Đồng chí Huỳnh Văn Be, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre:

Phát huy thế mạnh về nông nghiệp

Phát huy thế mạnh về nông nghiệp

Để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, Bến Tre mong muốn được đánh giá và xác định lại đúng tiềm lực sẵn có. Trên tinh thần đó, đồng chí Huỳnh Văn Be, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre đã dành cho PV Báo SGGP cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn về sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn mới.

- PV: Đồng chí có thể cho biết các thế mạnh của Bến Tre so với các tỉnh khu vực ĐBSCL?

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Huỳnh Văn Be

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Huỳnh Văn Be

Đồng chí HUỲNH VĂN BE: Trước đây Bến Tre là “ốc đảo”, việc đi lại khó khăn và thường mất rất nhiều thì giờ vì phải qua phà. Nói đến Bến Tre thì đặc trưng nổi bật là miền sông nước, cây trái quanh năm, khí hậu mát mẻ. Và từ khi có cầu Rạch Miễu thì việc thông thương thuận lợi, nhanh chóng, rất có lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Do thoát ra khỏi thế “độc đạo”, Bến Tre trở thành “bản lề phát triển” đối với miền Tây (giữa Vĩnh Long - Trà Vinh - Sóc Trăng), trên trục quốc lộ 60 thì Bến Tre nằm ở đoạn giữa.

Bến Tre hiện đứng đầu về diện tích nuôi nghêu tại khu vực ĐBSCL và cả nước, với diện tích có thể nuôi nghêu khoảng 15.000 ha, trong đó có khoảng 480 ha có thể nuôi được nghêu giống. Việc khai thác con nghêu được thế giới công nhận là nghêu sạch này là một lợi thế lớn của Bến Tre để xuất khẩu, thu về ngoại tệ.

Đồng thời, do nằm trong vùng tràn lầy, nên Bến Tre là nơi thích hợp cho các loài thủy sản cư ngụ, nếu phát huy hết khả năng thì Bến Tre có thể đạt sản lượng hàng trăm ngàn tấn cá mỗi năm. Hiện Bến Tre có khoảng 47.000 ha dừa, 70.000 ha lúa, còn cây ăn quả khai thác được khoảng 200.000 tấn/năm. Nói chung, Bến Tre sống được là nhờ nông nghiệp.

Hướng phát triển sắp tới, ngoài căn bản là nông nghiệp, Bến Tre sẽ tập trung phát triển công nghiệp, tạo môi trường sinh thái tốt và không gây ô nhiễm môi trường theo chủ trương của tỉnh. Với diện tích dự kiến khoảng 1.500 ha đất cho công nghiệp, sẽ đẩy mạnh chế biến cây dừa, cây ăn trái. Riêng thủy sản, dự kiến chế biến khoảng 800.000 tấn cá các loại/năm - hiện nay mới đạt 30.000 tấn/năm.

- Để phát triển nhanh về mặt kinh tế, Bến Tre phải làm gì khi Việt Nam đã và đang hội nhập nền kinh tế thế giới?

Theo tôi, nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Người nông dân Bến Tre đã biết nhìn ra nước ngoài để đưa sản phẩm “xuất ngoại”. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn chưa đồng nhất do cách làm còn tự phát. Đây thật sự là vấn đề khó khăn nhất của Bến Tre. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa có trường đại học nào. Để giải quyết bài toán nhân lực, Bến Tre đã liên kết với TPHCM, Cần Thơ để đào tạo tại chỗ và gửi người đi đào tạo tại các địa phương đó.

Bến Tre đã đầu tư xây dựng ký túc xá tại Cần Thơ và TPHCM để làm chỗ lưu trú cho sinh viên Bến Tre theo học tại đây. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã mở một trường THPT chuyên tại thị xã với chính sách miễn giảm học phí hợp lý để thu hút, hỗ trợ nhân tài tương lai của địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ tài chính cho con em các gia đình khó khăn tiếp tục việc học; bảo đảm công bằng trong việc thi tuyển và tuyển chọn nguồn vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề và đại học.

Với lợi thế địa hình của cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa, chúng tôi đang ấp ủ một dự án lấn biển tại Ba Tri. Vì bãi biển ở đây bồi tụ ra cả mười mấy cây số, nước rất cạn. Chỉ cần lấn ra khoảng 1 cây số, đoạn giữa 3 cù lao thuộc huyện Ba Tri, chắn lại đó, khoan đê rồi bơm cát lên là xong. Làm như vậy thì đâu có tốn kém gì mấy. Cách làm cũng tương tự như Kiên Giang, Đà Nẵng, thậm chí tôi thấy còn dễ hơn ở Kiên Giang. Sắp tới sẽ xúc tiến dự án này nhằm xây dựng “thành phố biển” hiện đại nối liền với tuyến du lịch quốc tế, trước mắt là nối với Côn Đảo, phục vụ du lịch. Tất nhiên, để làm được việc này, đòi hỏi Bến Tre phải có những con người táo bạo, dám nghĩ dám làm.

- Có hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội riêng nào cho Bến Tre, thưa đồng chí?

Bến Tre đặc biệt quan tâm đến một số mô hình phát triển đô thị của Singapore, Malaysia, Hà Lan và một số nước châu Âu. Đặc biệt, chú trọng việc bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng dân cư văn minh và hiện đại. Sử dụng các thế mạnh đặc trưng nhất của Bến Tre, kết hợp hài hòa giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ - du lịch.

Mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới đang được nông dân tự nguyện xây dựng và phát triển. Đó là việc các hộ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản hợp quần lại vì họ thấy được sức mạnh của sự đoàn kết. Xây dựng “thành phố Bến Tre” thuộc tỉnh trong tương lai với kiến trúc hiện đại, ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Học hỏi mô hình du lịch tiên tiến, kết nối các tuyến du lịch thu hút du khách như Bến Tre - Phú Quốc chẳng hạn...

- Ưu tư lớn nhất của đồng chí là gì để Bến Tre đi lên và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội?

Hiện tại, cây dừa Bến Tre vẫn chưa được coi là cây công nghiệp, đó là thiệt thòi lớn của Bến Tre. Chúng ta thấy Malaysia với cây công nghiệp cọ dầu đã khai thác, xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới và trở thành nguồn thu lớn của nước này. Với hơn 47.000ha đất trồng dừa, Bến Tre có sản lượng hàng năm hơn 300 triệu trái dừa. Dừa Bến Tre không những phong phú về chủng loại, chất lượng trái dừa cao hơn các nơi khác mà tuổi thọ cũng rất cao - cây dừa ở Bến Tre đến 100 năm sau vẫn có trái. Điểm mạnh của cây dừa là có thể chế biến tất cả, không bỏ đi thứ gì - từ thân cây được dùng để làm ra các sản phẩm gỗ gia dụng, đến cơm dừa, nước dừa, xơ dừa, gáo dừa đều là nguyên liệu có giá trị cao trong sản xuất và xuất khẩu. Nếu được Chính phủ tạo chính sách ưu đãi và phát triển riêng cho cây dừa, đây là một nguồn thu lớn cho Bến Tre.

Là tỉnh nghèo nên Bến Tre cũng phải “xin” mới có điều kiện đi lên và phát triển được. Trước đây thì xin đường, xin nước; còn bây giờ là xin chính sách, xin cơ chế để tạo động lực thúc đẩy Bến Tre phát triển nhanh hơn, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư hơn nữa trước xu thế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay.

Hoàng Hưng (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục