Hàng ngàn doanh nghiệp sẽ mất hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu

Hiện đang có tới 59 quốc gia xuất khẩu các loại nông sản, nguyên liệu vào Việt Nam, nhưng mới chỉ 13 quốc gia hoàn thành hồ sơ kiểm dịch và truy xuất. Trong khi thời hạn cuối cùng là ngày 31-12-2012, nước nào chưa đăng ký sẽ bắt buộc phải áp dụng lệnh “đóng cửa”, đồng nghĩa việc hàng ngàn doanh nghiệp của Việt Nam đang làm ăn với đối tác nước ngoài sẽ không được đưa hàng vào nội địa.

Hiện đang có tới 59 quốc gia xuất khẩu các loại nông sản, nguyên liệu vào Việt Nam, nhưng mới chỉ 13 quốc gia hoàn thành hồ sơ kiểm dịch và truy xuất. Trong khi thời hạn cuối cùng là ngày 31-12-2012, nước nào chưa đăng ký sẽ bắt buộc phải áp dụng lệnh “đóng cửa”, đồng nghĩa việc hàng ngàn doanh nghiệp của Việt Nam đang làm ăn với đối tác nước ngoài sẽ không được đưa hàng vào nội địa.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định, theo quy định của Việt Nam tại Thông tư 13, từ 1-7-2011, tất cả các quốc gia muốn xuất khẩu nông sản, nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật vào Việt Nam đều phải đăng ký hồ sơ kiểm dịch thực vật, gửi danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu cho cơ quan chức năng của Việt Nam là Bộ NN-PTNT để quản lý, kiểm soát dịch hại cũng như an toàn thực phẩm và truy xuất khi phát hiện các sự cố.

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, kết quả kiểm tra có 59 quốc gia đang xuất khẩu hàng hóa nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có 13 nước đã có hồ sơ đăng ký danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng hóa gửi cho Việt Nam. Trong đó, thực tế hồ sơ chính thức mới chỉ có 11 nước, còn lại hai nước là Lào và Trung Quốc chưa có hồ sơ nhưng vẫn được cho nhập khẩu tạm thời.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết thêm, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã ký có hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu với các đối tác nước ngoài, đồng thời tạo khoảng thời gian lùi để các nước có điều kiện chuẩn bị hồ sơ, Bộ NN-PTNT đưa ra điều kiện: các hợp đồng đã được ký kết trước ngày 1-7-2011 vẫn cho phép nhập khẩu, thông quan bình thường. Song lợi dụng chính sách này, thời gian qua các doanh nghiệp trong nước cũng như đối tác đã “lách luật” bằng cách thường ghi hợp đồng trước 1-7-2011, khiến các cơ quan kiểm dịch, hải quan cửa khẩu, cảng phải lên tiếng. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã có văn bản quy định thời hạn cuối cùng để các quốc gia đăng ký hồ sơ gửi cho Việt Nam là ngày 31-12-2012. Sau thời hạn trên, sẽ phải đóng cửa, không cho phép xuất nguyên liệu và hàng hóa vào Việt Nam, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu trước ngày 1-7-2011 cũng phải dừng lại.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng nói rằng, số lượng doanh nghiệp hiện đang làm ăn với đối tác của những nước chưa đăng ký lên tới con số hàng ngàn doanh nghiệp. Các mặt hàng, sản phẩm chúng ta đang phải nhập của nước ngoài có thể kể như các loại rau củ quả tươi, hạt điều, bắp làm thức ăn chăn nuôi, khô dầu đậu tương, đặc biệt rất nhiều bột mì về để chế biến thực phẩm… Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết thêm, sau một năm triển khai Thông tư 13, các cơ quan kiểm dịch đã kiểm tra tổng cộng 1.545 mẫu hàng nhập khẩu, trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 140 mẫu hàng vào Việt Nam được phân tích và kiểm dịch. Tuy nhiên cơ quan kiểm dịch chỉ phát hiện có… 12 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, tập trung nhiều vào rau củ quả tươi nhập khẩu.

Song theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, điều đáng lo ngại là thực tế vẫn còn tới 46 nước xuất khẩu nông sản hàng hóa vào Việt Nam nhưng chưa có hồ sơ đăng ký chính thức với cơ quan chức năng nước ta, hiện vẫn chỉ đang cho nhập tạm thời, điều đó cũng đồng nghĩa việc bỏ ngỏ kiểm soát đối với nhiều nguồn nông sản nhập khẩu, không thể truy xuất khi gặp sự cố. Do đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu dứt khoát sau ngày 31-12-2012 sắp tới, quốc gia nào chưa có hồ sơ đăng ký thì bắt buộc phải chấm dứt hoạt động nhập khẩu hàng hóa nông sản từ quốc gia đó.

Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, đơn vị được giao trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng các nước, tiếp tục thông báo cho các đối tác khẩn trương gửi hồ sơ đăng ký cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên duy trì hoạt động làm ăn, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản vào Việt Nam một cách dễ dàng, liên tục. 

TRẦN PHÚC

Tin cùng chuyên mục