TPHCM thu hút đầu tư xây dựng nông thôn mới: Thu nhập người dân tăng 1,83 lần

Ngày 5-3, TPHCM tổng kết thí điểm mô hình nông thôn mới giai đoạn 2010-2012. Đến dự có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình xây dựng nông thôn mới TPHCM, cùng nhiều lãnh đạo ban ngành TP và địa phương.
TPHCM thu hút đầu tư xây dựng nông thôn mới: Thu nhập người dân tăng 1,83 lần

Ngày 5-3, TPHCM tổng kết thí điểm mô hình nông thôn mới giai đoạn 2010-2012. Đến dự có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình xây dựng nông thôn mới TPHCM, cùng nhiều lãnh đạo ban ngành TP và địa phương.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (bìa trái) chúc mừng các nông dân được trao tặng bằng khen của UBND TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (bìa trái) chúc mừng các nông dân được trao tặng bằng khen của UBND TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

  • Tăng thu nhập, giảm khoảng cách giàu nghèo

Báo cáo tại buổi tổng kết, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, Phó Trưởng BCĐ Chương trình xây dựng nông thôn mới TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, bên cạnh xã thí điểm cấp trung ương là Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), từ năm 2010, TPHCM còn triển khi thí điểm mô hình nông thôn mới tại 5 xã ở 5 huyện, gồm: Thái Mỹ (Củ Chi), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Tân Nhựt (Bình Chánh), Nhơn Đức (Nhà Bè) và Lý Nhơn (Cần Giờ). Tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới của TP đến đầu tháng 1-2013 là 6.900 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương 20,2 tỷ đồng (0,29%), ngân sách TP hơn 1.380 tỷ đồng (hơn 20%), còn lại trên 5.497 tỷ đồng (79,6%) từ người dân và cộng đồng. Nhờ đó đã xây dựng 911 công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa, xã hội, xóa nhà tạm.

Đến nay, 5 xã điểm TP cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới, trong đó xã Thái Mỹ đạt 19/19 tiêu chí, 4 xã khác hoàn thành 1-2 tiêu chí còn lại trong năm nay. Chính nhờ cơ sở hạ tầng góp phần vào việc thu hút đầu tư trong cộng đồng, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp nâng cao đời sống sinh hoạt cộng đồng dân cư… đã giúp thu nhập người dân tại những xã này đạt bình quân 31,5 triệu đồng/người/năm; gấp 1,83 lần trước khi xây dựng đề án. Các xã điểm không còn hộ nghèo so với mức quy định trung ương, nhưng nếu so với chuẩn TPHCM (12 triệu đồng/người/năm) chỉ còn 1.188 hộ (so với trước đó 4.533 hộ).

Những kết quả đạt được bước đầu không chỉ phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập mà còn nâng cao điều kiện thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa-xã hội của người dân, giảm dần khoảng cách giàu nghèo.

Trồng nấm Linh chi đỏ tại cơ sở Ba Chánh, quận 2.

Trồng nấm Linh chi đỏ tại cơ sở Ba Chánh, quận 2.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, cách làm của TPHCM vừa đúng chỉ đạo vừa có nhiều sáng tạo, là những kinh nghiệm tốt các nơi tham khảo. Đó là sự quyết tâm chỉ đạo của các cấp cũng như sự tham gia tích cực của các đoàn thể. Việc làm tốt công tác tuyên truyền, giúp bà con nhận thức được mục đích và ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới nên người dân tại chỗ tham gia tích cực vào chủ trương lớn của Đảng. Thực tế người dân chủ động và đóng góp rất lớn để làm tốt nhiệm vụ. Cụ thể nhất là việc hơn 7.000 người dân tự nguyện hiến hơn 720ha đất. TP cũng đã chỉ đạo thành công việc tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập người dân, chỉ tiêu quan trọng nhất và cũng khó thực hiện nhất.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị TP phát huy hơn nữa việc tuyên truyền cho cán bộ và người dân về chủ trương đúng đắn của Đảng. Xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao thu nhập cũng như cải thiện đời sống của chính người dân tại chỗ, nhưng để làm đươc điều này cần có sự hỗ trợ tích cực hơn từ Nhà nước, nhất là việc chuyển giao khoa học, công nghệ, cung cấp giống cây con mới và giúp mỗi xã xác định vài sản phẩm chủ lực, tạo ra được lượng hàng hóa lớn, có tính cạnh tranh cao.

  • Nâng cao chất lượng các tiêu chí

Phát biểu chỉ đạo buổi tổng kết, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh, chính tính đúng đắn của chủ trương đã khơi gợi và phát huy nội lực nhân dân tại các xã. Khẳng định, nhân dân là chủ thể quyết định sự thành công của chương trình. Các doanh nghiệp với tâm huyết, tình cảm gắn bó mật thiết với nông dân và nông thôn đến đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Hàng ngàn cá nhân hiến đất làm đường, phát triển sản xuất, vượt khó làm giàu… Có thể khẳng định, những nhân tố nông thôn mới các xã ven đô thị đã hình thành, bắt đầu phát huy tác dụng, làm cơ sở cho việc tiếp tục nhân rộng mô hình tất cả các xã còn lại. Cái được lớn nhất là Nghị quyết của Đảng hợp lòng dân đã đi vào cuộc sống. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trách nhiệm trước dân.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, tạo ra diện mạo mới cũng chính là quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM, đồng chí Lê Thanh Hải chỉ đạo tiếp tục phát huy và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt tại 6 xã điểm; đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. BCĐ nông thôn mới các cấp nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và TP; phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm hơn nữa. Đảng ủy các xã đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng đi sát, lắng nghe ý kiến của người dân. TP cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân, nông nghiệp… tạo điều kiện thúc đẩy, gắn với thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2020. Các doanh nghiệp TP có phương án hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ giải quyết đầu vào, đầu ra nông sản tại các xã…

Mục tiêu của TPHCM là nhân rộng mô hình nông thôn mới ra 50 xã còn lại để đến năm 2015 tất cả 56/56 xã của TP cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.

Đặt vấn đề với những xã này, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Trưởng BCĐ Chương trình nông thôn mới TPHCM cho rằng, trong 6 xã lúc bắt đầu xây dựng nông thôn mới có những xã chỉ đạt 5 tiêu chí, nhưng sau 3 năm đạt 17 tiêu chí, vậy khi đi sau với những kinh nghiệm, sự chỉ đạo, trao đổi có cách làm và bước đi để đạt kết quả nhanh hơn xã bạn đã triển khai. Phải phát huy trí tuệ, tinh thần tiến công cách mạng. Không ỷ lại, chờ đợi nguồn vốn của TP, trên tinh thần phát huy sức mạnh của nhân dân, xây dựng nông thôn mới cho chính nhân dân để tìm kiếm cách làm hiệu quả nhất, nhanh nhất. Có những tiêu chí cần vốn mới có kết quả được như đường, trạm y tế, trường học… nhưng cũng có nhiều tiêu chí không cần nhiều tiền mà cần cách làm, cách tổ chức thực hiện như xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, giúp nhau kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cây con giống…

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục