Bao giờ nông dân có quyền “mặc cả”?

Trong những ngày qua, đoàn công tác liên ngành mà chủ chốt là Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã đến làm việc một số tỉnh TP ĐBSCL như Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ để kiểm tra, giám sát việc mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân. Điều “bất ngờ” là nội dung kiểm tra, giám sát không được bàn tới nhiều mà hầu hết là thu thập các kiến nghị của địa phương. Nhiều kiến nghị của địa phương “đá nhau” theo kiểu lợi ích cục bộ, trong khi các giải pháp nhằm giúp nông dân bán lúa với giá hợp lý vẫn nan giải.
Bao giờ nông dân có quyền “mặc cả”?

Trong những ngày qua, đoàn công tác liên ngành mà chủ chốt là Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã đến làm việc một số tỉnh TP ĐBSCL như Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ để kiểm tra, giám sát việc mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân. Điều “bất ngờ” là nội dung kiểm tra, giám sát không được bàn tới nhiều mà hầu hết là thu thập các kiến nghị của địa phương. Nhiều kiến nghị của địa phương “đá nhau” theo kiểu lợi ích cục bộ, trong khi các giải pháp nhằm giúp nông dân bán lúa với giá hợp lý vẫn nan giải.

Bao giờ nông dân đủ lực để giữ lúa và mặc cả giá.

Bao giờ nông dân đủ lực để giữ lúa và mặc cả giá.

Mâu thuẫn vì chỉ tiêu

Những địa phương được phân bổ chỉ tiêu mua lúa, gạo tạm trữ thấp nếu dựa trên sản lượng như Kiên Giang, Đồng Tháp thì so bì: phân bổ chỉ tiêu ít, thiếu công bằng và mong muốn nên giao chỉ tiêu mua tạm trữ cho tỉnh, dựa trên sản lượng lúa của địa phương. Tuy nhiên, trong chuyến làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành tại Cần Thơ ngày 18-4, những phân tích và lý lẽ của địa phương lại mâu thuẫn với Đồng Tháp và Kiên Giang. Đây là điều dễ hiểu bởi Cần Thơ hiện có diện tích sản xuất lúa ít trong khu vực nhưng lại được giao chỉ tiêu mua tạm trữ khá cao.

“Nếu phân bổ mua tạm trữ lúa gạo theo sản lượng lương thực của tỉnh sẽ rất khó. Cần phải phân bổ chỉ tiêu theo số lượng và năng lực doanh nghiệp trên địa bàn” - ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phân tích. Thực tế, khi phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã tham vấn Bộ Công thương dựa trên năng lực của doanh nghiệp như không nợ thuế, phải có kho, cơ sở vật chất; khả năng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp sau khi tạm trữ. Nhiều địa phương thừa nhận, việc thu mua tạm trữ lúa, gạo hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Song giải pháp “tình thế” này sẽ còn kéo dài nhiều năm. Nói là giải pháp tình thế nhưng các địa phương hay ngay cả VFA cũng muốn giành “miếng bánh” tạm trữ lúa gạo về phần mình. Cụ thể là trước ý kiến của nhiều người nên làm thí điểm chuyển việc tạm trữ lúa, gạo cho nông dân để họ trực tiếp hưởng lợi từ hỗ trợ lãi suất ngân hàng, ông Dương Lê Dũng, Trưởng ban kiểm tra VFA, cho rằng hồ sơ chứng từ để quyết toán việc mua tạm trữ của doanh nghiệp rất đồ sộ, “Nếu lấy tỷ lệ 30% nông dân tạm trữ lúa tương đương với 500.000 hộ thì chuyện thẩm định 500.000 bộ hồ sơ này đến khi nào. Đây là một câu chuyện dài”.

Việc thu mua tạm trữ lúa gạo trước nay chỉ được Thủ tướng quyết định vào thời điểm lúa hàng hóa ở ĐBSCL bị ứ đọng, rớt giá. Thực tế, không cần có chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo, các doanh nghiệp vẫn phải mua lúa, gạo của nông dân, bởi không mua lúa, gạo thì các thành viên trực thuộc VFA lấy gì để xuất khẩu? Nếu thị trường xuất khẩu gạo khả quan, giá tăng thì không đợi đến có chỉ tiêu tạm trữ, các doanh nghiệp sẽ rốt ráo mua lúa, gạo. Nhưng khi thị trường khó khăn, các doanh nghiệp sẽ “ngủ đông” làm giá lúa tụt giảm nhanh.

Chưa xuất đã tính... lỗ?

Việc thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay chỉ chiếm số lượng khoảng 20% - 30% sản lượng lúa hàng hóa ở ĐBSCL (sản lượng lúa đông xuân ở ĐBSCL hơn 10 triệu tấn lúa, tương đương 5 triệu tấn gạo, chỉ tiêu tạm trữ 1 triệu tấn gạo, tương đương 2 triệu tấn lúa). Có lẽ nên bàn lại chuyện xuất phát và ý nghĩa của việc mua tạm trữ là “để dành, chờ thời điểm thích hợp” để xuất khẩu, doanh nghiệp mới được hỗ trợ lãi suất trong thời gian tạm trữ. Còn những giao dịch xuất khẩu gạo bình thường vẫn được tiến hành. Phần tạm trữ là giải pháp nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa cho doanh nghiệp trong thời điểm nông dân bán lúa đông ken, giữ giá lúa ở mức có lợi cho nông dân. Thế nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tính toán lỗ khoảng 100 - 200 đồng/kg gạo khi mua gạo tạm trữ. “Không hiểu con số này từ đâu ra, vì các doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành chỉ tiêu mua tạm trữ, chưa xuất khẩu mà đã than lỗ. Còn nếu vừa mua đã xuất thì có cần phải hỗ trợ lãi suất tạm trữ”, một chuyên gia trong ngành lúa gạo ngao ngán nói.

Nhiều người tỏ ra “khó hiểu” khi Bộ NN-PTNT năm ngoái đã tổ chức nhiều hội nghị ở An Giang, Kiên Giang để lấy ý kiến việc mua tạm trữ lúa gạo nên theo hướng nào. Khi đó, rất nhiều lãnh đạo địa phương kiến nghị nên giao cho tỉnh. Nhưng không biết tiếp thu và giải đáp ra sao mà nay lãnh đạo các địa phương lại tiếp tục so bì và kiến nghị? Càng bất ngờ hơn, trong chuyến làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành về mua lúa, gạo tạm trữ, lãnh đạo ngành nông nghiệp một địa phương cho biết: “Đã lên kế hoạch kiểm tra các doanh nghiệp mua lúa, gạo tạm trữ vào tuần tới”. Một vị cán bộ trong đoàn công tác chỉ nhắc nhẹ 2 từ: “Trễ quá”. Chẳng rõ đoàn kiểm tra liên ngành đến địa phương này để kiểm tra cái gì hay chỉ đi thu thập ý kiến?

Với sản lượng lương thực khoảng 44 triệu tấn, Việt Nam dành hơn 1/3 sản lượng để xuất khẩu (khoảng 7,5 triệu tấn gạo, tương đương 15 triệu tấn lúa). Đã đến lúc cân nhắc nên chạy theo số lượng xuất khẩu hay từng bước chuyển sang chất lượng, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Nhiều người cho rằng, về lâu dài nên tìm cách hỗ trợ nông dân có nguồn lực tái tạo sản xuất, chi tiêu gia đình, để không phải bán lúa tươi ngay tại ruộng với giá thấp. Khi đó, việc mua hay không mua tạm trữ lúa, gạo sẽ “bớt căng thẳng”

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục