Để trái cây không chỉ là tiềm năng

Nằm trong khuôn khổ Festival trái cây Việt Nam, ngày 20-4, tại Tiền Giang, trên 500 đại biểu đến từ các bộ ngành trung ương, Sở NN-PTNT các tỉnh, các nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức quốc tế, nhà vườn… cùng tham dự hội thảo “Trái cây Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Đây là hội thảo nhằm tháo gỡ những tồn tại, tìm ra hướng đi mới thúc đẩy ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây phát triển bền vững.
Để trái cây không chỉ là tiềm năng

Nằm trong khuôn khổ Festival trái cây Việt Nam, ngày 20-4, tại Tiền Giang, trên 500 đại biểu đến từ các bộ ngành trung ương, Sở NN-PTNT các tỉnh, các nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức quốc tế, nhà vườn… cùng tham dự hội thảo “Trái cây Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Đây là hội thảo nhằm tháo gỡ những tồn tại, tìm ra hướng đi mới thúc đẩy ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây phát triển bền vững.

  • Cơ hội lớn - hạn chế cũng lớn

Báo cáo đề dẫn hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam báo tin vui: Trái cây nước ta đang đứng trước cơ hội lớn để tăng tốc.

Ông Sáu Hớn bên vườn chôm chôm đạt tiêu chuẩn quốc tế Global GAP - bán giá rất cao. Ảnh: HUỲNH LỢI

Ông Sáu Hớn bên vườn chôm chôm đạt tiêu chuẩn quốc tế Global GAP - bán giá rất cao. Ảnh: HUỲNH LỢI

Qua số liệu thống kê kim ngạch xuất khẩu trái cây nói riêng, rau quả nói chung từ năm 2004 đến nay tăng liên tục. Năm 2004, cả nước xuất khẩu rau quả đạt 179 triệu USD, năm 2005 tăng lên 235 triệu USD, năm 2006 là 259 triệu USD và năm 2009 nhảy vọt lên 439 triệu USD; bình quân tăng 20%/năm. Nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới trên thế giới rất cao, trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết giá cả trái cây ở các nước đang rất hấp dẫn nhà sản xuất - xuất khẩu. Đơn cử như trái thanh long tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, trong khi xuất sang thị trường Hoa Kỳ giá bán đến 11 USD/kg; Nhật Bản là 23 USD/kg; châu Âu 5,5 USD/kg…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định thị trường tiêu thụ trái cây rất rộng và Việt Nam là nước có điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, đến nay tình hình xuất khẩu trái cây bộc lộ nhiều hạn chế, giá trị mang lại chưa phản ánh đúng tiềm năng. Ngoài những nhược điểm cơ hữu như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp, giá thành cao… thì vấn đề bức xúc là mặt hàng trái cây của ta chưa có thương hiệu, chưa mang tính đặc trưng nên rất khó cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Ông Tạ Văn Hội, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) thốt lên: “Xứ Lai Vung nổi tiếng với trái quýt hồng đặc sản vừa ngon vừa đẹp, trong khi quýt Trung Quốc chất lượng không bằng nhưng vẫn qua tận đây bán tràn lan và lấn lướt quýt nội. Điều này cho thấy, trái cây của ta dù ngon nhưng chiến lược tiếp thị, quảng bá quá kém đã dẫn đến tình trạng “thua trên sân nhà” một cách đáng tiếc”.

  • Đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu đặt vấn đề: Nhiều năm qua chúng ta cứ nói xây dựng vùng chuyên canh trái cây lớn từ 1.000 - 2.000ha trở lên, song song đó thành lập hợp tác xã đứng ra tiêu thụ trái cây cho nông dân, nhưng vì sao đến nay không làm được? Từ việc sản xuất theo kiểu “cá thể” nên không thể áp dụng được cơ giới hóa và không có được sản lượng trái cây lớn phục vụ xuất khẩu quanh năm.

Theo tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), không thể để tái diễn mãi điệp khúc “được mùa - rớt giá” nhà vườn lao đao. Khắc phục việc này cần nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và Nhà nước phải đứng ra là người “chỉ huy”. Hiện tại, người dân có nhu cầu cải tạo vườn, họ cũng muốn vào HTX, muốn xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa lớn… Vấn đề ở chỗ là thiếu vốn, trong khi ngân hàng thì chưa mạnh dạn cho dân vay dài hạn vì sợ rủi ro.

Do đó, để cải tạo sản xuất theo tình hình mới, Nhà nước nên chỉ đạo ngân hàng vào cuộc, ưu tiên vốn cho việc xây dựng vùng chuyên canh. Ngoài ra cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, kho mát để dự trữ trái cây phục vụ xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, bộ đã phê duyệt quy hoạch phát triển cây ăn trái đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020. Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khuyến nông, giống, nâng cao chất lượng. Tổ chức cho người dân sản xuất cùng chủng loại trái cây để liên kết thành HTX, từ đó kiểm soát chất lượng, dư lượng thuốc trừ sâu, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP… Mục tiêu trước mắt, phát triển 1 triệu ha trái cây trong năm 2010, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL, Đông Nam bộ và miền núi phía Bắc.

Phát biểu tại hội thảo, ông Huang Guodi, Viện Nghiên cứu cây trồng bán nhiệt đới Guangxi (Trung Quốc), chia sẻ kinh nghiệm và chính sách phát triển vùng chuyên canh lớn ở Trung Quốc. Theo ông Huang Guodi để có được 10 triệu ha cây ăn trái với sản lượng 105,2 triệu tấn, chiếm 20% tổng sản lượng trái cây toàn cầu, Trung Quốc có chiến lược phát triển rất căn cơ.

Từ năm 1949, Trung Quốc đã quan tâm đầu tư cho trái cây, đến thập niên 1980 đã thành công với những giống ngon và phổ biến kỹ thuật tiến bộ để người dân áp dụng. Giai đoạn đầu, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp tài chính, giảm thuế, ưu tiên cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất trái cây, khen thưởng những hộ làm giỏi, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất đa cấp, đa ngành, kênh phân phối…

Nhờ đó ngành trái cây phát triển không ngừng và trở thành ngành chính trong nông nghiệp của Trung Quốc. Trong khi đó, ông Sakda Sinives, Cục Khuyến nông Bangkok (Thái Lan), cho biết để phát triển trái cây, Thái Lan chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là trái cây mùa vụ như: xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, mãng cầu, măng cụt và vải. Nhóm thứ hai là trái cây cho quả quanh năm như: khóm, chuối, đu đủ và mít. Từ sự phân loại trên để có chính sách đầu tư và định hướng sản xuất phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nên trái cây Thái Lan luôn tươi và có mặt ở chợ quanh năm.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, những kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan… rất cần thiết để chúng ta nghiên cứu, ứng dụng. Đã đến lúc không thể nói mãi “tiềm năng”, mà phải xắn tay vào thực hiện và cần làm nhanh

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục