu. Ảnh: TRẦN MINH TRƯỜNG

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã “đặt hàng” Bộ NN-PTNT triển khai đề án xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo hiện đại với tổng sức chứa lên tới 4 triệu tấn gạo để trình Thủ tướng phê duyệt ngay trong tháng 3-2009.

Hiện Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) đang là đơn vị nghiên cứu và soạn thảo đề án trên. Theo ông Đoàn Xuân Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, việc xây dựng hệ thống kho chứa sẽ được triển khai theo hai phương án là sửa chữa, nâng cấp lại hệ thống kho chứa đã xây dựng và xây mới các kho hiện đại. Theo đó, tổng sức chứa của hệ thống kho xây mới sẽ có sức chứa 2,8 triệu tấn gạo.

Trong đó, sẽ chia thành hai loại hình kho: Loại một được xây theo kiểu kho si lô có dung tích khoảng 800.000 tấn, được trang bị kỹ thuật hiện đại, đầu tư đồng bộ từ hệ thống sấy tháp, băng tải, đảo trộn đến các thiết bị thông gió vận hành tự động, máy xay xát, sân phơi, hệ thống giao thông. Còn lại sẽ xây theo hình thức kho vòm cuốn, kho A1 để chứa 2 triệu tấn gạo, đảm bảo có đủ hệ thống máy sấy, sân phơi, chống ẩm…

Những nơi dự định sẽ đặt kho là khu vực có hệ thống giao thông thuận lợi cho việc thu gom, bốc xếp, giao hàng, gần cảng biển như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, TPHCM. Tổng vốn đề xuất để xây hệ thống kho đủ sức chứa 4 triệu tấn gạo ở ĐBSCL lên tới hơn 7.000 tỷ đồng và chỉ trong vòng 3 năm (2009-2011) là hoàn thiện toàn bộ. “Với mức đầu tư như vậy, chỉ bằng khoảng 1/7 tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong cả nước trong vòng 1 năm”, ông Hòa nói.

Để tránh lặp lại trường hợp như kho chứa lúa gạo với tổng dung tích 200.000 tấn/năm ở chợ đầu mối Thốt Nốt (Cần Thơ) mà Chính phủ đã phê duyệt từ năm 2004 nhưng cho đến nay vẫn không thể triển khai được do vướng mặt bằng, khó giải tỏa, ông Hòa cho rằng, các địa phương phải quyết liệt trong việc giải phóng mặt bằng hoặc giao đất sạch cho doanh nghiệp đầu tư xây kho chứa lúa.

Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây kho chứa lúa gạo, Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị Chính phủ thực hiện ưu đãi, miễn giảm thuế đất, hỗ trợ tiền đầu tư và giải phóng mặt bằng. Trong đó, sẽ có cơ chế đặc thù về tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp như vay vốn với lãi suất thấp, hạn mức cho vay có thể lên tới 80% tổng vốn của từng dự án trong thời gian từ 5-10 năm.

Hiện đã có 13 tỉnh, doanh nghiệp lớn “đăng ký” dự án xây dựng kho chứa lúa gạo.

Riêng Tổng Công ty Lương thực miền Nam cho biết đã đăng ký đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa với tổng sức chứa lên tới 1,5 triệu tấn trong giai đoạn từ nay đến năm 2011, chủ yếu là trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.

Tương tự, chính quyền tỉnh Hậu Giang cũng đang rất “hào hứng” khi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 4 cụm kho chứa lúa gạo xuất khẩu với tổng sức chứa khoảng 250.000-300.000 tấn/năm trên địa bàn. UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định sẽ quy hoạch và giao đất sạch, không vướng mắc về mặt bằng cho các doanh nghiệp khẩn trương xây kho chứa lúa.

Cùng việc khẩn trương xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo và thủy sản đông lạnh đủ mạnh, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay việc xây dựng kho ngoại quan ở nước ngoài đang là đòi hỏi cấp thiết để một mặt tạo điều kiện xuất khẩu lúa gạo thuận lợi hơn, mặt khác còn thay đổi hình thức xúc tiến thương mại thay vì xúc tiến theo cách truyền thống hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, bộ cơ bản ủng hộ chủ trương xây dựng kho ngoại quan ở nước ngoài nhưng điều quan trọng là phải khảo sát thật kỹ nơi sẽ đặt kho ngoại quan nhằm đảm bảo việc hoạt động được ổn định lâu dài, thuận lợi đồng thời phải nghiên cứu kỹ chính sách của nước sở tại.

VĂN PHÚC HẬU (SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục