Nông sản thua trên sân nhà

Đang có một thực trạng trớ trêu, để cạnh tranh được, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đưa ra thị trường trong nước lại phải mang những cái tên ngoại để thỏa mãn tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng: gạo thơm Thái, mận Ấn Độ, táo Úc, nho Đài Loan, quýt Trung Quốc… Dù những sản phẩm đó được sản xuất ngay trong nước. Ngoài ra, phần lớn những nông sản chất lượng cao của Việt Nam như vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, sầu riêng hạt lép Ri-6, sầu riêng cơm vàng Mong Thong, gạo Tám Xoan, gạo Nàng Thơm Chợ Đào… được xuất khẩu chứ ít cung ứng thị trường trong nước. Chính vì vậy, người Việt Nam không được ăn trái cây ngon của Việt Nam, hoặc ăn trái cây Việt Nam mà ngỡ là trái cây nước ngoài.

Trong khi đó, mặc dù đang có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng nhiều loại nông sản đang được nhập ồ ạt. Từ các loại nông sản thô trong nước đang trồng trọt như bắp cải, cà rốt, tỏi, hành lá, chuối… cho đến những sản phẩm rất thông dụng như muối, đường, tăm tre... Đó là nhập khẩu theo đường chính ngạch (có kiểm soát, có đánh thuế, có thống kê), còn nhập tiểu ngạch hoặc nhập lậu chắc chắn nhiều hơn. Trước đây, việc nhập nông sản để chế biến vẫn khá thường xuyên, giành mất thị trường của nông sản trong nước. Trong thời kinh tế hội nhập, việc giao lưu sản phẩm là đương nhiên, nhưng nếu có nguy cơ làm hại sản phẩm cùng loại trong nước, cần phải tính lại, sao cho không vi phạm các quy định của WTO mà vẫn bảo vệ được nông dân.

Nước ta có nhiều loại nông sản giữ vị trí hàng đầu thế giới nhưng lại khá bấp bênh như: hồ tiêu, cà phê, hạt điều, cá tra…, giá thu mua liên tục trồi sụt, nông dân lao đao, trong khi giá trên thị trường thế giới vẫn thường ở mức cao. Nông dân bị thương lái và nhà xuất khẩu chi phối nên luôn chịu thiệt; khi giá hạ họ bị ép đủ điều, còn khi giá cao họ cũng không có lãi nhiều, mà phần lớn lãi vào túi các DN. Ngay với chủ trương lập quỹ hỗ trợ giá đối với một số nông sản chiến lược, lợi ích trực tiếp và lớn nhất cũng dành cho các DN, chứ nông dân được lợi rất ít. Đã vậy, có không ít nông sản chỉ được xuất khẩu thô, giá trị xuất khẩu không cao, nên nông dân cũng chẳng được lợi bao nhiêu.

Nước ta đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp, nhưng đến khi đó không có nghĩa là nông nghiệp không còn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp các thực phẩm cần thiết cho nhân dân, nông nghiệp sẽ có vai trò đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp chế biến với tỷ trọng lớn hơn hiện nay. Như vậy, nông nghiệp vẫn đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế. Ở tầm vĩ mô, để nông nghiệp phát triển bền vững, làm căn bản cho sự phát triển kinh tế đất nước, cần có một chiến lược hợp lý.

TRÚC GIANG

Tin cùng chuyên mục