ĐBSCL: Hướng tới nông sản chất lượng cao

Liên kết để phát triển
ĐBSCL: Hướng tới nông sản chất lượng cao

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với nhiều mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu như lúa gạo, thủy sản, trái cây… Tuy nhiên, vấn đề bức bách đặt ra là làm sao để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình. Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao được xem là hướng đi đột phá để phát triển bền vững.

Nông dân đưa sản phẩm đi tiêu thụ. Ảnh: T.CHÁNH

Nông dân đưa sản phẩm đi tiêu thụ. Ảnh: T.CHÁNH

Liên kết để phát triển

Ở vùng duyên hải ĐBSCL nói đến mô hình nuôi tôm sú chất lượng cao nhiều người nghĩ ngay đến ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đến trang trại tôm Sáu Ngoãn những ngày sau Tết Tân Mão, ông Ngoãn khoe: “Giá tôm đang cao chót vót, từ 250.000 - 260.000 đồng/kg (loại 20 con) kích thích người nuôi vào vụ với tinh thần phấn chấn”.

Đi một vòng trang trại tôm rộng 30ha khá hoành tráng được đầu tư rất bài bản, Sáu Ngoãn cho biết phải mất gần 10 năm gầy dựng mới có được như hôm nay. Những năm 2001 - 2002, dịch bệnh bùng phát trên diện rộng làm tôm chết tràn lan; trong lúc hàng loạt hộ nuôi tôm điêu đứng thì Sáu Ngoãn bắt đầu vào nghề với cách làm hổng giống ai. Sau khi tìm hiểu kỹ nghề nuôi tôm, ông chọn phương pháp nuôi thưa chứ không nuôi mật độ dầy như truyền thống. Sáu Ngoãn chọn giống chất lượng và áp dụng nuôi theo mật độ chỉ 7 - 9 con/m².

Cách làm này chống được bệnh đỏ thân, đốm trắng… Với 7ha nuôi thưa, ông thu lời trên 1 tỷ đồng. Thấy mô hình nuôi thưa hiệu quả, Sáu Ngoãn đầu tư mở rộng quy mô lên 10ha, rồi 20ha, 30ha… giúp ông thu nhập mỗi năm từ 5 - 7 tỷ đồng.

Sáu Ngoãn cho biết, nhược điểm của bà con lâu nay là tham nuôi dày dẫn đến bệnh nhiều, hao hụt cao, tôm nhỏ, gây ô nhiễm môi trường. Nuôi thưa tránh được những rủi ro trên. Ngoài ra ít sử dụng hóa chất nên tạo ra con tôm sạch, tôm lớn bán được giá cao. Sở NN-PTNT Bạc Liêu đánh giá cao mô hình nuôi tôm của Sáu Ngoãn và khuyến khích người dân nhân rộng.

Thu hoạch tôm sạch ở Bạc Liêu

Thu hoạch tôm sạch ở Bạc Liêu

Trong khi đó, cá tra được xem là ngành xuất khẩu tỷ đô nhưng nhiều hộ nuôi vẫn “mất ngủ” vì chất lượng cá không đảm bảo, thường xuyên bị doanh nghiệp chê. Khắc phục vấn đề này, một số hộ nuôi cá ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) liên kết với Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) nuôi theo mô hình “sạch” đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trạng Sư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự thừa nhận: “Nuôi cá tra chất lượng cao là hướng đi phù hợp với đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, mô hình này đã giúp bà con vươn lên làm giàu với điều kiện phải liên kết chặt với doanh nghiệp, trên tinh thần cùng có lợi”.

Theo Sở NN-PTNT An Giang, thời gian qua nghề nuôi cá đã có thay đổi tích cực; người nuôi đã liên kết với doanh nghiệp để nuôi theo “đơn đặt hàng”, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế như SQF 1000 CM của Viện Tiếp thị thực phẩm (FMI) Hoa Kỳ; Global GAP về chứng nhận sản phẩm nông nghiệp toàn cầu… nhờ đó chất lượng cá tra rất đảm bảo.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết, đến nay đã có 20 doanh nghiệp và 40 vùng nuôi cá tra được cấp chứng nhận Global GAP, nhiều doanh nghiệp khác tiếp tục triển khai, dự kiến trong 4 đến 5 năm tới, 100% vùng nuôi cá tra sẽ đạt tiêu chuẩn Global GAP.

Hình thành vùng sản xuất lớn

Nhìn chung, nông sản của ta chất lượng thấp, không đồng đều, sản lượng không ổn định và chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá thành sản xuất cao nên khó cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Mặt hàng trái cây xuất khẩu cũng vậy, tuy đã có mặt ở nhiều châu lục nhưng với số lượng không đáng kể. Vấn đề là phải có vốn lớn và ứng dụng công nghệ cao vào khâu nuôi trồng, bảo quản sau thu hoạch.

Để minh chứng điều này, ông Huỳnh Văn Sang, Phó Chủ nhiệm HTX xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị cung ứng 100 tấn xoài cát Hòa Lộc cho thị trường Nhật Bản với giá rất thuận lợi. Mấy năm qua, chất lượng xoài cát Hòa Lộc được nâng lên, theo hướng an toàn, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu. Có thể khẳng định nếu nông dân sản xuất hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thì sẽ đảm bảo tiêu thụ hết. HTX đang áp dụng tiêu chuẩn Viet Gap trong sản xuất và đến năm 2012 sẽ cố gắng lấy được tiêu chuẩn Global Gap”.

Trong khi đó, mặt hàng vú sữa Lò Rèn ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có khoảng 3.000ha sản lượng 30.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cho hay: “HTX hiện có 55,3ha canh tác vũ sữa Lò Rèn đạt chuẩn Global Gap, sản lượng 400 tấn. Chúng tôi đang thực hiện chương trình mở rộng thêm 100 ha áp dụng theo tiêu chuẩn này để có thể đáp ứng các đơn đặt hàng xuất khẩu lớn. Hiện HTX có nhà đóng gói được Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ”.

Bến Tre đang thực hiện dự án đầu tư hơn 120 tỷ đồng phát triển 4.000 ha bưởi da xanh theo hướng tập trung, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nhiều mô hình HTX, liên hết sản xuất quy mô 100-300 ha bưởi da xanh xuất hiện ở TP Bến Tre, huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất “sạch” đang phát huy hiệu quả rất lớn. Nông dân được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản theo hướng sản xuất chất lượng, an toàn và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

H.Lợi - C.Phong - B.Đại

Tin cùng chuyên mục