Sáng kiến của nông dân Cà Mau

Nuôi tôm bằng... lá mắm

Làm đại, trúng thật
Nuôi tôm bằng... lá mắm

Bên cạnh sự hiện diện của các mô hình nuôi tôm sú như: công nghiệp, bán công nghiệp, quảng canh cải tiến… thời gian qua, nhiều chủ vuông tôm ở Cà Mau có cách nuôi tôm rất lạ mà ngành chức năng nơi đây chưa thể lý giải tường tận: cho tôm ăn lá cây mắm (một loài cây rất phổ biến ở ven biển vùng bán đảo Cà Mau). Cách nuôi này đã và đang giúp nhiều nông hộ vươn lên khá, giàu…

Ông Hai Bông bên vuông tôm đã cắm nhánh mắm. Ảnh: T.NGUYỄN

Ông Hai Bông bên vuông tôm đã cắm nhánh mắm. Ảnh: T.NGUYỄN

Làm đại, trúng thật

Chúng tôi tìm về vùng nuôi tôm rộng lớn ở rừng ngập mặn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đúng vào ngay con nước xổ tôm. Trên khắp cánh đồng tôm nơi đây, chủ vuông xổ nước khô mặt trảng, để lộ nhiều chà nhánh mắm. Đây là “bằng chứng” cho thấy rất nhiều nông hộ ở vùng này lấy nhánh mắm tươi để làm thức ăn cho tôm sú quảng canh.

Vào một đồng tôm có thả nhiều nhánh mắm, chúng tôi chứng kiến 3 cha con ông Hai Bông (Nguyễn Văn Bông), ở ấp Xóm Lớn Trong, xã Hàng Vịnh đang hì hục chặt từng nhánh mắm non, cắm xuống vuông tôm. Cứ cách 4m cắm 1 nhánh. Thấy tôi trố mắt nhìn, ông Hai Bông lý giải: “Chừng nửa tháng, cha con tôi lại đốn nhánh mắm quăng vào vuông tôm một lần. Sau khoảng 5 ngày, lá mắm và vỏ thân cây phân hủy, tôm ăn “nhẳm dấu” luôn. Mắm vừa làm thức ăn cho tôm, vừa giúp cải thiện môi trường nước. Sau khi ăn hết lá và vỏ, các nhánh mắm khô sẽ được gom lại thành đống chà, làm chỗ cho tôm, cua… trú ngụ khi lột xác”. Cách làm này ông Hai Bông đã thực hiện suốt 14 năm qua, chưa một lần thất bại. Nhờ vậy mà con nước nào, vuông tôm nhà ông Hai Bông cũng thu hoạch từ 8-10 triệu đồng, có khi lên đến 20-30 triệu đồng.

Vì sao có cách nuôi tôm lạ đời này? Ông Hai Bông bộc bạch: “Con cá dứa nhờ ăn trái mắm mà nó béo ngậy, thịt thơm ngon. Còn thời chiến tranh, thiếu lương thực nên nhiều người phải ăn trái mắm thay cơm, rồi nhiều cụ già ăn lá mắm thay trầu… Tôi nghỉ đơn giản, cái gì con người ăn được, cá ăn được thì tôm ăn cũng được. Vậy là tôi làm đại mà trúng thật”.

Anh Sáu Nở, con trai ông Hai Bông cưới vợ, ra riêng hơn 6 năm nay, được cha mẹ cho 2 ha đất nuôi tôm. Nhờ học hỏi cách làm của cha nên vuông tôm nhà anh trước giờ ít gặp rủi ro, mỗi lần xổ tôm trung bình anh thu được 5-6 triệu đồng. Anh tâm sự: “Không ít hộ vùng này ban đầu cười chê cách làm của cha tôi là kỳ quặc, nhưng về sau thấy nhà tôi trúng tôm nên tìm đến học hỏi, làm theo. Ít lâu sau họ trúng tôm mới “té ngửa” và làm heo ăn mừng rồi cảm ơn lia lịa”. Ông Nguyễn Thiện Thực, Trưởng ban nhân dân ấp Xóm Lớn Trong, xã Hàng Vịnh xác nhận: “Cũng học theo cách làm của gia đình chú Hai Bông mà có nhiều hộ dân vùng này liên tục trúng tôm, cua… rồi giàu lên. Bản thân tui cũng học cách làm của chú ấy, mỗi con nước xổ đều đều bỏ túi 5-7 triệu đồng”…

Hiện tại, nhiều nông hộ nuôi tôm ở Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển; xã Phú Tân, huyện Phú Tân; Tân Thuận, Tân Tiến, huyện Đầm Dơi cũng nuôi tôm bằng lá mắm như ông Hai Bông.

Lý giải khoa học

Trước thực tế này, ngành chức năng Cà Mau đã gởi mẫu nước lấy từ vuông tôm của một số hộ có thả nhánh mắm đến Khoa nuôi trồng thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ) nhờ phân tích. Kỹ sư Nguyễn Công Quốc, Trưởng phòng Quản lý nuôi, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau cho biết: “Theo kết quả phân tích mẫu nước đã gởi cho thấy: vỏ, lá mắm sau khi cho vào vuông tôm có độ mặn từ 10‰ trở lên, sau khoảng 5-7 ngày sẽ phân hủy, tiết ra một số chất nhờn. Chất nhờn ấy sẽ là thức ăn chính của nhiều ấu trùng và các loài vi sinh vật, mà đa số những loài này đều là thức ăn có lợi cho tôm nuôi. Trong lá mắm còn có một lượng đạm cố định và một phần men tiêu hóa, giúp tăng cường hệ tiêu hóa cho tôm để tôm phát triển tốt”.

Vừa qua, Trường ĐH Cần Thơ cũng đã làm một cuộc khảo nghiệm nhỏ trên bể composite, trong môi trường có sục khí oxy nhằm phân tích ảnh hưởng của các loại lá rừng, như: đước, giá, mắm… đối với môi trường nước nuôi tôm. Cuộc khảo nghiệm do PGS.TS Trần Ngọc Hải, Trưởng bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản, Khoa nuôi trồng thủy sản đảm trách. Qua đó, PGS.TS Trần Ngọc Hải khẳng định: “Lá mắm có hàm lượng đạm cao so với những lá rừng khác và phân hủy rất nhanh (3-5 ngày). Khi cho vào nước, lượng đạm trong lá mắm sẽ tăng lên nhiều do vi khuẩn phân hủy và làm thức ăn tốt cho tôm nuôi. Do có hàm lượng đạm cao nên lá mắm như một nguồn phân xanh, giúp cải thiện được màu nước trong vuông tôm và tạo điều kiện tốt cho nhiều loài tảo có lợi cho tôm sinh sản và phát triển. Vì vậy, cũng dễ hiểu lý do ngày càng có nhiều nông dân đốn nhánh mắm non cho vào vuông để làm thức ăn cho tôm”.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Ngọc Hải cũng lưu ý: “Nếu thả nhánh mắm với mật độ quá dày, lượng oxy hòa tan trong nước sẽ giảm đi nhiều, môi trường tôm nuôi sẽ bị ô nhiễm do thối nước”.

Nuôi tôm bằng lá mắm là cách làm mới của nông dân vùng “mắm trước, đước sau”. Tuy vậy, qua kết quả khảo nghiệm ban đầu chưa thể khẳng định mô hình này hữu hiệu tuyệt đối. Do đó rất cần các nhà khoa học phân tích, nghiên cứu sâu hơn để hoàn thiện phương thức nuôi tôm này, từ đó nhân rộng mô hình ở những môi trường sinh thái phù hợp.

B.Đại – T.Nguyễn

Tin cùng chuyên mục