Kinh tế trang trại nhìn từ thực tiễn - Giàu nuôi cá, khá nuôi heo...

Giàu nuôi cá, khá nuôi heo...
Kinh tế trang trại nhìn từ thực tiễn - Giàu nuôi cá, khá nuôi heo...

Bài 1: Giàu nuôi cá, khá nuôi heo...

>> Kinh tế trang trại thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của các thành phần kinh tế. Nước ta hiện có 150.000 trang trại, trong đó ĐBSCL khoảng 40.000 trang trại. Kinh tế trang trại ĐBSCL khá đa dạng, nhiều nhất thuộc lĩnh vực nông, thủy sản và chăn nuôi… Kinh tế trang trại góp phần cải tạo, khôi phục và đưa vào khai thác diện tích lớn những vùng đất hoang hóa, bưng biền, nhiễm phèn, mặn để trồng trọt, nuôi tôm, cá… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và chủ trang trại. Tuy nhiên, ở một số địa phương, kinh tế trang trại đang sống dở chết dở vì làm ăn thua lỗ, bên bờ vực phá sản.

ĐBSCL xuất hiện rất nhiều mô hình trang trại làm ăn giỏi. Quy mô kinh tế trang trại đa dạng, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Hầu hết các mô hình trang trại lớn đều liên kết chặt chẽ với những đối tác để được đầu tư, thu mua sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi cá tra là một thế mạnh để phát triển kinh tế trang trại ở ĐBSCL.

Nuôi cá tra là một thế mạnh để phát triển kinh tế trang trại ở ĐBSCL.

Liên kết chia sẻ lợi nhuận, rủi ro

Ở các vùng ven biển ĐBSCL hình thành rất nhiều trang trại tập trung nuôi tôm sú, tôm thẻ, cua, sò huyết, nghêu… Còn vùng nước ngọt, tập trung nuôi cá tra, cá ba sa, tôm càng xanh và các loại tôm, cá khác. Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu có nhiều trang trại nuôi tôm sú, tôm thẻ công nghiệp đạt hiệu quả cao.

Chúng tôi đến cánh đồng năn thuộc ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Cả cánh đồng trên 5.000ha cặp biển Mỏ Ó, trải dài bên bờ sông Mỹ Thanh khoảng trên 10km đến ấp Tổng Cán, xã Liêu Tú là những vuông tôm công nghiệp trùng điệp. Nơi đây có hàng chục trang trại, mỗi trang trại rộng vài chục đến vài trăm ha. Mỗi mùa tôm chính vụ, các chủ trang trại thu nhập từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng; giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

Ông Thống Nhứt, một chủ trang trại ở đây cho biết: “Chúng tôi nuôi tôm với mô hình khép kín từ khâu thời vụ, xử lý nguồn nước, làm ao, giống, thức ăn, chăm sóc, thu hoạch… Nhờ vậy ít bị thiệt hại. Đầu ra cũng rất tốt vì có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong tỉnh”.

Đến An Giang, Đồng Tháp và các huyện Thốt Nốt, Ô Môn của TP Cần Thơ, trang trại nuôi cá tra, cá ba sa phát triển chóng mặt. Hầu hết trang trại nằm ven sông Tiền, sông Hậu. Nhờ nguồn nước dồi dào, dễ xử lý môi trường, con cá tra phát triển tốt, chất lượng xuất khẩu được đảm bảo.

Trong điều kiện gặp khó khăn khi giá thức ăn tăng cao, trong khi giá cá nguyên liệu giảm, ông Nguyễn Ngọc Hải, một chủ trang trại quy mô lớn ở xã Thới An, quận Ô Môn, TP Cân Thơ có cách làm khá hay là quy tụ các trang trại cùng ngành ở địa phương “bắt tay” với một doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn ở Tiền Giang theo phương thức cùng “chia sẻ lợi nhuận và rủi ro”.

Ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết: “Chúng tôi hoạt động theo mô hình hợp tác xã (HTX). doanh nghiệp đầu tư toàn bộ thức ăn; hợp tác xã chịu con giống, công chăm sóc, kỹ thuật dưới sự kiểm tra giám sát chặt chẽ từ doanh nghiệp. Sau khi thu mua, doanh nghiệp thanh toán lại cho HTX các khoản trên. Hơn 2 năm qua, vụ nào chúng tôi cũng cầm chắc mức lãi từ 15% đến 25%/vụ cho mỗi trang trại”.

Lực lượng trong mối liên kết do ông Nguyễn Ngọc Hải làm đại diện rất hùng hậu, chiếm 90% sản lượng cá tra của quận Ô Môn với sản lượng 30.000 tấn/năm.

Mô hình liên kết nuôi cá tra ở xã Thới An, huyện Ô Môn, TP Cần Thơ đạt hiệu quả cao. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Mô hình liên kết nuôi cá tra ở xã Thới An, huyện Ô Môn, TP Cần Thơ đạt hiệu quả cao. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Các trang trại chăn nuôi ở Sóc Trăng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi đến ấp Cống Đôi, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, ghé thăm trang trại của ông Phạm Văn Dư. Khu trang trại rộng và bề thế với gần 100.000 con gà thịt, 60.000 con gà đẻ và 2.200 con heo nái, heo thịt. Nhìn chung, đàn heo, gà của ông Dư phát triển tốt; đầu ra, đầu vào ổn định vì đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần CP-VN. Hàng năm, lợi nhuận của ông Dư khoảng 4 tỷ đồng.

Ở huyện Châu Thành, có rất đông hộ nông nghiệp phát triển thêm nghề chăn nuôi ngoài cây lúa. Không ít hộ gia đình nuôi vài trăm con heo, hàng ngàn con gà. Số trang trại chăn nuôi có quy mô như ông Phạm Văn Dư phải có trên 40.

Theo ông Quách Văn Tây, Trưởng phòng Chăn nuôi Sở NN-PTNT Sóc Trăng, tỉnh này có 181 trang trại chăn nuôi: heo, bò thịt, bò sữa và gia cầm. Các trang trại này đều cho thu nhập khá, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Phần lớn trang trại đều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như đầu tư đồng bộ con giống, thức ăn, chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải…

Vương quốc hoa kiểng

Tỉnh Bến Tre được mệnh danh “vương quốc hoa kiểng”. Ở huyện Chợ Lách có rất nhiều trang trại trồng hoa kiểng nổi tiếng, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng. Các chủ trang trại sản xuất cây giống, hoa kiểng ở đây phất lên như diều gặp gió khi giao thông ngày càng thuận tiện, nhiều đối tác trong và ngoài nước đến liên hệ làm ăn.

Nông dân Nguyễn Văn Hóa (Chín Hóa) lai tạo ra giống sầu riêng cơm vàng hạt lép nổi tiếng khắp vùng. Năm 1996, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam mở cuộc thi “đấu xảo trái ngon” vùng ĐBSCL, ông Chín Hóa đem trái sầu riêng giống mới của mình đi tranh tài và đoạt giải A. Mỗi năm trang trại của ông Chín Hóa thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng.

Dân trồng kiểng Chợ Lách hiện đang sở hữu hàng trăm chủng loại cây kiểng trong và ngoài nước. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, họ cung ứng từ 6 đến 9 triệu sản phẩm ra thị trường. Ở trang trại của các nghệ nhân cao tuổi còn lưu giữ nhiều loại cây kiểng quý hiếm, kiểng cổ có tuổi thọ hàng trăm năm trị giá hàng tỷ đồng.

Mấy năm gần đây, nhiều chủ trang trại nổi tiếng như các nghệ nhân: Xuân Hoàng, Nguyệt Thu, Lý Hải, Bảy Xuyên… đã tạo ra được loại kiểng thú (hình 12 con giáp, các công trình kiến trúc nổi tiếng, nhà hát bằng cây sanh, cây si)…

Đặc biệt, chủ trang trại Nguyễn Văn Công (Năm Công) ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách đã xuất được nhiều lô hàng kiểng thú, nhà mát sang Singapore. Hiện mỗi năm, trang trại của nghệ nhân Năm Công sản xuất khoảng 200 căn nhà lục giác, bát giác. Riêng nhà dài 50m làm theo đơn đặt hàng của Nhật Bản, Singapore…

Huyện Chợ Lách hiện có 8.000 hộ sản xuất hoa kiểng, cây giống (chiếm 30% số hộ dân tại địa phương). Mỗi năm nơi đây cung ứng cho thị trường từ 6-8 triệu sản phẩm hoa kiểng, 16- 20 triệu cây giống các loại, thu lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng.

Trang trại ở ĐBSCL đa dạng, phong phú. Mỗi mô hình có cách làm ăn khác nhau nhưng quy tụ họ làm ăn giỏi và biết liên kết với các đối tác để thành công và đáng được nhân rộng.

ĐBSCL hiện đang xuất hiện khá nhiều trang trại sản xuất mô hình mới: nuôi cá rô đầu vuông và cá hô.

Năm 2008, ông Nguyễn Văn Khải, một chủ trang trại nuôi thủy sản ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang phát hiện khoảng 80 con cá rô đầu vuông lẫn trong ao nuôi cá rô đồng của mình. Khi thu hoạch ao cá, ông thấy những con cá rô đầu vuông có hình dạng lạ so với cá rô thường, vóc dáng to, thân dài, đầu có hình hơi vuông, môi trề, bụng sệ, đuôi dài nên quyết định giữ lại làm giống.

Vụ nuôi đầu tiên, cá rô đầu vuông lớn rất nhanh, đạt trọng lượng 100 - 150g/con chỉ sau 3 tháng. Thịt cá rô đầu vuông rất ngọt, thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Thu hoạch 11 tấn cá rô đầu vuông thịt vụ đầu, bán cho thương lái 30.000 đồng/kg, ông Khải lời gần 200 triệu đồng, hiệu quả gấp nhiều lần so với cá rô đồng.

Trang trại của ông Khải đầu tư mạnh vào cá rô đầu vuông, đồng thời nhân giống cung ứng cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Từ đó, hiện rất nhiều trang trại ở Hậu Giang và các nơi nuôi cá rô đầu vuông vì giá thị trường hiện nay trên 60.000 đồng/kg. Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đang hoàn tất thủ tục đăng ký thương hiệu cho loại cá đặc sản này.

Lê Bình - Bình Đại


Bài 2: Cầm cự và vỡ nợ

Không phải địa phương nào làm kinh tế trang trại cũng phát triển. Thực tế cho thấy, kinh tế trang trại đã bộc lộ nhiều bất cập dẫn đến phá sản hàng loạt. Cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế trang trại hầu như rất khó đến tay những đối tượng được hưởng.

Phá sản hàng loạt

Trong 7 năm thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư cho kinh tế trang trại, Trà Vinh đã chi gần 80 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, bao gồm trả lãi vay hỗ trợ cho nông dân  61,7 tỷ, hỗ trợ bò giống 2,4 tỷ đồng, heo giống 1,4 tỷ đồng, quạt bơm ao nuôi tôm 11,7 tỷ đồng… Bình quân, một trang trại doanh thu 33 triệu đồng, hiệu quả rất thấp so với tiềm năng và nguồn vốn đầu tư…

Năm 2000, thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước, Trà Vinh là một trong những tỉnh đầu tiên của ĐBSCL chú trọng đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Từ chỗ 76 trang trại (năm 2001), chỉ một năm sau  tổng số trang trại đã tăng lên 3.200. Sở dĩ số trang trại của Trà Vinh tăng lên chóng mặt như vậy là do chính sách ưu đãi của Nhà nước và tỉnh, nhưng giờ còn khoảng 1.820 trang trại, phần lớn hoạt động cầm chừng, làm ăn kém hiệu quả, vỡ nợ.

Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi heo của ông Hoàng Văn Hỏn, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Dãy chuồng trại được đầu tư quy mô, trị giá hàng trăm triệu đồng đã bỏ trống. Ông Hỏn kể: “5 năm trước, tôi làm trang trại nuôi heo nái và heo con. Xui quá, gặp dịch đàn heo nái 28 con và 200 heo con chết sạch. Tài sản tôi đầu tư vào đây 300 triệu đồng cộng với 100 triệu đồng vay ngân hàng tiêu tan hết. Ngân hàng đang đòi phát mãi căn nhà tôi ở để trả nợ”.

Ở huyện Châu Thành có 3 trang trại tan hoang. Một chủ trang trại đã bỏ nhà đi xứ khác để trốn nợ. Trang trại bò sữa thì vừa ra đời đã “chết”.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy, cán bộ Phòng NN-PTNT, huyện Châu Thành có 225 trang trại nhưng đến thời điểm này chỉ còn 8.

Ở huyện Tiểu Cần cũng trong tình trạng tương tự, lúc cao điểm có đến 232 trang trại bò giống, heo giống, tôm giống, hiện giờ 115 trang trại đã khai tử.

Trang trại nuôi heo của ông Hoàng Văn Hỏn ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đang phá sản.
Trang trại nuôi heo của ông Hoàng Văn Hỏn ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đang phá sản.

Ông Trần Văn Quân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tiểu Cần, cho rằng các trang trại ở đây phá sản là do dịch bệnh, chi phí đầu vào cao, nhưng giá bán ra thấp hoặc thị trường bấp bênh; trình độ chuyên môn và quản lý của các chủ trang trại kém nên không hiệu quả. Phong trào phát triển kinh tế trang trại khi đó diễn ra ồ ạt là vì háo hức với chính sách ưu đãi của tỉnh nên nhiều hộ chưa đủ điều kiện nhưng vẫn tìm mọi cách thành lập trang trại.

Chúng tôi đến Duyên Hải, một huyện ven biển của tỉnh Trà Vinh, ở đây có 204 trang trại nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp và sản xuất tôm giống, đã có 200 trang trại phải chuyển sang nuôi cua, cá kèo vì thất tôm sú.

Theo báo cáo của ông Lâm Văn Huynh, Phó Chủ tịch xã Long Khánh, các chủ trang trại ở đây vỡ nợ đang cầm cố đất đai ở ngân hàng gần 100 tỷ đồng. Phong trào phát triển trang trại thủy sản ồ ạt đã để lại hậu quả nghiêm trọng là ô nhiễm môi trường dẫn đến tôm sú chết trên diện rộng, người nuôi phá sản, đất nuôi tôm giờ kêu bán trả nợ ngân hàng nhưng chẳng ai mua.

Không chỉ ở Trà Vinh, mấy năm qua nhiều chủ trang trại nuôi tôm vùng kháng chiến cũ gồm 6 xã của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) và một số địa phương của tỉnh Bạc Liêu; các vùng nuôi cá tra ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ cũng sống dở chết dở vì thất bát, phá sản, treo ao hầm.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho thấy: tỉnh này có hơn 50% trang trại nuôi cá tra lâm vào cảnh trắng tay, số còn lại phải chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác để kiếm tiền trả nợ ngân hàng, cầm lại đất đai, nhà cửa. Được biết, lúc thịnh hành Đồng Tháp có hơn 4.600 trang trại, nhưng nay chỉ còn chưa tới 100, trong đó hộ nuôi cá đếm trên đầu ngón tay.

Chúng tôi đến cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nơi từng được mệnh danh là “cù lao tỷ phú”. Hàng trăm trang trại phất lên giàu có nhờ nuôi cá tra trúng đậm mấy năm liền. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, Tân Lộc được biết đến với biệt danh khác, “cù lao mắc nợ”, vì nuôi cá tra thua lỗ.

Chính sách hỗ trợ không đến được trang trại

Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế trang trại như thuế, tín dụng, đất đai, lao động, xúc tiến thương mại, tiêu thụ… nhưng phần lớn chính sách này không đến được các chủ trang trại. Hầu hết chủ trang trại “tự bơi” để trang bị tư liệu sản xuất, nguồn vốn, tìm đầu ra cho hàng hóa.

Bài học rút ra từ thực tế mô hình kinh tế trang trại ở ĐBSCL là quá trình hình thành và phát triển thời gian qua đều mang tính tự phát, quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, thiếu quy hoạch vùng sản xuất tập trung và mang tính chiến lược bền vững. Sản phẩm hàng hóa làm ra sản lượng, chất lượng chưa cao, không đồng nhất và bấp bênh trong tiêu thụ. Trình độ khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa phục vụ sản xuất của các chủ trang trại còn nhiều hạn chế.

Dù làm ăn rất hiệu quả, có uy tín nhưng nhiều năm qua, ông Nguyễn Lợi Đức, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (có 100 ha) vẫn phải tự bươn chải bán sản phẩm, không liên kết được với các doanh nghiệp nhà nước để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Lợi Đức phản ánh: “Hợp tác với doanh nghiệp nhà nước khó lắm, nhất là khi ký hợp đồng họ đều giành phần lợi về mình. Hiện nay tôi đang cần đầu tư một nhà kho rộng 1.000m², tạm trữ được 1.000 tấn lúa và hệ thống xay xát, lau bóng, đóng bao và chế biến gạo xuất khẩu, chi phí khoảng 800 triệu đồng nhưng không được vay vốn ngân hàng và chưa tìm ra đối tác thích hợp để hùn hạp làm ăn”.

Theo ông Đức, dù là khách hàng thân thiết, uy tín, ngân hàng cũng chỉ cho vay tối đa từ 50% đến 70% giá trị tài sản hiện có. Khi xin vay vốn theo Nghị định 41/2010 của Chính phủ thì ngân hàng nói trung ương chưa rót vốn nên không cho vay được.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn tỉnh An Giang, Nguyễn Văn Mì, cũng nhìn nhận như vậy. Ông nói: “Chúng tôi đang tìm cách giúp các trang trại có thêm vốn nhưng khi chủ trang trại xin vay vốn của Chính phủ, mắc phải thủ tục rườm rà khiến họ nản lòng, không muốn đầu tư phát triển sản xuất lớn”.

Còn ở tỉnh Bến Tre, ngay từ năm 2003 đã có chỉ thị và quy định về thực hiện một số chính sách ưu đãi cho kinh tế trang trại theo hướng khuyến khích phát triển. Thế nhưng đến thời điểm này tỉnh chỉ cấp giấy chứng nhận cho 432 trang trại, quá ít so với thực tế hơn 4.000 hộ sản xuất đạt các tiêu chí trang trại. Nguyên nhân là cơ sở triển khai chậm, chưa phổ biến rộng trong dân. Theo đó, một số xã không quan tâm tuyên truyền chủ trương, chính sách về kinh tế trang trại; việc phối hợp giữa phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và các ngành liên quan chưa đồng bộ; cán bộ cơ sở kiêm nhiệm nhiều việc không chuyên sâu, chậm trễ, lúng túng trong triển khai hỗ trợ lập chứng từ thanh quyết toán, thiếu kinh phí thẩm định công nhận trang trại…

Trong khi đó, về nguyên tắc chỉ có trang trại được cấp giấy chứng nhận mới được tiếp cận các chính sách ưu đãi của trung ương và địa phương. Trong số các trang trại có giấy chứng nhận, số trường hợp được hưởng các chính sách hỗ trợ rất thấp. “Đa phần các trang trại chưa tiếp cận được các nguồn ưu đãi của chính phủ, ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư sản xuất, kinh doanh” - ông Hồ Văn Thiệt, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, thở dài.

Ông Nguyễn Minh Hiền, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn Cần Thơ, cho biết sau gần 10 năm hình thành và phát triển, thành phố này hiện có 1.330 trang trại. Kinh tế trang trại có bước phát triển khá, tạo ra vùng sản xuất tập trung, quy mô, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Bình quân mức đầu tư ban đầu 140 triệu đồng và thu nhập bình quân 90 triệu đồng/trang trại/năm (có không ít trang trại doanh thu 300 - 400 triệu đồng/năm). Nhưng thực tế, Cần Thơ chỉ có 4 trang trại được cấp giấy chứng nhận, do đó khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi thấp. Có một thực tế khác là không ít hộ dân đạt các tiêu chí trang trại nhưng lại không muốn đăng ký vì lo ngại khó được hưởng các chính sách ưu đãi, trong khi phải đóng thuế thu nhập.

L.BÌNH - B.ĐẠI - Đ.CẢNH


Bài 3: Liên kết vùng sản xuất hàng hóa lớn

Kinh tế trang trại chỉ thành công khi nó là mục đích tự thân của chủ trang trại, khi họ có đủ điều kiện và các yếu tố cơ bản của một hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, chứ không thể phát triển theo phong trào.

Các trang trại tại vùng chuyên canh sầu riêng xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thu lợi nhuận cao nhờ kỹ thuật cho trái nghịch vụ.

Các trang trại tại vùng chuyên canh sầu riêng xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thu lợi nhuận cao nhờ kỹ thuật cho trái nghịch vụ.

Mô hình liên kết, hợp tác xã thành công

Không thể phủ nhận, phần lớn kinh tế trang trại của ĐBSCL thời gian qua phát triển theo phong trào. “Nhà nhà làm trang trại” đã thất bại thảm hại.

Chúng tôi đến 6 xã vùng kháng chiến cũ của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, đau lòng chứng kiến nuôi tôm sú theo phong trào thất bại. Nhiều cánh đồng nuôi tôm sú thất bát giờ bỏ trống, muốn cải tạo trồng lúa cũng không xong. Khi có phong trào nuôi tôm ở Sóc Trăng, các chủ trang trại này hăng hái lắm, bao nhiêu tài sản của gia đình đem thế chấp để vay vốn ngân hàng, đào ruộng lên vuông nuôi tôm.

Thực tế đã có vài ba vụ trúng, tuy nhiên do làm ăn riêng lẻ, chẳng ai quan tâm đến hệ thống thủy lợi, người nuôi tôm chết tháo ra sông rạch và người khác lấy nước vào vuông tôm đang nuôi, vậy là tôm chết hàng loạt. Người dân ở đây nợ ngân hàng phải đến hàng trăm tỷ đồng chưa trả nổi. Tuy nhiên, vẫn có những mô hình làm ăn hiệu quả.

Kinh nghiệm nuôi tôm sú của các trang trại thuộc cánh đồng Năn (5.000 ha), xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng  đem lại hiệu quả kinh tế cao là một minh chứng hùng hồn của một hướng phát triển liên kết và đầu tư bền vững.

Các trang trại ở đây hùn hạp làm kinh mương thoát nước và dẫn nước, làm đường sá để vận chuyển nguyên vật liệu, liên kết rất chặt chẽ với các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Vì thế các trang trại nuôi tôm ở đây làm ăn có hiệu quả, đầu ra ổn định.

Mô hình hợp tác xã nuôi cá tra do ông Nguyễn Ngọc Hải ở xã Thới An, quận Ô Môn cũng là một bài học kinh nghiệm. Các chủ trang trại ở đây đồng tâm liên kết với một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra để tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp đầu tư toàn bộ thức ăn đủ chuẩn cho các chủ trang trại; hợp tác xã đảm nhận phần con giống, thuốc, công chăm sóc, kỹ thuật chăn nuôi, sau khi thu mua, doanh nghiệp thanh toán lại toàn bộ các khoản trên (gọi là tiền công).

Nhờ vây, các trang trại nuôi cá tra ở đây năm nào cũng có lãi từ 10% đến 25%, không sợ lỗ vốn vì thời giá.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Nguyễn Văn Mì, đánh giá: 220 trang trại đang làm ăn có hiệu quả của huyện chỉ chiếm 10% diện tích đất nông nghiệp (khoảng 4.000 ha). Như vậy, nếu biết cách làm ăn, hiệu quả khai thác giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất nông nghiệp rất lớn, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Tự tìm giải pháp cho vấn đề được mùa mất giá, nâng cao giá trị hạt lúa, huyện Tri Tôn đang xúc tiến chương trình liên kết các chủ trang trại và nông dân sản xuất giỏi để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa lớn. UBND huyện đóng vai trò trung gian để chủ trang trại và doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu, xuất khẩu ổn định.

Nhiều chủ trang trại ở Tri Tôn rất tán thành cách làm này và sẵn sàng tham gia. Họ cho rằng liên kết để xây dựng vùng chuyên canh lúa thơm chất lượng cao, xuất khẩu của Tri Tôn không khó, bởi hiện nay các chủ trang trại đều hiểu với quy mô trang trại chỉ vài chục, vài trăm hécta nếu không liên kết thì không thể làm ăn lớn, tạo ra số lượng hàng hóa lớn đáp ứng yêu cầu của khách hàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nếu tìm được doanh nghiệp lớn, bao tiêu xuất khẩu ổn định thì quá tốt, còn không các chủ trang trại liên kết xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn. Trong đó, khẳng định thương hiệu gạo đặc sản Tri Tôn, chất lượng đồng nhất và hợp tác thành lập công ty xuất khẩu gạo trực tiếp.

Cần chính sách ưu đãi để hỗ trợ phát triển

Ông Nguyễn Minh Hiền, Chi cục phó Chi cục phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Để tiếp tục khuyến khích mô hình kinh tế trang trại phát triển, chúng tôi đề xuất UBND TP Cần Thơ ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ.

Theo đó, cần xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại phù hợp với tình hình sản xuất từng địa phương như vùng sản xuất lúa, cây ăn quả, nuôi cá tra, heo, trâu bò và gia cầm…; mở lớp đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ thuật sản xuất cho các trường hợp đạt các tiêu chí thành lập trang trại”.

Đặc biệt, ông Hiền cũng nhấn mạnh, làm sao cho các chính sách về vốn, thuế, đất đai, xúc tiến thương mại nhanh chóng đến tay các chủ trang trại mới kích thích họ đầu tư sản xuất hiệu quả cao. Hơn 10 năm hình thành và phát triển kinh tế trang trại, một thực tế không thể chối cãi là các địa phương ĐBSCL chưa quan tâm đúng mức để tạo điều kiện tốt cho loại hình kinh tế này phát triển mạnh mẽ.

Thậm chí, có địa phương chưa ban hành các chính sách khuyến khích kinh tế trang trại. Tỉnh Trà Vinh từng có số lượng trang trại phát triển ồ ạt rồi phá sản hàng loạt nhưng đến nay vẫn chưa có một hội nghị chuyên đề phân tích sâu vấn đề này để tìm ra những giải pháp căn cơ hơn.

Một số chuyên gia kinh tế của ĐBSCL cho rằng, các trang trại phát triển mạnh, làm ăn hiệu quả sẽ có đầu tư đúng mức, tiếp cận và ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện môi trường.

Đặc biệt là nhờ sản xuất ở quy mô trang trại lớn và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ tạo sản phẩm số lượng lớn, đồng nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ những mô hình kinh tế trang trại áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn sẽ rất thuận tiện, tiết kiệm rất lớn thời gian và chi phí…

Theo ông Trần Tuấn, Phó vụ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cần phải xác định các chính sách về kinh tế trang trại của Chính phủ ban hành trong thời gian qua là một hướng đi đúng để ĐBSCL trở thành một vùng sản xuất kinh tế nông nghiệp có quy mô, sản xuất lớn hàng hóa theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, để trả lời tại sao kinh tế trang trại ở ĐBSCL chưa thành công thì phải trở lại vấn đề cơ bản của kinh tế học, tức là trang trại sản xuất cái gì, phương thức sản xuất và giá cả ra sao, và hàng hóa sản xuất ra bán cho ai?

Đã là sản xuất kinh doanh thì không thể theo “phong trào”. Ở đây, cần nhìn nhận là không phải tất cả các trang trại đều thất bại vì vẫn còn không ít trang trại làm ăn hiệu quả. Nếu có điều kiện đi sâu phân tích những trang trại làm ăn hiệu quả này, chắc chắn sẽ thấy có nhân tố quản lý, quản trị tốt.

Tùy theo đặc điểm của từng tỉnh, thành, cơ quan quản lý nhà nước cần có tổng kết đánh giá kinh tế trang trại của địa phương mình. Từ đó có giải pháp hướng dẫn khắc phục…

Kinh tế trang trại chỉ thành công khi nó là mục đích tự thân của chính chủ trang trại và họ có đủ điều kiện các yếu tố cơ bản của một hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, không thể phát triển theo phong trào.

Lê Bình - Bình Đại

Tin cùng chuyên mục