Người nuôi và nhà xuất khẩu tôm hợp tác vì lợi chung

Phối hợp nuôi tôm sạch
Người nuôi và nhà xuất khẩu tôm hợp tác vì lợi chung

Phối hợp nuôi tôm sạch

Cho đến nay, tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, trong số 4,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu dự kiến năm 2010, riêng con tôm đã chiếm 2 tỷ USD. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trần Thiện Hải, với con số này, năm nay xuất khẩu tôm tăng khoảng 20% về giá trị và 15% về số lượng. Đây là điều khá bất ngờ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dù đã hồi phục nhưng còn nhiều khó khăn. Nhu cầu tôm trên thị trường thế giới năm 2011 được nhận định là vẫn tốt. Người nuôi tôm sú thời gian qua có thu nhập cao, nhiều trường hợp 1 lời 1/vụ, vì vậy, hiện nay người dân ven biển đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu nuôi lại tôm sú khi mà giá tôm đang ở mức cao nhất trong 10 năm qua.

Lãnh đạo VASEP và MTSA ký thỏa ước hành động nuôi tôm sạch.

Lãnh đạo VASEP và MTSA ký thỏa ước hành động nuôi tôm sạch.

Như vậy, sau nhiều năm người dân lao đao vì tôm chết do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và sau đó là giá tôm sú giảm mạnh, thậm chí có lúc tương đương với tôm thẻ chân trắng, làm diện tích nuôi giảm mạnh, nay nhu cầu thị trường bắt đầu quay lại mặt hàng này, tôm sú trở thành mặt hàng thủy sản mà người nuôi có thu nhập rất cao, như đầu những năm 2000, thời điểm được xem là hoàng kim, siêu lợi nhuận.

Nhưng cũng theo ông Trần Thiện Hải, kèm theo nhu cầu tăng trở lại thì yêu cầu về chất lượng ngày càng khắt khe, từ vấn đề dư lượng Chloramphenicol, sau đó là Malachite green, giờ đây đến lượt dư lượng Trifluralin mà Nhật Bản vừa phát hiện và công bố sẽ kiểm tra 100% lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam đang gây không ít khó khăn cho cả doanh nghiệp xuất khẩu mà cả người nuôi.

Vì vậy, việc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (MTSA) tỉnh Sóc Trăng cùng ký kết thỏa ước phối hợp hành động nuôi tôm sạch là một hành động được ví như hai bên (người nuôi và nhà chế biến xuất khẩu) đứng chung một chiến hào, cùng liên kết lại thay vì chỉ trích lẫn nhau chỉ lo quyền lợi riêng từng phía, trong khi nuôi, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu là một chuỗi quy trình khép kín, cần chia đều lợi nhuận cũng như trách nhiệm lẫn nhau.

Chủ tịch MTSA Nguyễn Văn Nhiệm cho rằng, khi nhà máy chế biến khó khăn thì người nuôi cũng sẽ khó khăn. Do vậy, phải làm sao để cả hai cùng “thắng”, cùng thuận lợi và cùng phát triển, chỉ như vậy mới có thể phát triển bền vững và căn cơ. Để xuất khẩu tôm vào thị trường nào thì phải thỏa mãn các yêu cầu của thị trường trường đó và muốn bán được giá trong thời buổi cạnh tranh thì phải có sản phẩm chất lượng cao. Khi doanh nghiệp chế biến xuất khẩu được giá cao thì người nuôi mới hy vọng lời nhiều. Do đó, hai hiệp hội phải phối hợp hành động để tạo ra con tôm sạch Việt Nam có uy tín và thương hiệu trên trường quốc tế.

Mô hình cần được nhân rộng

Theo ông Hồ Quốc Lực, Phó Chủ tịch VASEP, để có được mối lương duyên này, hai bên mất hơn một năm thăm dò, tìm hiểu, cuối cùng mới thỏa thuận chung sống với nhau. Hy vọng, mô hình liên kết này sẽ bền vững và được nhân rộng ra các vùng nuôi khác để tạo ra con tôm sạch Việt Nam. Với sự hợp tác này, VASEP và MTSA cùng trao đổi thông tin, số liệu về tình hình nuôi, chế biến và nhu cầu thị trường xuất khẩu tôm trong và ngoài nước; phối hợp trong việc quản lý chất lượng tôm nuôi, cùng hỗ trợ các chương trình nuôi tôm sạch. Người nuôi tôm được giải đáp những thắc mắc trong quá trình nuôi trồng, tránh việc sử dụng dư lượng hóa chất và kháng sinh vượt mức cho phép hoặc cấm sử dụng dẫn đến việc bị kiểm tra hoặc bị trả về.

Qua đó, giúp ngành nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu đi vào ổn định, bền vững, tạo ra tôm nguyên liệu sạch. Hai bên cũng sẽ phối hợp trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, động viên các hội viên phối hợp, liên kết với hội viên đối tác hợp tác về các mặt như hỗ trợ đầu tư, xây dựng các chương trình quản lý nuôi tôm, tiêu thụ sản phẩm, hợp tác với nhau các chương trình mục tiêu riêng mà các bên quan tâm. Những thông tin mới, sắp xếp và tổ chức các sự kiện nhằm phát triển hợp tác giữa hai hiệp hội trong công tác quản lý chất lượng từ nuôi trồng, tiêu thụ đến chế biến với sự tham gia của các đơn vị đối tác nằm trong chuỗi tạo ra giá trị con tôm như cơ sở sản xuất con giống, thức ăn, thuốc thú y… với người nuôi và cơ sở chế biến. Hy vọng sự hợp tác này sẽ là nhân tố tạo ra xu hướng mới, không chỉ cho ngành tôm ở Sóc Trăng mà còn ở các tỉnh khác cũng như những lĩnh vực khác. Bởi đó là con đường duy nhất để cả hai bên cùng tồn tại và phát triển.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục