Đồng bằng sông Cửu Long: Nông dân quay lưng với GAP

Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay diện tích cây ăn trái áp dụng thành công quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) của cả nước còn rất khiêm tốn. Tại ĐBSCL, chỉ có 0,14% diện tích (trong tổng số gần 290.000ha trồng cây ăn trái) được công nhận tiêu chuẩn này. Nhiều mô hình rất thành công, nhưng cũng không ít trường hợp rã đám giữa chừng, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng, mở rộng vùng canh tác cây ăn trái chất lượng cao, đảm bảo an toàn, hướng đi tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới.

Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay diện tích cây ăn trái áp dụng thành công quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) của cả nước còn rất khiêm tốn. Tại ĐBSCL, chỉ có 0,14% diện tích (trong tổng số gần 290.000ha trồng cây ăn trái) được công nhận tiêu chuẩn này. Nhiều mô hình rất thành công, nhưng cũng không ít trường hợp rã đám giữa chừng, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng, mở rộng vùng canh tác cây ăn trái chất lượng cao, đảm bảo an toàn, hướng đi tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới.

Dừng lại ở mô hình điểm

Các hợp tác xã (HTX) từng là mô hình điểm ở ĐBSCL khi vượt qua hàng trăm tiêu chuẩn nghiêm ngặt, được công nhận chứng chỉ Global GAP (quy trình sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) đầu tiên ở Việt Nam nay đang thoi thóp, nông dân lại “tự bơi” tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Đáng lo ngại là nguy cơ mất thương hiệu quý giá Global GAP khi các HTX không có kinh phí để tái công nhận.

Cụ thể nhất là HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long). Đến nay, chứng chỉ Global GAP đã quá hạn 4 năm nhưng chưa được công nhận lại. Toàn bộ 26 xã viên đầu tiên của HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đạt Global GAP với diện tích 23,49 ha nay đã chia tay HTX, trở lại kiểu canh tác truyền thống. Một thành viên Ban Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa lo ngại: “Bây giờ, muốn có Global GAP coi như phải làm lại từ đầu với kinh phí hơn 10.000USD, chúng tôi không thể xoay xở được”.

HTX chôm chôm ở cù lao Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cũng trong tình trạng tương tự vì chứng nhận Global GAP sắp hết hạn nhưng không tìm đâu ra 4.000-5.000USD làm kinh phí tái công nhận. Trong khi đầu ra sản phẩm vẫn bấp bênh, chưa xuất khẩu được, các mô hình thí điểm “chết đứng”, mục tiêu huy động đông đảo người dân tham gia vào các HTX, mở rộng diện tích, tăng sản lượng, chất lượng các sản phẩm đặc sản cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước với giá trị cao của các địa phương… bị phá sản.

Các chuyên gia nông sản xác định, những mô hình thành công đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể là vai trò của doanh nghiệp hoặc nhà nước hỗ trợ chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm. Những trường hợp “gãy gánh giữa đường” do diện tích manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng thấp. Hàng GAP hầu như không có kênh tiêu thụ riêng, nên sản phẩm được chứng nhận Global GAP, Viet GAP đang bị thương lái mua với giá ngang bằng với sản phẩm bình thường. Nông dân không được hưởng lợi gì từ GAP trong khi phải đầu tư thêm nhiều khoản. Đặc biệt, phí chứng nhận quá cao.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhấn mạnh, nông dân quay lưng với GAP vì không nhận được hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ trong tái chứng nhận.

Tìm giải pháp căn cơ

Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho biết: “Sản xuất theo quy trình GAP rất cần thiết. Tuy nhiên, để nông dân và doanh nghiệp thực sự xem đây là một yêu cầu mà bản thân họ phải tự nguyện làm thì cần những điều kiện cơ bản như: nông dân bán sản phẩm với giá hợp lý, đầu ra ổn định; doanh nghiệp phải tổ chức vùng sản xuất; thực sự có thị trường, mua sản phẩm của nông dân theo cam kết; phân biệt rạch ròi giữa sản phẩm GAP với các mặt hàng khác; nhà nước phải có chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân như chứng nhận GAP không phải trả phí, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường ổn định”.

Ở góc nhìn khác, GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đề xuất: “Kinh nghiệm về cánh đầu mẫu lớn trong sản xuất lúa nên áp dụng để xây dựng các mô hình miệt vườn mẫu lớn về cây ăn trái đặc sản. Đây là nơi quy tụ bốn nhà nhằm hợp tác giải quyết những khó khăn trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ”.

Để GAP thực sự hiệu quả, TS Nguyễn Văn Hòa, Viện phó Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng phải có logo chung cho Viet GAP trên toàn quốc, quy định cụ thể việc sử dụng logo này để đảm bảo chất lượng, thương hiệu Việt; tăng cường hỗ trợ phát triển hệ thống nhà đóng gói, thu mua, chế biến xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia; đảm bảo khung pháp lý cho các hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân; củng cố hoạt động của các HTX.

Hiện, Bến Tre có khoảng 38ha bưởi da xanh sản xuất theo quy trình Viet GAP được chứng nhận, gắn kết với thị trường trong nước với giá rất cao, cung không đủ cầu. HTX xoài cát Hòa Lộc Tiền Giang chỉ có 11ha sản xuất theo quy trình Viet GAP được chứng nhận, không đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong nước. Riêng HTX xoài cát Hòa Lộc Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), chỉ có 21ha sản xuất theo Global GAP (đang được xem xét chứng nhận). Tuy nhiên HTX này đã chuẩn bị nguồn tiêu thụ là hợp đồng với Công ty Sanatra Nhật Bản xuất khẩu 5-7 tấn/tuần với thời gian cung ứng liên tục 5-7 tháng/năm.

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục