“Muối đắng, đường mặn”

Mía đường ở Việt Nam là câu chuyện không dễ lý giải. Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ đường giảm mạnh, nhưng giá đường không giảm, dù nguồn cung tăng do đang vào cao điểm chế biến đường. Thời điểm tháng 2-2011, theo ông Martin Todd, chuyên gia nghiên cứu ngành đường quốc tế (LMC International Company), giá đường tại Việt Nam cao hơn thế giới gần 200 USD/tấn. Nhiều người nhận định là do đường bị làm giá. Sang tháng 3, giá đường rớt mạnh làm cho những người trồng mía chưng hửng và lo lắng. Thời điểm này năm ngoái cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thông thường nhà phân phối mua lượng đường lớn để dự trữ và bán ra sau đó, nhưng nay, do lãi suất ngân hàng quá cao, lại khó vay nên chỉ mua đủ để bán. Các nhà máy từ chỗ sản xuất kiêm luôn nhà dự trữ bất đắc dĩ. Cùng lúc đó, Bộ Công thương cho phép 24 doanh nghiệp nhập khẩu gần 140.000 tấn trong số 250.000 tấn đường nhập khẩu năm 2011 (thời hạn đến đầu tháng 7), cộng với tình trạng đường nhập lậu qua biên giới, khiến lượng đường trên thị trường dồi dào nếu không muốn nói là dư thừa. Khi đó, nhà phân phối quay lại ép giá nhà máy đường. Tất nhiên nhà máy đường phải giảm giá mua mía nguyên liệu, ảnh hưởng đến thu nhập người trồng mía.

Trước tình thế này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị Bộ Công thương xem xét tạm ngưng nhập đường hoặc giảm hạn ngạch (quota) nhập đường để giảm áp lực đường tồn kho. Nhập khẩu đường là cần thiết để cân bằng thị trường, nhưng quan trọng là với phương thức nào, khi nào. Bởi việc nhập đường không chỉ ảnh hưởng đến các nhà máy chế biến đường mà còn ảnh hưởng khoảng 3 triệu nông dân trồng mía cả nước.

Câu chuyện người làm muối khóc trên đồng muối vì giá quá thấp năm rồi là hậu quả của việc cho nhập khẩu muối ngay trong mùa sản xuất của bà con diêm dân. Những bài học vừa qua cho thấy, khi làm chính sách, với mặt hàng thiết yếu, cần quan tâm nhiều đến hàng triệu người “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” để làm ra hạt muối, hạt đường.

Theo Hiệp hội Nghề muối miền Nam, do còn quota nhập khẩu muối nên phát sinh không ít tiêu cực. Có hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu muối công nghiệp về chế biến nhưng lại khai báo nhiều hơn nhu cầu thật để bán ra ngoài hưởng lợi nhờ mức thuế trong hạn ngạch chỉ 15% (thuế ngoài hạn ngạch là 50%). Ngoài những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Muối làm nhiệm vụ đảm bảo cung cầu thị trường, những doanh nghiệp kinh doanh thương mại cũng được cấp quota với số lượng không nhỏ. Do vậy, Nhà nước cần xem xét bỏ hạn ngạch và tính mức thuế chung là 50%. Nhà nước vừa thu được thuế vừa không làm thiệt hại đến sản xuất muối trong nước.

Thiết nghĩ, chính sách của nhà nước quản lý sao cho giá không quá biến động, và việc nhập khẩu 2 mặt hàng này cần nắm chắc thông tin và đảm bảo cuộc sống cho người làm ra hạt muối và hạt đường.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục