Chuyện ông chủ ao ba ba

Chuyện ông chủ ao ba ba

Tạ An Khương là xã nghèo của một huyện nghèo (huyện Đầm Dơi) tỉnh Cà Mau. Xã bị phân chia bởi những kênh rạch chằng chịt, phương tiện di chuyển của bà con chỉ là những con đò mỏng manh. Số hộ nghèo theo chuẩn cũ thì nhiều, nhưng theo chuẩn mới “chỉ còn” 332 hộ (chiếm 15% số hộ trong xã).

Những năm trước, tổng sản lượng nuôi trồng thủy, hải sản ở đây luôn thấp hơn kế hoạch do chính quyền xã đề ra. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân và nhiều chương trình đào tạo việc làm, ở xã còn xuất hiện những gương điển hình tự vượt qua đói nghèo bằng những cách làm rất hay. Anh Kiều Khắp Nơi, ngụ ấp Cây Còng, một đảng viên trẻ là một điển hình.

Gia đình anh Kiều Khắp Nơi có thêm thu nhập nhờ nuôi ba ba và ếch giống. Ảnh: THÁI BẰNG

 Gia đình anh Kiều Khắp Nơi có thêm thu nhập nhờ nuôi ba ba và ếch giống. Ảnh: THÁI BẰNG

Sau khi xuất ngũ, về tham gia sinh hoạt ở địa phương, Nơi thấy cuộc sống của anh em trong chi đoàn đều khó khăn. Chợt nhớ lại hồi còn trong bộ đội, mấy anh lớn tuổi có chơi hụi tiết kiệm xoay vòng và ai cũng có một khoản tiền nho nhỏ về thăm nhà. Nơi đem chuyện ra bàn với chi đoàn cùng đề xuất phương án nuôi ba ba và ếch bằng vốn góp ấy. Họ đồng ý mỗi người góp vốn 20.000 đồng. Kiều Khắp Nơi xung phong nhận số vốn 1 triệu đồng, cộng thêm 100.000 đồng của riêng, Nơi và anh Hai đào 2 ao nuôi ba ba và ếch ở phía sau nhà. Vợ và mẹ anh thì chèo đò đi vớt bèo, lục bình, rong về thả vào ao nuôi ba ba. 100 con ba ba giống và 100 con ếch giống được người em trai vừa tốt nghiệp Đại học Thủy sản chọn mua giúp từ trại giống ở Cần Thơ.

Ba ba được nuôi bằng cơm nguội bóp nát hay tôm tép xúc từ dưới sông bằm nhuyễn, ếch con chăm bằng cám heo và cua, tôm bằm nhuyễn nên chúng lớn từng ngày. Chiều chiều cả nhà cười nói râm ran bên cạnh ao nuôi ba ba, ao nuôi ếch nhìn chúng lớn từng ngày. Sau 3,5 tháng, Nơi giữ lại 500 con giống và xuất bán lứa ba ba và ếch đầu tiên, thu về 2 triệu đồng. Với số tiền này Nơi làm ao cho 4 bạn khác trong chi đoàn cùng với 100 con giống tốt mỗi loại.

Anh Huỳnh Văn Trung, Bí thư Chi đoàn ấp Cây Còng đã mời Kiều Khắp Nơi đi nói chuyện mô hình nuôi ba ba và ếch đồng cho thanh niên trong ấp. “Mình chẳng có nhiều tiền giúp anh em, chỉ có chút kinh nghiệm làm ăn và sự quyết tâm thoát nghèo để truyền lửa cho thanh niên nông thôn. Đảng và chính quyền đã giúp con mình tiền đò đến trường thì mình phải tích cực nuôi con cái ăn học, chỉ có học mới giúp đời sau mình phát triển”, Kiều Khắp Nơi nói thế khi anh cặm cụi cắt nhỏ những con cá vừa giăng lưới được dưới sông để làm thức ăn cho ba ba. Hai cu con của Nơi chạy lăng xăng giúp cha cho ba ba ăn trong khi mẹ và vợ Nơi chăm chút đám ếch đồng đang kêu ộp oạp bên kia nhà.

Tiễn chúng tôi ra mé sông, Kiều Khắp Nơi nhìn về phía xa nói: “Em ước mình mượn được chừng 5 - 10 triệu đồng nữa sẽ gầy nơi đây thành trại ba ba và ếch giống, làm ăn khá lên mình sẽ giúp việc làm cho nhiều thanh niên khác. Nói thiệt, giúp thiệt thanh niên sẽ tin lời Đảng nói dễ dàng hơn…”.

Tôi nhìn thật kỹ người đảng viên trẻ ở nông thôn đang bày tỏ quyết tâm vượt nghèo, thoát đói bằng trái tim đỏ rực niềm tin vào ngày mai.

Phạm Thục

Tin cùng chuyên mục