Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL

(SGGP). – Ngày 21-4, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL” với sự tham dự của các nhà khoa học thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, môi trường... Đây là sự kiện mở đầu cho chương trình Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL Kiên Giang 2010 (MDEC Kien Giang 2010).

Hiện nay, ĐBSCL đóng góp khoảng 18% GDP của cả nước. Tuy nhiên, thực tế phát triển kinh tế ở ĐBSCL đến nay vẫn có xu hướng là khai thác tiềm năng tự nhiên nông nghiệp hiện có, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi còn hạn chế... nên chưa tạo được bước phát triển đột phá, tương xứng với tiềm năng lợi thế. Đặc biệt, tuy ĐBSCL được xem là “vựa thóc, mỏ tôm, cá” của quốc gia, nhưng đến nay, nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt trước tình trạng xâm ngập mặn sâu vào nội đồng, mưa lũ, hạn hán và nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách, chiến lược và phát triển nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, phát triển nông nghiệp bền vững cần tính tới việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên khan hiếm một cách hiệu quả và không ảnh hưởng tới khả năng sử dụng và làm mới lại các nguồn lực này.

Đối với ĐBSCL, hai nguồn lực tự nhiên quan trọng nhất là đất và nước. Riêng về chiến lược quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, cần tập trung khai thác lợi thế so sánh của các địa phương trong vùng và so với các vùng khác trong cả nước. Ngoài ra, để sử dụng nguồn nước hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngập lũ, ngập mặn..., chiến lược quy hoạch thủy lợi cần hướng tới thay đổi, thích nghi với điều kiện tự nhiên. 

Giáo sư Phạm Văn Biên, nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, nhận định, vùng ĐBSCL ngày càng định hình rõ diện mạo của mình về ưu thế sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây. Nhưng hạn chế lớn nhất là sản xuất manh mún, thiếu liên kết, còn hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ… Do đó, chưa thật sự tạo ra được bước đột phá trong phát triển, khai thác tiềm năng của vùng đất vốn có nhiều lợi thế về tài nguyên sông, biển.

Đ. Phiên

Tin cùng chuyên mục