Nông dân cổ cồn

Ở Đà Lạt không hiếm những nông dân có trình độ đại học, và cũng không hiếm những kỹ sư, cử nhân làm thuê cho nông dân. Họ có kiến thức, có kinh nghiệm, làm việc chuyên nghiệp, bài bản. Ngay tại vườn rau hoa, những nông dân rất tự tin giảng giải cho chúng tôi về kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, từ tạo giống vô tính đến các phương thức canh tác, tưới nhỏ giọt, phun sương, thủy canh…
Nông dân cổ cồn

Ở Đà Lạt không hiếm những nông dân có trình độ đại học, và cũng không hiếm những kỹ sư, cử nhân làm thuê cho nông dân. Họ có kiến thức, có kinh nghiệm, làm việc chuyên nghiệp, bài bản. Ngay tại vườn rau hoa, những nông dân rất tự tin giảng giải cho chúng tôi về kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, từ tạo giống vô tính đến các phương thức canh tác, tưới nhỏ giọt, phun sương, thủy canh…

  • Làng hoa làm du lịch

Tôi cùng người bạn Hà Nội làm khách du lịch đến làng hoa Thái Phiên (phường 12, Đà Lạt, Lâm Đồng). Nơi đây đường sá khang trang, nhà cửa sạch sẽ, bưu điện, chợ, trạm xăng dầu, vật tư nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân rải đều.

Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường, cho biết: Những năm qua, tỉnh, thành phố đã đầu tư nhiều cho địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp, như: tập huấn kỹ thuật, hội thảo chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, và cả xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm. Bên cạnh đó, do làm ăn khá giả, nông dân đã đầu tư xây dựng, sửa sang nhà cửa, mua sắm phương tiện đi lại, rút ngắn khoảng cách với đô thị. Phường là một trong 3 làng hoa truyền thống của Đà Lạt, đã đón nhiều khách du lịch và các đoàn khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Anh Trương Đức Phú trong phòng nuôi cấy mô của nhà mình.

Anh Trương Đức Phú trong phòng nuôi cấy mô của nhà mình.

Phường 12 là vùng chuyên canh rau hoa và cây dược liệu atiso. Phường có 1.150/1.480 hộ làm nông, 3.500 lao động, trong đó có gần 900 lao động từ nơi khác đến. Đất nông nghiệp có 430ha, bình quân mỗi hộ 4.000m2. Đất không nhiều nhưng việc áp dụng công nghệ mới đã đem lại lợi nhuận cao.

Toàn phường có 300ha nhà kính, trong đó 280ha hoa, chủ yếu là các loại hoa cúc cắt cành, hoa lyly, cẩm chướng cũng đang được trồng nhiều, hiện khoảng 100 hộ trồng, với khoảng 30ha. Sản lượng hoa cắt cành các loại khoảng 400 triệu cành/năm.

Vào vườn cúc của ông Trần Phú Mỹ, chiều muộn rồi nhưng vợ chồng ông vẫn đang mải miết làm việc, chắc họ cũng như chúng tôi, ngắm hoa không biết mệt. Những luống cúc trồng trong nhà kính được chăm sóc tốt, bông đẹp mỡ màng, cây cao đến 80cm, trong khi ở xứ nóng, cao nhất cũng chỉ 60cm. Dưới giàn phun sương, những bông cúc Saphia lấp lánh sau chén nhựa trong suốt.

Ông Mỹ cho biết, mỗi bông được bọc một chén nhựa để bảo quản khi vận chuyển. Tiền chén, tiền công, tốn kém hơn, nhưng bảo đảm chất lượng hoa khi đến tay người tiêu dùng. Chi phí bình thường 350 đồng/cây, nếu thêm chén thành 500 đồng; cứ 1 sào cây thì mất 500.000 đồng tiền bọc chén. Khoảng 3 năm qua, bà con làm cách này, đi xa vẫn không bị hư hỏng.

Công nghệ cao đã đem lại những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp ở những làng rau hoa Đà Lạt. Sản lượng cao, chất lượng tốt, giá trị sản xuất gia tăng. Ở đây, mỗi sào hoa lyly sau khi trừ chi phí cũng được 60 - 70 triệu đồng, hoa cúc khoảng 50 triệu đồng; thu nhập bình quân 28 triệu đồng/người, có nhà đến 40 - 50 triệu đồng/người/năm. Làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành, Hà Đông bây giờ đã trở thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

  • Cần nhà nước hỗ trợ tìm thị trường

Chắc gọi như vậy cũng tạm ổn, bởi vì họ mới hơn rất nhiều so với những nông dân truyền thống của ta xưa nay. Họ là nông dân, nhưng cũng là nhà khoa học, nhà kinh doanh. Ở Đà Lạt không hiếm những nông dân đã tốt nghiệp cử nhân kinh tế hay công nghệ sinh học. Ngay tại vườn, họ tự tin giảng giải cho chúng tôi nghe về kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, từ tạo giống vô tính, đến các phương thức canh tác, tưới nhỏ giọt, phun sương, thủy canh…

Anh Trương Đức Phú, ở 49 Nam Hồ, có 6 sào vườn và một cơ sở nuôi cấy mô khá quy mô với 12 bắp cấy, mỗi năm cung cấp 2 - 3 triệu cây giống hoa cúc, đồng tiền, lyly, cẩm chướng, sao tím, salem,… cho Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương và cả Hà Nội. Nuôi cấy mô giữ được ưu điểm của giống ban đầu, sạch bệnh, nên phương pháp này đang phổ biến tại các vùng chuyên canh rau hoa như Đà Lạt.

Anh Phú cho biết, trước đây, gia đình anh chuyên trồng hoa, nhưng khoảng 5 năm qua chuyển sang ươm cây giống, xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Cũng có thuận lợi là trước đây vợ anh công tác ở Viện Sinh học. Hiện cơ sở nuôi cấy mô của anh có 4 kỹ sư, 2 cao đẳng và gần 30 lao động khác.

Trong phòng nuôi cấy mô của nhà anh Phú, thấp thoáng bóng áo blouse trắng, các thiết bị nồi hấp, tủ sấy, chai lọ, những thứ thường thấy ở phòng thí nghiệm của các cơ quan nghiên cứu. Những kỹ sư, kỹ thuật viên chăm chú làm việc. Họ chẳng ngại làm thuê cho nông dân, vì ở đây họ được làm đúng nghề, được trả lương xứng đáng, thậm chí có người còn vừa làm vừa đi học cao học.

Anh Phú tiết lộ ý tưởng liên kết tìm hướng xuất khẩu cây giống. Hiện tại, Đà Lạt có đến gần 50 cơ sở nuôi cấy mô, nên phải có hướng mở rộng thị trường. Hàng xuất khẩu phải đảm bảo các yêu cầu về giống, kỹ thuật canh tác, phải đáp ứng về cơ sở hạ tầng, huấn luyện kỹ thuật, quản lý chất lượng. Trước hết phải liên kết xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường. Nhà nước cũng cần hỗ trợ hình thành các chợ hoa, để người sản xuất được tiếp cận thị trường. 

BÍCH HIỀN

Tin cùng chuyên mục