Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Hại người, hại mình

Không phát hiện thêm mẫu thịt nhiễm chất cấm
Hại người, hại mình

Lại một lần nữa, người chăn nuôi trong cả nước điêu đứng vì thịt heo rớt giá, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng do người tiêu dùng e dè, lo ngại sau khi rộ lên tình trạng sử dụng chất cấm độc hại để kích thích nạc, giúp heo tăng trọng. Làm thế nào để không lặp lại những “cú sốc” như vừa qua là câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý cũng như chính người chăn nuôi hiện nay.

Chăn nuôi sạch chính là bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi.

Chăn nuôi sạch chính là bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi.

Không phát hiện thêm mẫu thịt nhiễm chất cấm

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết hơn một tháng qua, do ảnh hưởng của chất tạo nạc trong chăn nuôi đã khiến người chăn nuôi cả nước thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng vì người tiêu dùng quay lưng với thịt heo, khiến giá thịt heo liên tục rớt xuống. Hồi đầu năm nay, giá thịt heo hơi dao động khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg và đây là giá bán giúp người chăn nuôi dần có lãi, góp phần ổn định nguồn cung. Tuy nhiên, khi rộ lên vụ chất tạo nạc, hầu như trên các thị trường, sức mua giảm hẳn, giá heo lần lượt hạ xuống chỉ còn 42.000 - 47.000 đồng vào thời điểm tháng 2 và 3. Hiện nay, giá heo mới nhích tăng trở lại sau khi cơ quan chức năng ra quân kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đến thời điểm hiện tại, chất cấm cơ bản đã được kiểm soát ở góc độ sử dụng. “Trong khoảng nửa tháng trở lại đây, các mẫu thịt, nước tiểu phân tích đều không phát hiện dương tính với các chất cấm gốc Beta - Agonits. Đây là tín hiệu đáng mừng. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng thịt heo” - ông Dương nói. Bên cạnh đó, cũng khoảng từ giữa tháng 4 đến nay, giá thịt heo đã bắt đầu tăng dần, và sẽ tăng trở lại mức bình thường như hồi tháng 2 vừa qua. Do đó, người chăn nuôi không nên bỏ cuộc mà giảm đàn, hoặc bỏ chăn nuôi.

Hướng tới chăn nuôi trang trại “sạch”

Trước những hệ lụy của ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng mặc dù “cú sốc” chất cấm, chất tăng trọng đã tạm lắng nhưng đây là một bài học xương máu cho người chăn nuôi. Theo ông, sở dĩ rộ lên tình trạng sử dụng chất cấm tạo nạc và tăng trọng như thời gian qua là bắt nguồn từ việc mất cân đối về cung cầu trong chăn nuôi. Trước đó, do chúng ta bị thiếu thịt nên giá thịt heo bị đẩy lên cao, người chăn nuôi có nhiều lợi nhuận. Nhưng cũng vì giá heo cao nên một số chủ trang trại và doanh nghiệp đã cố tình sử dụng chất cấm để kích thích heo mau lớn, đạt tỷ lệ nạc cao, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Rõ ràng đây là một kiểu làm ăn chụp giật. Hậu quả, khi vụ việc bại lộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả những người chăn nuôi chân chính.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để giữ uy tín với người tiêu dùng, tránh lặp lại những thiệt hại to lớn như thời gian qua, người chăn nuôi cần tỉnh táo hơn trong việc loại trừ chất cấm. Về lâu dài, cần khắc phục kiểu chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay để hướng tới chăn nuôi quy mô trang trại hiện đại và sử dụng thức ăn chăn nuôi sạch, cho ra những sản phẩm thịt sạch.

Hiện nay, để hỗ trợ người dân phát giác, tố cáo hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm, Cục Thú y và Cục Chăn nuôi đã thành lập đường dây nóng để người dân cùng tham gia. Tại tỉnh Đồng Nai, một điểm nóng về tình trạng sử dụng chất cấm, chính quyền địa phương đã ráo riết vào cuộc, đề nghị các hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết mặc dù chất cấm đã giảm đáng kể nhưng Bộ NN-PTNT vẫn đang phối hợp với các địa phương và các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Công thương tiến hành truy xuất nguồn gốc để có biện pháp xử lý triệt để những cơ sở kinh doanh, tàng trữ, sử dụng chất cấm.

Để kiểm soát tình hình an toàn thực phẩm, trong quý 2-2012, Bộ NN-PTNT sẽ sửa đổi Thông tư 54 về quy định kiểm tra chất cấm. Tiếp tục triển khai các hoạt động lấy mẫu phân tích đánh giá vật tư nông nghiệp và giám sát chất cấm. Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm theo hướng cụ thể hóa nội dung để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Phúc Văn

Tin cùng chuyên mục