Trồng mai thay lúa

Đất phèn chiếm 27,5% tổng diện tích đất nông nghiệp TP, tập trung nhiều ở Bình Chánh, Nhà Bè… Do sản xuất khó khăn, bà con đã giảm diện tích lúa chuyển qua các loại cây trồng khác hiệu quả hơn.

Xã Tân Kiên, khu vực nhiễm phèn nặng của Bình Chánh là “vùng đất cứt chuột” bởi phèn nóng gây ra, khá nhiều diện tích đất bỏ hoang. Nhưng ông Kiều Lương Hồng đã thành công khi chuyển đổi, đầu tiên nuôi cá (thịt, cá giống), giờ đây, nhờ chịu khó học hỏi và được sự giúp đỡ của những nghệ nhân đi trước, ông tìm được cách cải tạo đất giúp cây lan, cây cảnh sống và phát triển. Ông xây thành khu vườn lan cây cảnh sinh thái đẹp ngay giữa vùng trũng phèn.

Từ 100 cây lan trồng thử nghiệm ban đầu đến nay đã có một vườn lan rộng đẹp với trên 2.000 cây lan cắt cành, với các loại giống Mokara, Arima, Léna degaule… thu nhập trên 5-6 triệu đồng/tháng. Ông còn chăm sóc 180 chậu mai kiểng giá trị cao.

Khu vườn của ông là vườn sinh thái đẹp trên vùng đất phèn Bình Chánh, nơi người yêu lan, thích cây cảnh lui tới trao đổi, người trồng lan, cây cảnh ngày càng nhiều. Hiện có đến 100 ha lan các loại. Nhiều vườn xoài cũ đã chuyển sang loại hình nông nghiệp đô thị. Không chỉ có lan, cây cảnh, bà con nông dân còn trồng các loại hoa nền như sống đời...

Theo ông Huỳnh Công Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Long, cây sống đời đang phát triển mạnh ở xã nhà, nhờ dễ trồng lại ít tốn công, bán có giá, hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã trồng gần 30 ha cây sống đời. Nhiều hộ dân nhờ đó có cuộc sống trở nên khấm khá.

Sen cũng là một cây chuyển đổi cây trồng trên các bưng phèn, giúp nông dân xóa đói vượt nghèo có hiệu quả ở nhiều nơi trong huyện như xã Phong Phú, trước đây nhiều hộ chuyên trồng sen thay vì lúa. Nhưng diện tích đã giảm nhiều do đô thị hóa. Bây giờ, nông dân trồng rau nhút, bồn bồn cũng tốt không thua gì sen.

Một số cây trồng khác cũng được người nông dân thử nghiệm như bưởi da xanh (xã Phạm Văn Hai), có nông dân thu hoạch hàng trăm triệu đồng/ha/năm hoặc việc trồng mai vàng làm cây gốc của bà con nông dân xã Bình Lợi theo dạng “trồng mai thay lúa” của anh Trần Tứ Vương (nông dân điển hình tiêu biểu TP năm 2010, thu nhập 300 triệu đồng/năm) mang lại lợi nhuận rất cao. Ngay cả bà con nông dân xã Tân Nhựt  vùng phèn nặng cũng chuyển sang trồng mai ghép, rau sạch, lan, nấm… hiệu quả.

Ngoài ra, nhiều bà con nông dân ở các xã mạnh dạn tiếp nhận các dự án khuyến nông về rau sạch để thực nghiệm về giống mới, chất lượng cao trên đồng đất địa phương mình mang lại hiệu quả kinh tế đang được nhân rộng.

Theo Trung tâm Khuyến nông TP, nông dân Bình Chánh còn trồng thực nghiệm nhiều loại cây trồng khác như cây chanh Limca, chanh dây trái to, nhiều nước, vỏ mỏng, nước thơm, phát triển tốt trên nhiều vùng sinh thái…

Đặng Văn Thành

Tin cùng chuyên mục